PECC2 đã góp bao nhiêu vốn vào dự án Điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1?

(khoahocdoisong.vn) - Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) vừa phản hồi về tỷ lệ nắm giữ vốn tại Dự án điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1.  Tuy nhiên, ẩn số lại là nhà đầu tư tiềm lực nào đứng sau dự án này?

 PECC2 góp vốn bao nhiêu?

Theo thông tin phản hồi của  PECC2, thực hiện đúng chủ trương của EVN,  PECC2 đã góp vốn vào SSC, chủ đầu tư của dự án Nhà máy Điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 là 25%, và tập thể người lao động PECC2 cũng tham gia góp vốn tại dự án này là 26%.

PECC2 cho biết, trong lần công bố thông tin đầu tiên, tỷ lệ vốn góp được công bố là 51% (đã bao gồm cả phần 26% vốn góp của người lao động PECC2). Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch trong công tác đầu tư,  PECC2 đã công bố lại tỉ lệ góp vốn là 25% do không nhận uỷ quyền biểu quyết 26% của người lao động.

Tuy nhiên, theo thông tin ghi nhận của PV, ngày 22/11/2017, HĐQT CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 có Nghị quyết  số 09/2017/NQ-HĐQT về việc thông qua kế hoạch góp vốn thành lập và cử người đại diện ứng cử vào HĐQT Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ.

Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐQT về việc thông qua kế hoạch góp vốn

Nghị quyết  số 09/2017/NQ-HĐQT về việc thông qua kế hoạch góp vốn

Theo đó,  PECC2 tham gia với số tiền góp là 10,2 tỷ  đồng, tương ứng 51% cổ phần trong Dự án Sơn Mỹ. Người đại diện phần vốn được cử là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TV2, ông Nguyễn Chơn Hùng.

Một tuần sau đó, Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ (ngày 29/11/2017) được thành lập, để làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.305 tỷ đồng, diện tích gần 60ha, thời hạn hoạt động trong 50 năm.

Báo cáo tài chính năm 2017 và Giấy đăng ký doanh nghiệp lần đầu, theo tìm hiểu của PV, đều thể hiện  PECC2 đã tham gia vào dự án với tư cách công ty mẹ, nắm 51% cổ phần Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ. Đồng thời, theo Nghị quyết  số 02/2018/NQ-HĐQT ngày 1/3/2018, công ty nhận thêm ủy quyền biểu quyết gián tiếp thông qua thỏa thuận với các cổ đông khác là 26%. 

Câu hỏi đặt ra từ những thông tin và phản hồi chính thức của  PECC2, 26% vốn của người lao động và cổ đông khác ủy quyền cho đại diện TV2 tại Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ cụ thể thuộc về tập thể người lao động, hay cá nhân nào?

Nhà đầu tư ẩn danh

Trong cơ cấu cổ đông Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ - chủ đầu tư Dự án Điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 - ngoài  PECC2 (51%), hai cổ đông sáng lập còn lại của là ông Nguyễn Quốc Long (nắm 15%) và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh điện năng Việt Nam (nắm 34%), hay còn có tên gọi khác là Vinapi.

Được biết, ông Long từng nhiều năm làm Trưởng Ban kiểm soát PECC2 (đã thôi giữ chức từ ngày 26/4/2013). Trong khi Vinapit có trụ sở ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được thành lập ngày 18/5/2015 với các cổ đông sáng lập là vợ chồng ông Đinh Quang Cường (25%) – bà Lê Thị Bình (50%) và ông Đinh Quang Minh (25%).

Đến tháng 5/2018, nghĩa là chỉ sau nửa năm góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án, PECC2 đã thoái 26% vốn tại Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ, giảm tỷ lệ về còn 25%. Đây là động thái khá bất ngờ với các cổ đông và nhà đầu tư khi PECC2 chấp nhận mất tỷ lệ sở hữu chi phối trong dự án 1.300 tỷ đồng này.

Tháng 6/2019, PECC2 niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE, dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 là một trong những tài sản đáng giá nhất của PECC2. Nên đương nhiên sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Thời điểm này, Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 đã hoàn thành và phát điện thương mại vào ngày 18/6 và được hưởng cơ chế giá bán điện 9,35 US cent/kWh theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành hồi tháng 4/2017.

Cần nhấn mạnh là, cùng thời điểm PECC2 giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ về 25%, nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Quốc Long cũng hoàn tất rút hẳn khỏi dự án điện mặt trời ở Bình Thuận.

Như vậy, Vinapit là cổ đông sáng lập duy nhất còn duy trì sở hữu 34% vốn tại Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ, trong khi danh tính các nhà đầu tư mới vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, tiềm lực của các nhà đầu tư này là rất tầm cỡ. Bởi lẽ, trong bối cảnh PECC2 không tham gia sâu, dự án ban đầu chưa quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, thì nguồn vốn đóng góp của các cổ đông sẽ đóng vai trò chính để đảm bảo cho dự án triển khai đúng tiến độ. Trong khi đó thì vốn chủ điều lệ của Sơn Mỹ chỉ 20 tỷ đồng, còn tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 1.300 tỷ đồng. 

Trong một diễn biến sau đó, Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ đã công bố phát hành thành công 745 tỷ đồng trái phiếu, tương đương tỷ lệ thành công hơn 93,1%. Đây là số trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản. Kỳ hạn 11 năm, lãi suất 8,5%/năm cho năm đầu tiên, là mức khá thấp so với mặt bằng chung hiện nay (10-11%/ năm).

Tài sản đảm bảo là các tài sản được hình thành từ dự án nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 công suất 50 MWp của Sơn Mỹ tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; Tối thiểu 85% giá trị vốn góp/cổ phần của các cổ đông góp vốn vào Công ty Sơn Mỹ cho dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1.

Ngoài ra, Sơn Mỹ cũng thế chấp bổ sung một số tài sản khác như: Quyền đòi nợ hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 ký giữa Sơn Mỹ và công ty mua bán điện – Tập đoàn điện lực Việt Nam số 08/2018/HĐ-NMĐMT-Sơn Mỹ 3.1 ngày 7/8/2018 và các hợp đồng/phụ lục hợp đồng điều chỉnh có liên quan; Quyền khai thác dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 công suất 50 MWp của Sơn Mỹ tại xã Sơn Mỹ. Đơn vị thu xếp cho đợt phát hành trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và CTCP Chứng khoán MB (MBS). Trong khi MBS đóng vai trò là tổ chức tư vấn phát hành và đại lý phát hành, thì MBB là bên tổ chức tư vấn tài chính doanh nghiệp và đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top