“Ông lớn” đua gom đất đầu cơ, giá bất động sản “leo thang”

Vài năm trở lại đây nguồn cung bất động sản cả nước rơi vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng. Ngoài tình hình dịch bệnh, chồng chéo luật thì nguyên nhân của hiện tượng này còn do nhiều doanh nghiệp lớn thu gom, đầu cơ dự án.

Lộ lý do sụt giảm nguồn cung bất động sản

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, nguồn cung bất động sản mới trên cả nước chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng đối với dự án phát triển nhà ở thương mại chỉ có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép, có 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành.

Cụ thể, tại miền Bắc có 84 dự án với 33.857 căn được cấp phép; 83 dự án với 10.347 căn hoàn thành; Tại miền Trung có 46 dự án với 10.508 căn được cấp phép; 20 dự án với 3.638 căn hoàn thành; Tại miền Nam có 71 dự án với 40.179 căn được cấp phép; 35 dự án với 1540 căn hoàn thành.

Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước mới có 06 dự án với 2.402 căn được cấp phép mới; 11 dự án với 1.352 căn hoàn thành; Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú trên cả nước có 46 dự án mới với 10.009 căn hộ du lịch, 2.112 biệt thự du lịch được cấp phép; có 12 dự án với 165 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.

Trên cả nước có 66.950 giao dịch thành công. Cụ thể, tại miền Bắc có 23.621 giao dịch, tại miền Trung có 18.399 giao dịch, tại miền Nam có 24.930 giao dịch; riêng tại tại Hà Nội có 8.410 giao dịch thành công, tại TPHCM có 6.803 giao dịch thành công.

Bộ Xây dựng cho biết, lượng giao dịch bất động sản bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng ngại, giá giao dịch bất động sản lại tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc bất động sản. Tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” tại một số phân khúc bất động sản.

Cụ thể, giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM đều tăng khoảng 5 - 7%.

Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8 - 10%, tích lũy cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 - 20% so với mức quý IV/2020.

Có thể thấy, tình trạng mất cân đối cung - cầu đang rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Trong khi đó, nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.

Nhiều doanh nghiệp lớn gom dự án, đầu cơ bất động sản.

Tập đoàn lớn mua gom, đầu cơ bất động sản

Một trong những nguyên nhân của tình trạng khan hiếm nguồn cung bất động sản những năm qua được Bộ Xây dựng đưa ra là sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, đặc biệt ảnh hưởng tới thị trường tại Thủ đô Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, về vấn đề này TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, nguồn cung bất động sản hiện nay khan hiếm rất nghiêm trọng, ngoài vấn đề liên quan đến dịch bệnh, pháp lý còn nguyên nhân do có rất nhiều doanh nghiệp có hiện tượng mua gom và đầu cơ dự án.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, “dù vậy, có quan điểm cho rằng đây là thời điểm tốt để gom bất động sản. Thực tế, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Và những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau".

Chính điều này dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro. Cụ thể, nhiều tập đoàn lớn bị âm dòng tiền nhiều năm nhưng không hề lo lắng vì đạt được mục đích là đầu cơ dự án. TS Lê Xuân Nghĩa đề nghị, thành lập một bộ phận rà soát lại toàn bộ quỹ đất để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh.

“Thực tế, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau" - TS Lê Xuân Nghĩa.

Theo Đời sống
back to top