Ô rô trị viêm gan

Trong Đông y, ô rô có vị mặn, hơi chua, đắng, tính lạnh, có tác dụng lợi thủy, trừ thấp, thanh nhiệt, chống viêm, tiêu đờm, dùng chữa tê thấp, nhức mỏi, đau dây thần kinh, ho đờm, viêm gan, gan lách sưng to, hen suyễn, đau dạ dày…

Cây ô rô.

Ô rô (ô rô biển, ô rô nước) tên khoa học là Acanthus ebracteatus Vahl., thuộc họ ô rô (Acanthaceae). Ô rô là cây bụi cao mọc phổ biến dọc ven biển, bờ kênh rạch nước lợ và nước ngọt gần cửa sông ở nước ta. Cây này cao 1 – 2m, thân nhẵn, lá mọc đối, không cuống, phiến lá cứng, hình mũi mác, dài 15 – 20cm, rộng 4 – 8cm, mép lượn sóng, có thùy sâu không đều, đầu thùy có gai sắc.

Hoa nở vào mùa hè, cụm hoa là bông dài ở đầu cành, mang hoa màu trắng, xếp từng đôi một, đối xứng nhau. Mỗi hoa có một lá bắc to và 2 lá bắc con cứng, đài có 4 răng, các cánh hoa dính liền thành ống ngắn ở dưới, trên chia ra 2 môi là môi trên thoái hóa, môi dưới có 3 thùy, thùy giữa lớn hơn và mép cong xuống, nhị 4, bầu 2 ô. Quả nang, dài 1 – 2cm, rộng 0,5cm, chứa 4 hạt dẹt, khi quả chín sẽ tự tách khá mạnh, làm cho hạt bắn xa 2cm.

Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ trước đây, cây ô rô đã được dùng điều trị cho những người bị thương rất hiệu quả. Trong cây có chứa alcaloid, tanin, một saponin triterpenic và 2 benzoxazolinon.

Theo Đông y, cây ô rô có vị mặn, hơi chua, đắng, tính lạnh; có tác dụng lợi thủy, trừ thấp, thanh nhiệt, chống viêm, tiêu đờm, hạ khí. Dùng chữa tê thấp, nhức mỏi, đau dây thần kinh, ho đờm, hen suyễn, mụn nhọt, làm tiêu nhọt không mưng mủ, lợi tiểu, trị đái buốt, đái dắt, sỏi thận, bệnh đường ruột và giảm sốt. Ngày dùng 30 – 60g sắc uống.

Nó cũng được dùng làm thuốc lợi tiểu trong bệnh xơ gan, viêm gan. Nước sắc cây ô rô dùng để rửa vết thương, nhiễm trùng còn lá giã đắp. Lá giã nhỏ ép lấy nước, hoặc nhai nuốt nước, bã đắp để trị rắn độc cắn.

Ở Trung Quốc, người ta cùng cây ô rô chữa viêm gan mạn tính, gan lách sưng to, bệnh hạch bạch huyết, hen suyễn; đau dạ dày… Ngày dùng 40 – 80g, sắc uống.

PGS.TSKH Trần Công Khánh

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc cổ truyền)

Theo Đời sống
back to top