Nửa sự thật là sự giả dối

(khoahocdoisong.vn) - Nửa sự thật là sự giả dối, chia sẻ của TS Lê Thanh Dũng. Không chỉ là dịch giả quen thuộc, gần đây cuốn Chuyện nghề của Thủy (viết chung với đạo diễn Trần Văn Thủy) và cuốn Suy ngẫm của ông vừa xuất bản đã thực sự gây được tiếng vang. 

Không nghĩ thì khác nào chết rồi

Tôi đã đọc cuốn Suy Ngẫm của ông. Quyển sách mỏng nhưng rất nhiều điều phải suy ngẫm. Thành thật mà nói, phải suy ngẫm nhiều cũng mệt lắm!

Suy nghĩ làm mình minh mẫn lên chứ. Không nghĩ thì khác nào chết rồi. Tôi tư duy là tôi tồn tại mà. Con người không tư duy thì như khúc cây. Tư duy làm cho đầu óc luôn hoạt động. 

Tôi lại có cảm giác người cứ phải suy nghĩ, việc gì cũng suy nghĩ thì khổ lắm. Cứ như là giời đày vậy?

Nói là giời đày cũng hơi quá đáng. Suy ngẫm có cái thú vị của nó chứ. Nhà thơ có khi nghĩ hàng năm trời mới được một chữ, một câu vừa ý, người ta có cái thú của người ta. Hay như chơi cờ tướng, nghĩ khổ nghĩ sở chứ, nhưng đó là cái ham thích của người ta. Khi đã trở thành cái ham thích thì không phải giời đày nữa. Nhiều người vẫn nói là bị giời đày, nhưng vẫn cứ tiếp tục để cho đày vì vẫn thích.

Gặp một việc gì đó chướng tai gai mắt, người khác thì bỏ qua, còn người hay nghĩ thì cứ phải nghĩ ngợi mãi, thế nên mới mệt?

Mệt thì không mệt, nhưng đôi khi buồn. Nhất là ngày nay tôi  thấy người ta nói sai nhiều quá. Và thủ phạm chính là báo chí. Ví dụ như câu: Sút một quả bóng vào gôn nhưng trọng tài không công nhận. Chữ công nhận dùng ở đây là sai vì công nhận là đại đa số thừa nhận. Chứ trọng tài không thể công nhận được chỉ có thể thừa nhận thôi.

Hay như người ta hay nói hỗ trợ đồng bào bị bão lụt. Sao lại hỗ trợ, hỗ là tương hỗ, hai bên giúp nhau. Sao không dùng từ giúp đỡ có phải đúng hơn không. Rồi xế hộp là cái gì? Có thể ngồi uống bia người ta nói với nhau như thế, nhưng báo chí đường hoàng thì sao lại nói thế. Nhưng dùng quá quen rồi nên chẳng ai để ý nữa. Lỗi là ở người đầu tiên dùng sai do không hiểu, không cẩn thận rồi để thành thói quen.

Ngạn ngữ Pháp có câu: Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, một nửa sự thật là sự lừa dối. Thí dụ, đưa tin một cô gái tát một người đàn ông ngay giữa đường phố, rồi lên án này nọ. Chuyện đó có đúng không? Đúng, có tát thật. Nhưng cái chỗ gã kia sàm sỡ cô gái thì không nói tới. Đấy, một nửa sự thật là thế đấy. Cách đưa tin trên truyền hình và báo chí là kiểu như thế, kiêng kị đủ thứ. Anh phải cho người nghe biết tất cả thì mới là nói thật. Hơn nữa còn phải đối thoại công khai, có sự tương tác mới là tôn trọng sự thực. Và phải thật tâm, đừng đóng kịch, diễn trò, khán giả không ngu như anh tưởng đâu. Cứ đưa tin cái kiểu một chiều và cắt xén như thế là không đàng hoàng.  

Quen sống trong vùng ảnh hưởng của người khác

Nếu như mọi người vẫn dùng sai như thế, thì nghĩ ngợi cũng có thay đổi được gì đâu?

Mình hiểu thì mới thấy được vẻ đẹp của ngôn ngữ. Ngôn ngữ văn chương đẹp lắm chứ. Thí dụ một bà già nói: Hai đứa ấy phải lòng nhau. Cái từ phải lòng ấy giờ còn mấy ai dùng nữa, nhưng nghe nó hay lắm. Bây giờ người ta không chú ý đến những cái đó, không thấy cái đẹp của ngôn ngữ.

