Omicron đã lan ra 38 nước

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể Omicron đã có ở 38 quốc gia/vùng lãnh thổ, song chưa ghi nhận ca tử vong nào. WHO kêu gọi mọi người không nên quá hoang mang.

WHO đưa ra thông tin trên, trong bối cảnh giới chức toàn cầu gấp rút áp đặt nhiều hạn chế đi lại để phòng ngừa biến thể đáng lo ngại của SARS-CoV-2. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo biến thể mới xuất hiện này có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo WHO, phải mất vài tuần nữa để đánh giá đầy đủ hơn về biến thể mới, bao gồm khả năng lây nhiễm, nguy cơ gây bệnh nặng và mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị, văcxin COVID-19 hiện có.

Tuy nhiên, theo bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của WHO, mọi người không nên quá lo sợ vì biến thể Omicron. Vẫn còn quá sớm để kết luận cần phải điều chỉnh lại các loại văcxin.

Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng, không hoảng sợ vì chúng ta đang ở tình huống khác với một năm trước.

Còn theo Hãng tin Reuters, WHO cảnh báo sự lây lan của biến thể mới có thể gây ra một nửa số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu trong vài tháng tới, dù lúc này Delta vẫn đang là biến thể lấn át, chiếm hơn 99% số ca mắc mới hiện nay.

Trước đó, một nghiên cứu sơ bộ do các nhà khoa học Nam Phi công bố ngày 2/12 cho thấy, Omicron có nguy cơ gây tái nhiễm COVID-19 cao gấp 3 lần so với các biến thể Delta hay Beta.

Ông Francesca Rocca - chủ tịch Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) - cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron là "bằng chứng cuối cùng" cho thấy thực trạng bất bình đẳng về tiêm chủng văcxin COVID-19 trên toàn cầu. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 65% người dân ở các nước thu nhập cao đã tiêm ít nhất một liều, trong khi tỉ lệ này ở các nước thu nhập thấp là 7%.

Theo Đời sống
back to top