Nước "sâm" giải nhiệt - Sử dụng đúng cách

(khoahocdoisong.vn) - Nước "sâm" - tên gọi chung cho các loại nước giải khát được nấu từ những vị thuốc Nam như rong biển, mía lau, rễ cỏ tranh, la hán quả, đường... Ngoài ra, tùy điều kiện, thói quen và sở thích, có thể nấu chung với râu bắp, bông cúc, kỷ tử, mã đề…

Rong biển

Rong biển có hàm lượng dinh dưỡng cao, có chứa nhiều khoáng chất, trong đó đặc biệt là lượng canxi, iốt cao, hàm lượng cholesterol thấp, ngoài ra, còn có chất fertile clement - là chất không thể thiếu của tuyến giáp trạng, tốt cho thai phụ và trẻ em.

Theo y học cổ truyền, rong biển màu đen hoặc xanh, vị mặn, ngọt nhẹ, tính mát, quy vào kinh thận, bổ được thận âm và thận khí. Tạng thận là tạng chủ về thủy - tức là sự tươi mát, dẻo dai của cơ thể. Nước rong biển vì vậy rất thích hợp để bồi dưỡng cho những người gầy yếu, tiêu hóa không tốt, thường cảm thấy nóng lòng bàn tay chân, tiêu bón, da dẻ không mềm mại, khô khát.

Nguyên liệu nấu nước sâm đa dạng được nấu từ những vị thuốc Nam (ảnh minh họa).

Nguyên liệu nấu nước sâm đa dạng được nấu từ những vị thuốc Nam (ảnh minh họa).

Rễ cỏ tranh

Theo Đông y, rễ cỏ tranh có màu trắng hoặc vàng nhạt, vị ngọt, tính hàn, vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị và bàng quang, có công năng thanh nhiệt (làm mát), lợi tiểu, thanh phế nhiệt (làm mát cái nóng ở vùng ngực, dùng tốt trên người có ho mà nóng ran ngực). Vì có tính mát, lại lợi tiểu, nên người gầy, suy kiệt nhiều tuy có nóng trong người nhưng hạn chế dùng, vì tiểu tiện dễ góp phần giảm lượng nước trong cơ thể thêm, người sẽ càng nóng nảy.

Mía lau

Mía lau thân nhỏ, mảnh hơn so với các loại mía khác, vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, trợ tỳ, kiện vị (giúp ăn ngon miệng), lợi đại tiểu trường (đi tiêu tiểu dễ), làm mát, giảm ho, giảm nóng, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Đặc biệt mía lau có tác sinh tân (làm mát bằng cách tạo thêm tân dịch) nên ít gây tác dụng phụ gây lợi tiểu quá mà mất nước, có thể dùng lâu dài. Tuy nhiên, người nóng trong người có ho, gặp lạnh ho lại tăng thì không nên dùng.

Râu bắp

Râu bắp còn có tên gọi là ngọc mễ tu, có chứa nhiều loại vitamin. Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, tính bình, quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng (giảm phù), thông lợi mật, thanh huyết nhiệt (làm giảm nóng nảy, bứt rứt, mụn nhọt), chỉ huyết. Đối với người mập, tăng axit uric, tăng cholesterol máu, dùng râu bắp làm nước uống hằng ngày rất tốt cho sức khỏe.

Bông cúc

Bông cúc (tên thuốc Bắc là cúc hoa) vị ngọt đắng, tính hơi hàn, qui kinh phế can thận. Bông cúc có tác dụng giải cảm hạ sốt tiêu viêm, giải độc (làm giảm sưng viêm các mụn nhọt), làm sáng mắt. Vì vậy, bông cúc đặc biệt cần thiết cho những người mắt mờ, mắt hay khô cộm, hoặc dễ bị kích ứng mắt, đỏ mắt, mắt nhắm lại thấy nóng, người bị tăng huyết áp nhức mắt, nhức thái dương, nặng nửa đầu, khó ngủ, nửa đêm hay tỉnh. Tuy nhiên người ăn uống khó tiêu, dễ lạnh bụng, dễ tiêu chảy, tay chân bủn rủn, yếu sức không nên dùng.

