Pha sai tỷ lệ oresol dễ gây ngộ độc

Trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, nôn hoặc sốt cần được bù dịch càng sớm càng tốt để tránh những hậu họa khôn lường là điều hết sức cần thiết, trong đó oresol (ORS) là dung dịch được lựa chọn hàng đầu. Tuy vậy, nếu pha sai tỷ lệ  oresol  (đặc quá) có thể làm cho trẻ bị ngộ độc muối.

Trẻ sốt cần được bù dịch

Có ba loại dịch thường được dùng để bù cho trẻ khi cần thiết, đó là ORS có chứa natri, kali, đường và nước; dung dịch ringer lactate chứa natri, kali, naricacbonat, H20 và dung dịch natricacbonat. Trong đó, ORS là loại thông dụng nhất do được pha thành dung dịch để cho trẻ uống, hai loại còn lại là dung dịch để truyền tĩnh mạch khi thật cần thiết (do bác sĩ điều trị chỉ định dùng).

Việc bù dịch như thế nào, cho dùng loại gì là do bác sĩ khám bệnh chỉ định (nếu trẻ được khám bệnh khi sốt, tiêu chảy, nôn nhiều, bỏng nặng…). Trong trường hợp trẻ còn uống tốt, thường được bác sĩ chỉ định dùng ORS. Tuy vậy, để dùng đúng, bù dịch kịp thời cho trẻ.

Tại sao trẻ có thể bị ngộ độc muối khi uống ORS?

Trẻ bị ngộ độc muối xảy ra khi uống phải dung dịch ORS pha quá đặc. ORS pha vào nước theo đúng quy định khi cho trẻ uống sẽ có tác dụng bù lượng nước, muối, đường đã mất. Nhưng nếu pha không đúng quy định sẽ càng gây rối loạn nước và chất điện giải, tình trạng tiêu chảy hoặc sốt, hoặc nôn… càng nặng hơn và trẻ có thể tử vong do mất chất điện giải, truỵ tim mạch. Khi pha quá đặc, người lớn uống thấy mặn có thể nhổ ra ngay nhưng với trẻ nhỏ vẫn uống bình thường. Vì mặn nên càng uống trẻ càng khát, càng khát lại càng đòi uống và được cho uống dung dịch ORS nhiều hơn, khiến trẻ rất dễ bị ngộ độc muối.

Do lượng muối đi vào máu nhiều hơn bình thường, áp lực thẩm thấu của máu cao lên, nước từ trong tế bào đi ra ngoài nhiều hơn, vì thế màng tế bào sẽ bị teo lại dẫn đến hiện tượng da nhăn, môi khô, mắt trũng, niêm mạc lưỡi khô, nước tiểu ít, đặc biệt là sốt cao không rõ nguyên nhân, rối loạn nhịp thở, kèm theo các biểu hiện thần kinh nổi bật như rối loạn tri giác (kiểu ngủ gà xen kẽ với từng cơn kích thích vật vã, co giật, tăng phản xạ gân xương…). Nguy hiểm nhất là gây phù não cấp dẫn đến hôn mê.

Nên làm gì khi nghi trẻ ngộ độc muối?

Khi dùng dung dịch ORS để bù nước và muối cho trẻ tiêu chảy, sốt, nếu thấy các dấu hiệu như vừa nêu (khát dữ dội, môi khô, mắt trũng, ngủ gà hoặc sốt, co giật….) cần ngừng không cho trẻ uống thêm dung dịch ORS và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu vì trẻ có thể bị ngộ độc muối do uống dung dịch ORS pha đặc quá.

Người nhà của trẻ hoặc cô nuôi dạy trẻ không nên cho trẻ uống tiếp dung dịch ORS khi trẻ khát, đòi uống bởi tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa nếu tiếp tục cho uống ORS pha đặc quá.

Cách pha đúng chuẩn dung dịch ORS

Cần đọc kỹ hướng dẫn cách pha của gói thuốc về lượng nước phù hợp. Cụ thể, nếu gói ORS hướng dẫn pha với 200ml, cần pha đủ 200ml nước; hướng dẫn pha với 500ml, phải pha đủ với 500ml nước hoặc pha 1.000ml (1 lít) phải đủ 1.000ml mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Như vậy, để pha đúng tỷ lệ cần phải có dụng cụ đo (cốc thủy tinh 200ml có chia vạch hoặc cốc thuỷ tinh 500ml, có chia vạch, tốt nhất là cốc 1.000ml, có chia vạch).

Nếu pha quá loãng giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, không có tác dụng bù nước và nuối. Nếu pha đậm đặc với ít nước sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Cần lưu ý là không được chia gói ORS ra làm nhiều phần, làm như vậy sẽ làm sai lệch tỷ lệ các chất có trong gói thuốc ORS và khi uống ORS sẽ không có tác dụng chữa bệnh (bù nước và chất điện giải).

Cần dùng nước đun sôi để nguội để pha, sau khi khuấy tan hết hoàn toàn thuốc ORS trong nước rồi mới cho trẻ uống. Tuyệt đối không được pha thuốc với sữa, nước trái cây, không cho thêm đường hoặc các loại thuốc khác.

Không pha ORS với nước khoáng, bởi vì trong các loại nước khoáng đã có sẵn các thành phần muối làm sai lệch nồng độ của thuốc sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng khả năng ngộ độc muối, không nên dùng các thực phẩm chức năng bù nước điện giải thay thế ORS.

Theo ThS.BS. Bùi Mai Hương (SKĐS)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top