PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Sân khấu hóa cảnh nhạy cảm - cần trình độ để biết điểm dừng

(khoahocdoisong.vn) - Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên Chương trình ngữ văn mới, giáo viên phải có trình độ để biết điểm dừng, mức độ và đặc biệt là cách thức thể hiện các nội dung “nhạy cảm” khi sân khấu hóa tác phẩm văn học.

Chỉ phù hợp với chương trình ngoại khóa, một năm vài lần

Vụ việc thầy giáo Phạm Quốc Đạt đã làm dấy lên tranh luận về phương pháp sân khấu hóa trong việc dạy và học văn trong nhà trường. Ông đánh giá thế nào về phương pháp này?

Sân khấu hóa các tác phẩm văn học là một trong các hình thức dạy học Ngữ văn  ở nhà trường phổ thông. Hình thức này nhằm đa dạng hóa việc tổ chức dạy học tác phẩm văn học, giúp học sinh (HS) yêu thích văn học hơn.

Với hình thức này, HS được tham gia trực tiếp nhiều công việc như: lựa chọn được những văn bản tác phẩm có thể sân khấu hóa; sau đó thực hiện chuyển thể tác phẩm văn học ấy thành kịch bản; rồi từ kịch bản tập đóng vai, diễn xuất, biểu diễn trên sân khấu…

Như vậy sẽ khiến cho giờ học văn đỡ “nhàm chán”, thưa ông?

Đối với HS, thay vì ngồi phải nghe giảng bài liên tục, hình thức này sẽ làm thay đổi cách thức học, giúp các em ham thích học văn và khuyến khích sáng tạo…

Vậy có thể coi đây là một phương pháp dạy học văn nên khuyến khích không, thưa ông?

Theo tôi, đúng là cần khuyến khích, nhất là những nơi có điều kiện; nhưng nó chỉ là một hình thức phù hợp với chương trình ngoại khóa, một năm làm một vài lần vì phải chuẩn bị rất công phu, mất nhiều thời gian, thậm chí tốn kém, không đơn giản.

Đặc biệt hình thức này không thể thay cho nhiệm vụ chính của giờ học Ngữ văn là dạy đọc hiểu, phân tích, cảm thụ văn bản ngôn từ; dạy viết, dạy nghe - nói cho HS.

Một cảnh trích từ clip được cho là đã sân khấu hóa cảnh nhạy cảm từ tác phẩm văn học của thầy Phạm Quốc Đạt.

Một cảnh trích từ clip được cho là đã sân khấu hóa cảnh nhạy cảm từ tác phẩm văn học của thầy Phạm Quốc Đạt.

Cần trình độ để biết điểm dừng

Một số tác phẩm nguyên tác chứa chi tiết nhạy cảm. Nếu giáo viên muốn sân khấu hóa tác phẩm, kể cả nội dung “nhạy cảm”, thì cần chú ý điều gì? Có nên coi việc sân khấu hóa cảnh "nhạy cảm" cũng là một cách tích hợp giáo dục giới tính, vấn đề vốn được cho là còn bị né tránh trong nhà trường phổ thông?

Cả hai mặt bạn nêu lên đều cần chú ý. Tức là một mặt vừa phải tránh những chi tiết, sự việc, nội dung “nhạy cảm” ảnh hưởng trực tiếp đến việc giáo dục tư tưởng, lối sống, hoặc khó thể hiện được một cách tinh tế, nghệ thuật.

Mặt khác, vừa phải tận dụng các nội dung “nhạy cảm” có thể thực hiện được để lồng ghép giáo dục giới tính cho HS, nhất là với các em HS cấp THPT, đã sắp bước vào cuộc sống.

Vấn đề là phải có trình độ để biết điểm dừng, mức độ và nhất là cách thức thể hiện các nội dung “nhạy cảm” ấy chứ không phải là cấm hay không cấm, nên hay không nên!

Tức là nếu biết điểm dừng, thì cũng không sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, cũng là nội dung “nhạy cảm”, nhưng biết cách thể hiện, biết dừng đúng độ, đúng mức thì có sao đâu? Thậm chí lại có tác dụng tích cực.

