Nuôi sống những ca sơ sinh 25 - 26 tuần tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Hùng Vương TPHCM cho biết vừa hoàn tất hơn 3 tháng nuôi sống 2 bé gái và một bé trai của ca sinh ba chào đời khi mới được 26 tuần 5 ngày.

3 tháng nuôi trong lồng kính

Thai phụ Võ Đinh H.V. (29 tuổi, Bình Thuận) mang tam thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Do sản phụ mang đa thai, lại có những bệnh lý nền nên phải nhập viện và theo dõi thai tại khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương TPHCM. Sau 35 ngày chăm sóc, nhằm đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn con, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt thai khi tuổi thai chỉ mới 26 tuần 5 ngày.

Những trẻ sinh non vừa được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương TPHCM nuôi sống.

Những trẻ sinh non vừa được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương TPHCM nuôi sống.

Cân nặng lúc sinh của các bé lần lượt là 785g, 850g và 860g. Sau sinh cả 3 bé được chuyển đến khoa Sơ sinh với thể trạng sinh cực non, suy hô hấp do viêm phổi nặng, bệnh màng trong, nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm trùng huyết…

BSCKII Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương TPHCM cho biết, các bé sinh cực non tháng như vậy nên có nhiều biến chứng nặng, được các bác sĩ hỗ trợ bằng các biện pháp chuyên sâu dành cho trẻ sinh non như phải thở máy, thở áp lực dương qua mũi (CPAP), truyền máu, nuôi ăn tĩnh mạch, kháng sinh điều trị viêm phổi và nhiễm trùng...

Ngay sau khi cai máy, đủ liều kháng sinh, các trẻ được chăm sóc theo phương pháp Kangaroo (ấp trong lòng mẹ), từ từ cai được thở oxy và tập bú. Khi xuất viện cân nặng của cả ba đều gần hoặc hơn 2kg. Những trẻ sinh non còn phải được tái khám định kỳ để kiểm tra thị lực và thính lực.

Ngoài ca sinh ba nói trên, Bệnh viện Hùng Vương TPHCM cũng vừa cứu sống bé trai nặng 800g chào đời khi chỉ 25 tuần tuổi. Bé là con của một sản phụ sinh năm 1987, nhà ở quận Phú Nhuận. Các bác sĩ cho biết đây cũng là ca cực non tháng, suy hô hấp nặng sau sinh và là trường hợp được cứu sống khá ngoạn mục. Tất cả các bác sĩ đã phải mất đến 124 ngày mới nuôi sống thành công được bé.

Những đứa trẻ sinh non được chăm sóc trong lồng kính (Ảnh minh họa).

Những đứa trẻ sinh non được chăm sóc trong lồng kính (Ảnh minh họa).

Thai kỳ khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ sinh non

Tại Bệnh viện Hùng Vương TPHCM, mỗi năm, hàng nghìn đứa trẻ sinh non nhẹ cân được cứu sống, tỷ lệ nuôi sống những bé sinh non từ 24 tuần tuổi đến 37 tuần tuổi gần lên đến 90%.

Theo BSCKII Bùi Thị Thủy Tiên, ngoài việc chăm sóc trong lồng kính, được theo dõi nghiêm ngặt và được nâng niu bằng tình thương của điều dưỡng và bác sĩ, người mẹ đóng một vai trò quan trọng trong những ngày tháng tiếp theo. Phương pháp lồng ấp trên ngực mẹ, hơi ấm từ người mẹ của phương pháp Kangaroo càng trở nên hiệu quả hơn trong việc cứu sống trẻ sinh non.

Sau khi rời lồng kính, với “lồng ấp mẹ”, con được đảm bảo thân nhiệt ổn định, điều hòa nhịp thở, nhịp tim và tuần hoàn; kích thích trẻ phát triển trí não, hệ thần kinh, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật. Trẻ càng sớm được nuôi ăn bằng sữa mẹ sẽ tăng cường khả năng chống nhiễm khuẩn, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu.

Rời lồng kính, với “lồng ấp mẹ”, con được đảm bảo thân nhiệt ổn định, điều hòa nhịp thở, nhịp tim và tuần hoàn.

Rời lồng kính, với “lồng ấp mẹ”, con được đảm bảo thân nhiệt ổn định, điều hòa nhịp thở, nhịp tim và tuần hoàn.

Theo các bác sĩ sản khoa, dù 50% nguyên nhân dẫn đến sinh non không được xác định, nhưng 50% còn lại phụ thuộc vào các bệnh lý nền của thai phụ như bệnh tim, cường giáp, đái tháo đường, u xơ tử cung, sốt, rubella, thiếu máu nặng, nhiễm trùng đường sinh sản, đa thai, nhiễm trùng ối, tiền sản giật… Ngoài ra, các dị tật tử cung cũng là một trong nguyên nhân phổ biến dẫn đến sinh non như hở eo tử cung, tử cung bất thường, cổ tử cung ngắn…

Hơn nữa, thai phụ bị stress, thường xuyên bất an, lo lắng, tức giận kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể khiến cơ thể người mẹ tiết quá nhiều hormon tuyến thượng thận, sinh ra những chất có hại cho hệ thần kinh dẫn đến sinh non.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, mẹ có thể giúp con khỏe mạnh, đúng ngày ra đời, ngăn ngừa sinh non bằng một thai kỳ khỏe mạnh: chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tối ưu, ngưng sử dụng thuốc lá và chất gây nghiện; khám thai ít nhất 8 lần trong suốt thai kỳ để sớm xác định và quản lý các yếu tố nguy cơ (mẹ thiếu cân, suy dinh dưỡng, mang đa thai, ít nước ối…).
Theo Đời sống
back to top