Nước lau nhà làm tăng ô nhiễm không khí?

(khoahocdoisong.vn) - Khi lau dọn nhà cửa, nhiều người thích dùng nước lau nhà có mùi chanh và bật nhiều đèn để dễ lau vết bẩn, tuy nhiên, sự kết hợp này có thể thành tai hại.

Bật đèn sáng khiến hóa chất dễ phát tán

Các nhà khoa học Mỹ và Pennsylvania mới đây đã tìm ra một số sản phẩm tẩy gia dụng có thể ngầm sản sinh chất ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí trong nhà xảy ra khi hợp chất limonene, có trong sản phẩm để tạo mùi thơm của chanh, cam kết hợp cùng với ánh sáng. Những hợp chất này không độc và an toàn. Tuy nhiên, limonene có thể kích thích tạo nên một phản ứng hóa học khi tiếp xúc với ánh sáng.

Các nhà khoa học từ Trường Đại học Toronto và Trường Đại học Bucknell ở Pennsylvania đã sử dụng một môi trường để kích thích tạo ra phản ứng giữa limonene với khí chlorine và axit hypocholorous có trong sản phẩm lau chùi. Limonene và các khí trong sản phẩm nhanh chóng giải phóng một chất lỏng dễ bay hơi vào bóng tối. Nhưng các hợp chất sản sinh ra các chất khí gọi là aerosol hữu cơ thứ cấp (SOAs) khi có ánh đèn huỳnh quang hoặc ánh mặt trời mới sản sinh ra. SOAs là thành phần chính cấu thành các hạt bụi PM 2.5, có thể đi vào sâu trong phổi. Để bớt gặp phải những tác dụng không mong muốn của các sản phẩm lau chùi trong nhà, các nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên mở cửa sổ khi lau nhà bằng nước lau sàn, nhất là với các sản phẩm có mùi cam quýt.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quang, Khoa Quản lý môi trường, ĐH Xây dựng, điều này là hoàn toàn có cơ sở. Trước đây chúng ta cũng đã cảnh báo nhiều về việc sử dụng hóa chất gây ô nhiễm không khí trong nhà ra sao. Không chỉ là các hạt bụi, trong hóa chất như nước lau nhà, nước cọ rửa nhà vệ sinh… đều có những thành phần hóa chất bay hơi tác động xấu tới sức khỏe người dùng. Gần đây người ta nói nhiều đến bụi mịn PM 2.5 trong không khí, nó xuất phát từ rất nhiều hoạt động của con người như nấu ăn, dùng mỹ phẩm, các loại sản phẩm gia dụng nói chung đều có nguy cơ sản sinh bụi mịn. Việc hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, mỹ phẩm, là một cách để ngăn bụi mịn, bảo vệ sức khỏe của chính bạn và gia đình.

Hạn chế ô nhiễm trong nhà

Theo TS Nguyễn Ngọc Quang, để hạn chế ô nhiễm trong nhà, điều đầu tiên là phải chặn nguồn gây ô nhiễm như không hút thuốc lá trong nhà, tránh sử dụng các thuốc xịt diệt côn trùng mà thay thế bằng các cách tự nhiên khác như sử dụng cửa lưới để chống muỗi, sử dụng bẫy gián để diệt gián hoặc chỉ đơn giản là đừng để rác hay thức ăn thừa trong nhà, vệ sinh bồn rửa chén và thu nhỏ các lỗ thông nước ở các miệng cống để gián không chui vào nhà. Hạn chế sử dụng các chất vệ sinh nhà cửa, giặt giũ hay chất xịt có mùi nhân tạo trong nhà.

Phải vệ sinh nhà cửa thật sạch bụi. Tốt nhất là hút bụi và lau nhà 2 ngày 1 lần, mọi ngóc ngách trong nhà, kể cả giường ngủ, kệ sách, sofa, thảm… Giữ cho không khí lưu chuyển để giúp “dọn dẹp” các chất ô nhiễm ứ đọng, vừa giúp giảm các mầm bệnh truyền nhiễm lơ lửng trong không khí. Nếu không vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thì có mua những chiếc máy lọc không khí cũng không có tác dụng.

Có một cách an toàn trong vệ sinh nhà cửa mà không làm phát tán bụi mịn là sử dụng các loại dung dịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường để làm sạch nhà cửa như các loại tinh dầu thiên nhiên tạo mùi thơm dễ chịu, các chất tẩy rửa từ quả bồ hòn, bồ kết… Nếu sử dụng các loại hóa chất để vệ sinh nhà cửa thì nên pha thật loãng và có bảo hộ khi dùng, mở cửa sạch, thoáng gió sau khi lau dọn.

Theo Đời sống
back to top