Phá rào cản để doanh nghiệp tiếp cận, hấp thụ nguồn vốn

Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn như cho vay với lãi suất ưu đãi, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Khoảng 38 - 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng

Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết 406/2021/NQ-QH15 về một số giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của đại dịch; Thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thu xếp các gói tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đại đa số là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh quy mô nhỏ, ít tài sản bảo đảm, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa cao, nên khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hạn chế.

Theo TS Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa, qua khảo sát chỉ có khoảng 38 - 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng.

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng như: tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản lý dòng tiền, trong khi các thông tin trên báo cáo tài chính lại chưa minh bạch…

“Chính vì vậy, thời gian qua đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh”, TS Phạm Huy Hùng cho biết.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, vấn đề nguồn vốn tín dụng vay từ phía các ngân hàng của các doanh nghiệp phát triển bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, cộng với tình hình dịch bệnh kéo dài 2 năm qua dẫn đến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển hướng huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu. Nhưng vấn đề này mới đây cũng bị siết chặt bởi Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tài chính quốc gia để tạo sự an toàn, an ninh tiền tệ nói chung.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản 6561/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát và nâng cao chất lượng tín dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng đang vay vốn ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải thường xuyên rà soát đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng.

Đặc biệt, là các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng lớn, khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Từ đó, có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế rủi ro phát sinh. Chính điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận với nguồn vốn. Nhiều gói kích thích nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó tiếp cận nguồn vốn.

nhovavua.jpg
Nhiều gói kích thích nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó tiếp cận nguồn vốn.

Phá rào cản tiếp cận vốn

Theo ông Nguyễn Văn Đính, việc quản lý chặt chẽ tín dụng, đảm bảo an ninh tiền tệ là tốt nhưng cũng tạo ra nhiều khó khăn cho nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh 2 năm Covid-19, nhiều doanh nghiệp lao đao.

Ông Đính cho rằng, nên đưa ra những giải pháp vừa đảm bảo tính an toàn tiền tệ quốc gia nhưng cũng phải giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các dòng vốn.

Cụ thể hơn, những dự án nào xác định cần thiết, thiết thực phù hợp nhất mang lại hiệu quả cho động lực phát triển kinh tế, hạ tầng địa phương thì cần phải xem xét tính cấp thiết về dòng tiền, dòng vốn. Nhiều dự án không phù hợp, không khả thi thì phải hạn chế.

“Đặc biệt tình trạng hiện nay nhiều địa phương có tình trạng ban phát, cấp phép cho nhiều dự án, nhưng nhiều dự án không hoạt động, trong khi rất nhiều dự án cần thiết lại không thể hoàn thành, không thể hoạt động”, ông Đính nói.

Còn theo TS Phạm Huy Hùng, về xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, trước tiên phải giải quyết được vấn đề bảo đảm tiền vay. Thực tế, rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng thương mại đưa ra, vì thế, để giảm rủi ro trong cho vay, các ngân hàng thương mại yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.

Khắc phục điểm nghẽn này, Chính phủ đã ban hành nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về bảo đảm tiền vay bằng tài sản.

“Từ thực tế cho thấy, chúng tôi kiến nghị Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ”, TS Phạm Huy Hùng cho biết.

Ngoài ra, theo TS Phạm Huy Hùng, cần thay đổi nhận thức về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ, trợ giúp, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay được vốn.

Vì thế, cần rà soát lại điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh theo hướng “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ ngân hàng, phối hợp với ngân hàng tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn.

Có như vậy Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đúng nghĩa là cầu nối để doanh nghiệp nâng cao khả năng vay vốn không có tài sản thế chấp tại các ngân hàng thương mại.

“Qua khảo sát chỉ có khoảng 38 - 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng”.

TS Phạm Huy Hùng

Theo Đời sống
Ngân hàng Nhà nước sắp tổ chức đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước sắp tổ chức đấu thầu vàng miếng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng, NHNN dự kiến tổ chức đấu thầu vàng miếng ngay trong tuần này để tăng cung cho thị trường.
back to top