Ở nhà giãn cách sao cho khỏe

(khoahocdoisong.vn) - Ở nhà giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, ít vận động, ăn nhiều... có thể là nguyên nhân làm thay đổi quá trình chuyển hoá trong cơ thể.

Tránh mất cân bằng dinh dưỡng

Gần đây trên Facebook nhiều người chia sẻ hình ảnh cả nhà cùng chế biến những món ăn hấp dẫn trong dịp giãn cách xã hội phòng tránh Covid-19. Tuy nhiên, lại có ý kiến lo ngại việc ăn uống suốt ngày sẽ phát sinh bệnh tật. Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chuyên gia của Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM cho biết, việc cả gia đình cùng nấu các món ăn ngon, bổ dưỡng trong thời gian ở nhà cách ly rất có ý nghĩa trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý tới cách chế biến để đảm bảo dinh dưỡng nâng cao sức khỏe, tránh tình trạng ăn quá nhiều.

Việc ăn nhiều, không tập luyện thể thao khiến năng lượng dư thừa không được tiêu hao, làm lượng mỡ trắng tăng lên, tích tụ lại trong cơ thể. Đáng lưu ý, các loại thực phẩm có năng lượng rất cao, nhiều đường, nhiều dầu mỡ và có chứa chất béo dạng trans, nhiều đạm động vật từ thịt cá... khiến một số người cảm thấy cơ thể nặng nề hơn và với những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, mỡ máu, thừa cân béo phì…, nếu chế độ ăn uống không hợp lý có thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vì vậy, cần bảo đảm ăn uống đúng giờ; thực phẩm đa dạng, cân đối giữa nguồn chất béo động vật và thực vật. Nên hạn chế ăn những đồ nướng, rán, mà cần phải cân bằng giữa các nhóm thực phẩm cung cấp đạm, chất béo, đường bột, rau xanh, trái cây và chế phẩm của sữa… Chú ý uống đủ lượng nước mỗi ngày để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa trong cơ thể. Đối với người trưởng thành khoẻ mạnh lượng nước khuyến nghị là 40ml/kg cân nặng. Đối với người có các bệnh mạn tính, thừa cân hoặc suy dinh dưỡng cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và lượng nước uống theo tư vấn của bác sĩ điều trị.

Nâng cao miễn dịch để chống Covid-19

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, điều quan trọng nhất trong thởi điểm dịch bệnh là phải tăng cường dinh dưỡng để tạo nền tảng cho hệ thống miễn dịch. Bởi chỉ có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh mới giúp cơ thể ngăn chặn virus hiệu quả. Các yếu tố dinh dưỡng tốt cho hệ miễn dịch bao gồm đầy đủ vitamin, muối khoáng.

Cần bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và các chất hỗ trợ khác. Chế độ ăn không cân bằng và thiếu đa dạng sẽ hạn chế sự hấp thu vitamin và muối khoáng. Các vitamin và khoáng chất có vai trò trong việc đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả bao gồm các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) và vitamin tan trong nước (nhóm B, C). các chất khoáng bao gồm: kẽm, sắt, canxi, photpho, selen  iốt, đồng...

Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa có lợi ích đặc biệt về chức năng miễn dịch. Tốt nhất nên bổ sung các chất chống oxy hóa từ thực phẩm tự nhiên thay vì lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng. Đặc biệt, trong thời gian này không nên áp dụng các chế độ ăn giảm cân khắc nghiệt, có tổng năng lượng dưới ngưỡng chuyển hoá cơ bản của mỗi người vì cũng ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch.

Nên ăn nhiều trái cây và rau quả, ưu tiên các loại thực phẩm tăng sức đề kháng như trái cây thuộc họ cam, quýt, tỏi, bông cải xanh, gừng, sữa chua, hạnh nhân, nghệ, đu đủ, động vật có vỏ, ớt chuông... Giảm tiêu thụ đường, chất béo và thực phẩm chế biến sẵn. Không sử dụng thuốc lá và hạn chế uống nhiều rượu, ngủ đủ giấc và tập thể dục mỗi ngày 20 - 30 phút là một trong những biện pháp tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng tránh dịch bệnh Covid-19.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top