Tôi là dân công nghệ thông tin, tôi không cực đoan đến mức đề xướng ra việc dùng từ cổ đâu. Thời nào có ngôn ngữ của thời ấy. Có nhiều từ lớp trẻ biết, người già lại không biết.  Ngôn ngữ máy tính phải khác, nó phải tiệm cận nhanh với nội dung, dày đặc thông tin, chứ ví von nhiều trẻ con nó không hiểu. Đòn xóc hai đầu, làm sao nó hiểu đòn xóc là cái gì, già néo đứt dây, mấy ai hiểu néo là cái gì...

Riêng trong ngôn ngữ mà đã có nhiều điều phải suy nghĩ như thế, không biết ngoài xã hội còn nhiều vấn đề khiến ông phải suy nghĩ đến đâu nữa?

Đúng vậy, có rất nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ. Ví dụ như chuyện trẻ con đánh nhau, nữ sinh đánh hội đồng… người ta cứ phê phán đạo đức xuống cấp, rồi trẻ con ngày nay hư hơn ngày xưa... Không phải vấn đề trẻ con đâu, người lớn còn đối xử với nhau như thế. Không ưa một người nào đó  là sẵn sàng tổ chức họp lại để đấu tố, vu khống quy tội cả trên trên báo chí mà chưa qua toà án...Như vậy chẳng khác gì trẻ con đánh hội đồng.

Hồi trẻ tôi có xem bộ phim, hai anh cao bồi ngủ trong rừng, có tên côn đồ đến đánh một anh, hai bên đánh nhau rất ác liệt. Anh bạn kia ngồi ngoài nhìn, không tham gia. Anh tham gia vào là người bạn không thích đâu. Chết thì thôi chứ phải một đánh một, hai đánh một là không được. Hình ảnh ấy để lại ấn tượng rất sâu sắc cho tôi.

Cái tư cách của người ta, nhân cách của người ta như thế, không chịu để người khác giúp. Nếu là đánh bị thương rồi thì có thể giúp. Nhưng ở ta thì cứ lao vào đánh. Cả hai cách đánh, đánh hội đồng và đánh trộm đều rất xấu.

Điều đó do đâu, thưa ông?

Môi trường xã hội, nhiều người lớn, kể cả các quan chức đối xử với nhau chẳng ra gì thì làm sao không ảnh hưởng tới lớp trẻ. Hình như cái tâm lí sợ mọi thứ đã là cố hữu.

Chúng ta vẫn bảo nhau: “Làm thế người ta cười cho”. Tại sao người ta cười lại là vấn đề mà mình phải suy nghĩ. Điều đó sai hay đúng là mình chịu trách nhiệm chứ. Chúng ta quen sống trong vùng ảnh hưởng của người khác mà không tự đứng ra sống cách sống của mình. 

Không dám chịu trách nhiệm

Vì sống theo cách của mình thì tức là mình phải tự chịu trách nhiệm. Và người ta luôn sợ phải chịu trách nhiệm?

Không dám chịu trách nhiệm! Thế nên mới có chuyện là đổ lỗi cho bất kì một yếu tố nào khác ngoài mình. Đường hỏng vì đất không ổn định, mặt đường nhựa chảy vì trời nắng nóng, tường đổ là do gió mạnh, nói bậy thì lỗi thuộc về "cậu đánh máy". Đã gian lại hèn.

Cái gì cũng trông cậy vào tập thể, khó khăn thì dựa nhau, có lỗi thì đổ cho nhau, sướng quá còn gì. Và điều nguy hiểm là vì nó đã ăn sâu vào trong người nhiều quá nên người ta thấy thế là chuyện bình thường.

Vì là chuyện bình thường rồi nên chẳng ai buồn nghĩ nữa?

Nhiều người vẫn nghĩ đấy, nhưng rồi biết làm thế nào, cái thời nó thế. Người ta biết cả đấy chứ không phải không. Biết nhưng không nói ra, biết nhưng không làm gì được, đó mới là cái nguy hiểm. Cũng phải thông cảm cho người ta vì họ còn gia đình, vợ con. Người ta lo cho sự yên lành của bản thân chẳng có gì sai, nhưng một xã hội để người ta có cảm giác bất an khi sống thật với mình thì không hay ho gì.

Đấy như thế chả khổ lắm sao, không biết thì không phải suy nghĩ, không phải bực mình?

Không khổ đâu, mình biết mình cần cái gì thì chọn cái đấy. Như xem TV chẳng hạn, trước tôi cũng có xem nhưng giờ thấy người ta nói sai nhiều quá nên chẳng xem nữa. Không thích thì đừng có xem chứ cứ tức giận, thành cãi nhau với TV à. Giống như không biết uống rượu thì đừng có uống, không thích báo lá cải thì đừng đọc. Chỉ đọc những gì mà mình thấy thoải mái. 

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top