Vì thế, khi đánh giá một nội dung được coi là “nhạy cảm” trong việc sân khấu hóa cần phải xem xét cụ thể, không chỉ căn cứ vào nội dung trong văn bản – tác phẩm mà phải xem trực tiếp mức độ và cách thức thể hiện nội dung ấy trên sân khấu thế nào mới là quan trọng.

Lý do cần đến người thầy

Có ý kiến cho rằng, để tránh “áp đặt” tư duy của “người lớn”, thì chúng ta nên lắng nghe ý kiến của học sinh. Nếu các em thấy hứng khởi, thích thú với việc sân khấu hóa cảnh nhạy cảm, từ đó thêm yêu tác phẩm, yêu môn Văn hơn thì không vấn đề gì. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi thấy ý kiến ấy đúng nhưng cần chú ý thêm. Tránh áp đặt, giúp HS hứng khởi, thích thú với sân khấu hóa từ đó yêu thích văn học là đúng và nên làm. Vì người học yêu thích là rất quan trọng. Từ yêu thích mới dạy và rèn luyện tiếp được các yêu cầu giáo dục khác.

Tuy nhiên cần chú ý, không phải tất cả những gì HS yêu thích đều phải thỏa mãn, đáp ứng.

Lý do là gì, thưa ông?

Bởi tất cả các nội dung giáo dục trong nhà trường đều cần có định hướng, đều phải mang tính giáo dục, đều phải hướng HS đến thái độ, tinh thần, tình cảm và hành động lành mạnh, trong sáng, nhân văn… Vì thế mới cần đến người thầy, những nhà giáo dục.

Muốn xác định được nội dung giáo dục lành mạnh; khi sân khấu hóa các nội dung “nhạy cảm” giáo viên phải có trình độ và năng lực như trên tôi đã nói. Để biết điểm dừng, biết mức độ và đặc biệt giúp các em có cách thể hiện nội dung nhạy cảm ấy một cách lành mạnh, có tính nghệ thuật…

Quyết định đình chỉ công tác 1 năm đối với ông Phạm Quốc Đạt của Trường THPT Võ Trường Toản - Ảnh: T.T.

Quyết định đình chỉ công tác 1 năm đối với ông Phạm Quốc Đạt của Trường THPT Võ Trường Toản - Ảnh: T.T.

Ông đánh giá như thế nào về cách mà thầy Phạm Quốc Đạt đã làm?

Theo tôi, ta không thể phán xét khi không trực tiếp xem việc trình diễn sân khấu hóa hoặc chưa xem toàn bộ các video clip đã quay. Chưa xem, chỉ nghe qua rồi phán xét thì rất liều lĩnh, cẩu thả. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Trong tiết ngoại khóa khối 11 tháng 10/2018, ông Phạm Quốc Đạt, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TPHCM cho học sinh xây dựng ngoại cảnh, sân khấu và diễn kịch một số tác phẩm văn học. Trong vở diễn, có cảnh học sinh tái hiện việc Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái, Tám Bính bị hãm hiếp.

Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến ông bị nhà trường đình chỉ dạy, chuyển sang công tác thư viện. Ngày 29/3, ông Đạt cho biết đã kiện hiệu trưởng vì quyết định này.

Ngày 30/3, Ban giám hiệu trường THPT Võ Trường Toản tổ chức buổi tiếp xúc với giáo viên và truyền thông về vụ việc.

Theo Hiệu trưởng Lương Văn Định, việc cảnh cáo ông Đạt ngày 21/1 và trong 12 tháng căn cứ vào "sai phạm nghiêm trọng hoạt động chuyên môn và xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác khi hoạt động nghề nghiệp".

Trong chuyên môn, ông Đạt bị cho là tự ý thay đổi phân phối chương trình buổi thứ hai môn Văn, cho làm bài kiểm tra với nội dung không thống nhất với tổ chuyên môn. Khi được nhắc nhở về việc tổ chức sân khấu hóa môn Văn không thông qua tổ, ông Đạt không nhận lỗi.

Một số đồng nghiệp cùng tổ Văn của ông Đạt cũng lên tiếng bày tỏ sự bức xúc với việc ông Đạt cho học sinh “sân khấu hóa” nội dung "nhạy cảm" trong tác phẩm.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top