Nước sâm tự nấu thường là một thức uống được ưa chuộng trong những ngày nắng nóng (ảnh minh họa).

Nước sâm tự nấu thường là một thức uống được ưa chuộng trong những ngày nắng nóng (ảnh minh họa).

Mã đề

Mã đề còn gọi là mã đề thảo, xa tiền thảo, xa tiền tử, nhả én. Tính mát, vị ngọt, quy kinh can, phế, tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt. Được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm amidal, viêm bàng quang, đau mắt đỏ tác dụng lợi tiểu, giải độc. Mã đề là một vị phụ thêm vào các loại nước mát, tuy nhiên, không dùng cho người gầy ốm và hay khó tiêu lạnh bụng.

Lẻ bạn (Lão bạn)

Trong Đông y, cây lẻ bạn vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.

Bí đao

Có tác dụng giải nhiệt, phòng say nắng, khô miệng, mụn nhọt, ban sởi. Ngoài ra, thường ăn bí đao còn có tác dụng giảm cân, rất tốt cho người bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, huyết áp cao, bị phù do viêm thận. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng bí đao sống hoặc nước ép bí đao sống, sẽ gây rối loạn tiêu hóa.

Khổ qua

Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chống say nắng, sáng mắt, nhất là khi bị kiết lỵ do nóng. Khổ qua mắt to sẽ ít đắng hơn khổ qua đèo. Ngoài ra, trong điều kiện trời nóng, những người dễ bị ra mồ hôi hay bị nổi rôm sảy, ngứa, nấu nước khổ qua tắm một lần mỗi ngày làm giảm ngứa rõ rệt.

Ngoài các vị được kể trên, còn rất nhiều dược vị có tác dụng làm nước mát, vô cùng phong phú để lựa chọn như sắn dây, vối, atiso…

Nước sâm thanh nhiệt nhìn chung khá an toàn vì được chế biến từ những cây cỏ là thức ăn - vị thuốc được sử dụng rộng rãi. Các loại nước sâm đều có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ khát, thường được dùng để phòng ngừa và giải trừ tình trạng “tích nhiệt” trong cơ thể. 

Sử dụng nước sâm an toàn:

- Đối với nguyên liệu tươi, chọn loại tươi mới, không bị dập nát, loại bỏ các phần bị hư, héo úa, dập nát. Đối với nguyên liệu khô, không dùng loại bị ẩm mốc hay để lâu bị biến chất.

- Không nên uống các loại nước này quá nhiều vào buổi tối sẽ gây đi tiểu nhiều.

- Khi cơ thể có đang mắc những bệnh cấp và mạn tính, cần phải được chỉ định và hướng dẫn sử dụng đúng mức: Như đối với người đái tháo đường, không thể sử dụng công thức có mía lau; đối với suy thận mạn, tùy thuộc vào độ suy cần phải được tính toán kỹ kể cả dùng nước uống thường, khi sử dụng nước mát từ các dược liệu có chứa các ion và các vi chất, khó kiểm soát hàm lượng, có thể đưa đến tình trạng suy thận nặng hơn…

- Nước sâm có tính lạnh, mát, thường là có các vị đắng nhẹ, lờ lợ hoặc ngọt nhẹ, tính thanh nhiệt, nên người tạng hàn (dễ bị lạnh, dễ cảm, ăn uống hay trúng thực…) hoặc đang suy nhược cơ thể, phải thận trọng khi dùng. Nước mát tác dụng lợi tiểu, vì vậy nếu dùng lâu dài thay nước uống có thể mất cân bằng điện giải, kém hấp thu một số vi khoáng như canxi, kali… Không thể dùng thường xuyên.

- Đối với người khỏe mạnh, cũng không nên dùng liên tục hằng ngày, chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn, và thay đổi thường xuyên các thành phần trong việc nấu nước mát cho gia đình.

Theo Đời sống
back to top