"Oải" vì học online

(khoahocdoisong.vn) - Cho dù, các môn học đã được Bộ GD&ĐT giảm tải chương trình để phù hợp với điều kiện Covid-19, tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, áp lực của học sinh lại không hề giảm.

Mệt mỏi với học online

Chị Nguyễn Thu Huệ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi con học online, chị không dám bỏ sót bất cứ tin nhắn nào ở trên nhóm lớp của các con, sợ không cập nhật thông tin cô giáo chủ nhiệm nhắn, đặc biệt là bài tập cô giao. Con gái đầu của chị năm nay học lớp 9, kết thúc giờ học online lại làm bài tập về nhà. Hôm nào mà chị lơ là không kiểm tra, là hôm sau thế nào cô giáo cũng nhắc, hoặc là con làm sơ sài, hoặc chưa hoàn thành bài tập. Cũng có khi, cô giáo kiểm tra không nắm được bài cũ.

“Thực sự, tôi thấy rất mệt mỏi, áp lực. Tôi nghe nói, Bộ đã có giảm tải chương trình, nhưng tôi thấy con học vẫn rất vất vả. Đó là tôi còn tạm cắt bớt những môn học thêm. Chứ như một số bạn khác, thấy mẹ các bạn kêu lúc nào con cũng trong tình trạng quá tải, mệt mỏi”, chị Huệ chia sẻ.

Chị Đinh Phương Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, do nhà đang xây, chị phải chuyển thuê tạm chung cư, mạng rất yếu. Con trai  (học lớp 8) thường xuyên bị “văng” ra khỏi lớp học. Hầu như không bao giờ con học được trọn vẹn một tiết. Có những lúc, mạng rớt liên tục, cháu cáu quá, gào lên. Con uể oải, mệt mỏi, cáu kỉnh. Trong khi đó, bài tập về nhà giáo viên yêu cầu các con tự ghi hoặc chụp màn hình để tránh các con thụ động và không tập trung trong giờ học. Có nhiều hôm, cô giáo nhắn tin cho chị phản ánh con không làm bài tập về nhà. Chị hỏi thì con nói đúng lúc con bị “văng” ra khỏi lớp nên không theo dõi được. Chị thấy, với khối lượng bài tập phải hoàn thành hôm qua, con cũng đã rất mệt rồi, tâm lý  cũng căng thẳng, nên không dám nặng lời. Chị thấy thời khóa biểu của con cũng đã giảm bớt số tiết rồi, nhưng số lượng bài tập ở nhà vẫn không hề giảm.

Giảm tải nhưng vẫn áp lực

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19. Công văn kèm theo phần phụ lục hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học đối với từng môn, từng lớp, từ lớp 6 - 12.

Theo đó, rất nhiều nội dung được Bộ GD&ĐT giảm tải theo hướng đưa vào phần khuyến khích học sinh tự đọc, tự tìm hiểu, chỉ giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học; không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, các nội dung đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại.

Trao đổi với phóng viên về lý do vì sao phụ huynh vẫn phản ánh học sinh cảm thấy căng thẳng, áp lực cho dù chương trình đã được giảm tải, cô giáo Nguyễn Diệu Hoa (giáo viên THCS tại Hà Nội) cho biết, về hình thức, đúng là đã giảm tải.

Ví dụ, đối với môn Văn, một tuần đáng lẽ có 4 tiết, thì giờ giảm xuống còn 2 tiết. Thoạt nhìn, tưởng là cả giáo viên và học sinh sẽ “nhàn” hơn, tuy nhiên không hẳn vậy.

Bởi vì, khung chương trình, phạm vi kiến thức hầu như vẫn giữ nguyên. Và chương trình cũng đã giảm tải qua nhiều đợt, từ năm 2006 đến nay, nên nhìn danh sách tưởng giảm được nhiều, nhưng thực ra là đã giảm cả quá trình, chứ không phải chỉ riêng đợt Covid-19 này, nên thực chất cũng vẫn không giảm tải được bao nhiêu.

Ngoài ra, với những phần giảm tải để cho học sinh “tự học, tự đọc”, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo là không kiểm tra đánh giá đối với những phần này, nhưng nhiều bài các em vẫn phải học kỹ, bởi liên quan kiến thức tới những phần không giảm tải, đặc biệt là đối với học sinh lớp 9.

Chẳng hạn, đối với môn Ngữ văn lớp 9, bài Tổng kết về từ vựng các con tự học, tự đọc. Nhưng bài tổng kết này, bao gồm những kiến thức tổng két từ vựng lớp 6, 7, 8, nếu không ôn tập lại, các em sẽ “hổng” kiến thức.

Trong khi đó, không phải em nào cũng có khả năng tự đọc, tự học, các em vẫn phải hỏi giáo viên. Thành ra, có những phần giảm tải, nhưng công việc các em phải làm lại nhiều hơn, khó hơn khi không có sự hướng dẫn của giáo viên.

Đồng tình với ý kiến của cô Diệu Hoa, một số giáo viên cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, các em phải học online như hiện nay, Bộ GD&ĐT nên cắt bỏ những bài mang nặng tính lý thuyết, ít tính ứng dụng thực tế. Bớt đi lượng kiến thức, hoặc khi kiểm tra, đánh giá chỉ yêu cầu học sinh ở mức độ kiến thức cơ bản. Nhiều giáo viên lo ngại về chất lượng học sinh khi kiểm tra, đánh giá không đạt được như yêu cầu, nên đã tăng cường bằng việc giao bài tập, để học sinh tự học. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho học sinh cảm thấy áp lực tăng khi học trực tuyến, đặc biệt là với học sinh cuối cấp.

Cô giáo Lê Thị Hương Giang, giáo viên Trường THPT Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi học trực tuyến, vai trò của phụ huynh đối với việc học tập của con được nâng cao hơn, yêu cầu lớn hơn, điều này khiến nhiều phụ huynh cảm thấy áp lực, mệt mỏi, sẽ có lúc cảm thấy như bị đẩy cho nhiều việc quá. Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh phải học tại nhà, rất cần có sự hỗ trợ của phụ huynh. Rất mong các phụ huynh chia sẻ, đồng hành cùng các thầy cô.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top