Nút coil cứu bệnh nhân vỡ phình mạch não hôn mê sâu

(khoahocdoisong.vn) - Phồng động mạch não (PĐMN) tồn tại không triệu chứng và khoảng 10-15% số bệnh nhân vỡ phồng động mạch não bị tử vong trước khi đến viện và 50% tử vong trong tháng đầu tiên. Nhờ kỹ thuật nút coil, các bác sĩ đã cứu sống được người bệnh hôn mê sâu.

3 giờ cân não nút túi phồng

Bà Hà Thị T. (56 tuổi, Yên Lập, Phú Thọ) đang ăn cơm tối (19h ngày 1/4) thì đột ngột đau đầu và mất dần ý thức. Tại Trung tâm y tế huyện, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não được thở máy qua ống nội khí quản, chuyển lên tuyến tỉnh. Đến 23h00 cùng ngày, người bệnh được đưa đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, chảy máu do vỡ PĐMN tiếp tục tăng, chảy máu dưới nhện lan tỏa.

Các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp nút túi phình bằng vòng xoắn coil. Quá trình cấp cứu người bệnh diễn ra với rất nhiều khó khăn: khi ống luồn qua động mạch đốt sống rất hẹp và ngoằn ngoèo gây cản trở việc tiếp cận túi phình; tình trạng nặng do động mạch đốt sống bị vỡ thì tiếp tục chảy máu tiếp mà không cầm được và bệnh nhân hôn mê sâu, xuất hiện loạn nhịp tim nặng buộc các điều dưỡng phải hồi sức cả trong quá trình can thiệp khiến cho tiên lượng tử vong cao. Sau 2 giờ, kíp can thiệp đã luồn đến vị trí túi phình và thả coil bít túi phình để ngăn chặn xuất huyết não tiếp diễn. Kết quả chụp mạch kiểm tra thấy không còn hình ảnh túi phình. Sau 3 giờ ca can thiệp đã thành công. Bệnh nhân đã tỉnh sau 2 ngày và đến ngày thứ ba đã có thể rút ống nội khí quản. Đến nay, bệnh nhân đã có thể ăn uống, tự nuốt được, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định, chỉ còn đau đầu nhẹ.

Thăm khám cho bệnh nhân hồi tỉnh sau nút coil.

Thăm khám cho bệnh nhân hồi tỉnh sau nút coil.

Trực tiếp tham gia cấp cứu, ThS.BS Phan Ngọc Nhu, Trung tâm Đột quỵ cho biết, trước đây để xử lý túi PĐMN thường phải tiến hành mổ mở nhưng đây là phương pháp rất nặng nề, xâm lấn và tổn thương nhiều tổ chức não. Với kỹ thuật can thiệp mạch máu mang nhiều ưu điểm vượt trội sẽ giúp khối phình được loại bỏ nhanh chóng, bệnh nhân ít đau đớn, thời gian nằm viện ngắn, nguy cơ tai biến giảm tối đa.

Điều trị dự phòng để tránh vỡ

Theo PGS.TS Lê Văn Trường, Viện Trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, chảy máu não do vỡ PĐMN thường là chảy máu dưới nhện (còn gọi là chảy máu dưới màng nhện, chảy máu màng não) – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề. Có thể vỡ 1 lần hoặc nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại. Khoảng 30% số bệnh nhân bị chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên. Tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Vì vậy, khi phát hiện PĐMN không triệu chứng, cần được cân nhắc điều trị để dự phòng bị vỡ.

Nút coil vào chỗ PĐMN.

Nút coil vào chỗ PĐMN.

Dấu hiệu cảnh báo PĐMN khi chưa vỡ là: giảm thị lực, đau đầu kéo dài, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi... Khi bị vỡ: Đau đầu đột ngột, dữ dội và các triệu chứng sau: buồn nôn và nôn, cứng/đau gáy, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, đau trên hoặc sau hốc mắt, giãn đồng tử, tăng cảm với ánh sáng, bại-liệt tay chân, cơn co giật, hôn mê và huyết áp tăng cao...

PGS.TS Lê Văn Trường cho biết, nút coil là dùng một ống thông dẫn đường kích thước 2mm được đưa lên não, đầu ống được đưa vào giữa túi phồng. Qua ống thông đó, các cuộn lò xo kim loại bằng platinum nhỏ và mềm (coils) được đưa lần lượt vào lòng túi phồng để làm tắc hoàn toàn túi phồng. Toàn bộ quá trình thao tác được kiểm soát bằng màn hình có hiển thị bản đồ mạch máu và ống thông trong lòng mạch một cách chính xác. Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi.

Sau nút, nếu là PĐMN  chưa vỡ thì chỉ cần nằm viện 2 - 3 ngày, không cần điều trị gì đặc biệt. Ngược lại, nếu là PĐMN đã vỡ: cần nằm viện 7 - 14 ngày hoặc lâu hơn để theo dõi và điều trị tích cực tình trạng rối loạn do chảy máu dưới nhện gây ra. Bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống lao động và học tập bình thường sau khi đã hồi phục. Cần kiểm tra lại kết quả điều trị sau 6 tháng và 2 năm bằng chụp mạch não DSA để khẳng định túi phồng đó được nút kín hoàn toàn. Một vài trường hợp có thể phải nút bổ sung nếu lòng túi phồng bị tái thông.

Theo Đời sống
back to top