Nuốt nghẹn chưa hẳn do ung thư thực quản

Nuốt nghẹn là triệu chứng thường gặp nhưng không đặc hiệu bằng triệu chứng trớ và đau sau xương ức của bệnh ung thư thực quản (UTTQ). Cần phân biệt nuốt nghẹn do UTTQ với các bệnh khác. Người bệnh thường chết do suy kiệt, nhiễm trùng và di căn hạch.

Thói quen ăn uống là tác nhân gây bệnh

UTTQ là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Đoạn 1/3 trên và 1/3 giữa hầu hết là ung thư biểu mô vẩy nhạy cảm với xạ trị, hóa trị. Đoạn 1/3 dưới hay gặp ở ung thư biểu mô tuyến ít nhạy cảm với hóa trị, xạ trị. Bệnh hiếm gặp ở người trẻ dưới 40, hay gặp ở người trên 50 tuổi.

Có một số yếu tố được coi là tác nhân gây ra bệnh như hút thuốc lá, rượu mạnh. Thuốc lá là quan trọng nhất. Người nghiện thuốc lá lâu năm, người có thói quen ăn nóng, uống nước nóng… có nguy cơ mắc UTTQ khá cao. Đặc biệt, chất nitrosamin có trong mắm, dưa muối, bệnh ngắn niêm mạc thực quản cũng liên quan đến bệnh UTTQ.

Khi có dấu hiệu nuốt nghẹn nên đi khám

Nuốt nghẹn chưa hẳn do ung thư thực quản ảnh 2Chẩn đoán UTTQ dựa vào biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, nội soi và sinh thiết khối u. Nuốt nghẹn là triệu chứng thường gặp nhất ở người trên 50 tuổi.

Nuốt nghẹn cũng là triệu chứng thường gặp nhất ở người UTTQ nhưng không đặc hiệu. Khởi đầu bệnh nhân có cảm giác nuốt vướng sau xương ức, nuốt nghẹn mơ hồ nhưng nhận thấy tương đối rõ khi nuốt thức ăn đặc, càng về sau nuốt nghẹn càng tăng dần và biểu hiện ngày càng rõ, nghẹn khi ăn và thường dừng lại uống nước hoặc canh. Quá trình bệnh tăng dần, nuốt nghẹn với thức ăn đặc về sau nuốt nghẹn với thức ăn lỏng, cuối cùng uống nước cũng nghẹn.

Ngoài ra, bệnh nhân có triệu chứng trớ do ứ đọng thức ăn, dịch tiết thực quản, nước bọt đọng lại, khi ngủ thì trớ ra ngoài. Dịch trớ lạc vào đường thở gây ra hiện tượng viêm đường hô hấp kéo dài, trội lên từng đợt, người bệnh hầu như không nôn. Đặc biệt, người bệnh thường thấy đau sau xương ức, cảm giác đau mơ hồ, dai dẳng. Khàn tiếng mức độ vừa do viêm đường hô hấp trên hoặc khàn rõ như tiếng vịt đực do u hoặc hạch di căn xâm lấn thần kinh quặt ngược.

Rò thực quản – khí phế quản: Ho khạc liên miên, đau ngực dai dẳng, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Triệu chứng thực thể nghèo nàn, đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên. Triệu chứng toàn thân: Người bệnh gầy sút  ho khạc liên miên, đau ngực dai dẳng…

Phân biệt với nuốt nghẹn không do UTTQ

Nội soi thực quản phát hiện khối u, đánh giá kích thước khối u, mức lan của u trong lòng thực quản, vị trí u so với cung răng trên, u một ổ hay nhiều ổ. Sinh thiết bờ tổn thương để giải phẫu bệnh, phân loại ung thư biểu mô vẩy hay ung thư biểu mô tuyến, mức độ biệt hóa cao, vừa hay thấp của ung thư.

UTTQ cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh không phải khối u nhưng gây nuốt nghẹn. Túi thừa thực quản, co thắt tâm vị, nuốt nghẹn do rối loạn tâm thần, viêm hẹp thực quản do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, sẹo hẹp thực quản do uống nhầm axit, xút, nuốt mật nóng.

Một số bệnh khối u như u vùng cổ u trung thất đè vào thực quản, ung thư tâm vị dạ dày cũng gây nuốt nghẹn. Ngoài ra, có thể gặp tình trạng ung thư nhiều ổ vùng mũi họng, phế quản phối hợp đồng thời với UTTQ nên cần nội soi mũi họng, khí phế quản một cách có hệ thống trong quá trình chẩn đoán.

Điều trị quan trọng nhất trong UTTQ là phối hợp về nâng đỡ dinh dưỡng và tùy theo giai đoạn bệnh sẽ có chỉ định điều trị triệt căn hay tia xạ và hóa chất. Tiên lượng UTTQ phụ thuộc vào một số yếu tố. U xâm lấn niêm mạc sống thêm 5 năm khoảng 80%.

U xâm lấn cơ sống thêm 30%. U xâm lấn thanh mạc và ra ngoài, sống thêm khoảng 10%. Về mức độ di căn hạch, u chưa di căn sống thêm 50% với T1, 2, 3. Có di căn hạch sống thêm dưới 15%. Các người bệnh có di căn xa, di căn hạch nhiều vùng, rò thực quản – khí phế quản, lan tràn trung thất không sống thêm ngoài 3 năm, phải điều trị triệu chứng.

Người bệnh có khả năng điều trị triệt căn bằng phẫu thuật hoặc xạ trị đều có tiên lượng tốt hơn điều trị triệu chứng. Người bệnh thường chết do suy kiệt, nhiễm trùng và di căn hạch trung thất, hạch nền cổ. Vì vậy, phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng.

GS.TS Nguyễn Bá Đức

(nguyên Giám đốc Bệnh viện K)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top