Nữ sinh 14 tuổi suýt mù mắt vì theo mạng xã hội tự tiêm filler nhà

Tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến nguy hiểm vì tiêm filler làm đẹp, trong đó có cả nữ bệnh nhi mới 14 tuổi đã suýt mù mắt vì tự tiêm filler nâng mũi làm đẹp tại nhà.

Nhiều trường hợp nhập viện, có người mù vĩnh viễn

Chiều 7/2, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cảnh báo, trong dịp Tết và sau Tết, bệnh viện tiếp nhận hàng loạt ca tai biến làm đẹp do tiêm filler (chất làm đầy).

Ca bệnh khiến các bác sĩ ngạc nhiên là bệnh nhân mới 14 tuổi (Hà Nội) suýt mù mắt vì tự tiêm filler nâng mũi. Nữ sinh này nhập viện trong tình trạng mắt trái suy giảm thị lực nặng, mi mắt sưng nề, sụp mi, kèm theo bầm tím vùng trán và sống mũi.

Nữ sinh này cho biết, do xem quảng cáo từ mạng xã hội và tìm hiểu về nâng mũi bằng tiêm filler nhanh và đơn giản nên đã tự tiêm tại nhà mà không có bất kỳ hiểu biết nào về quy trình y khoa an toàn.

Trong lúc tiêm, nữ sinh có cảm giác đau buốt nhưng cho rằng, đó là cảm giác bình thường nên vẫn tiếp tục tiêm. Sau đó, người bệnh xây xẩm, choáng váng và nhìn mờ. Người nhà đã chuyển nữ sinh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cấp cứu.

Bệnh nhân 14 tuổi suýt mù mắt vì tự tiêm filer tại nhà

Bệnh nhân 14 tuổi suýt mù mắt vì tự tiêm filer tại nhà

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức) chia sẻ, đây là trường hợp khiến các bác sĩ ngạc nhiên vì bệnh nhân mới 14 tuổi đã làm đẹp bằng tiêm filler không rõ nguồn gốc tại nhà. Đáng tiếc hơn là người tiêm không có kiến thức nên đã gây ra tắc động mạch não dẫn tới choáng với triệu chứng nhìn mờ...

Sau khi tiếp nhận, nữ sinh được can thiệp khẩn cấp bằng kỹ thuật thông mạch, một trong những kỹ thuật hiện đại nhất thế giới. May mắn, các bác sĩ đã cứu vãn được thị lực cho người bệnh.

Không may mắn như trường hợp trên, nữ bệnh nhân 29 tuổi (Hà Nội) đã mù vĩnh viễn vì tiêm filler tại nhà. Người bệnh cho biết, được người quen (không phải bác sĩ) tiêm filler làm đẹp tại nhà. Ngay sau đó, cô xuất hiện triệu chứng đau nhức dữ dội, mờ mắt và nhanh chóng mất thị lực.

Bệnh nhân này được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ một bệnh viện tuyến trung ương khác ngày 4/2 trong tình trạng mất thị lực hoàn toàn mắt trái, đau nhức vùng hốc mắt và nửa đầu bên trái, kèm theo yếu các cơ vận động của nhãn cầu và mí mắt.

Bệnh nhân cho biết, ở thời điểm được đưa đến Bệnh viện, mắt trái cô không nhìn thấy gì và còn rất đau nhức.

Theo lời bệnh nhân, vì muốn làm đẹp vùng trán, cô gọi người quen (không phải bác sĩ) đến nhà để tiêm filler tại nhà. Trước đó, cô cũng đã được người này tiêm filler một lần vùng má, và cô cảm thấy "ưng vì đẹp hơn", nên lần này lại tiếp tục gọi đến tiêm tiếp vùng trán.

"Ngay sau khi tiêm, tôi thấy đau nhức dữ dội, mờ mắt và nhanh chóng mất thị lực, nên lập tức bắt người này đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tôi được chuyển qua 3 bệnh viện, rồi các bác sĩ khuyên đến ngay Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức"- nữ bệnh nhân chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết, bệnh nhân được xác định tắc hệ mạch máu mắt và động mạch trung tâm võng mạc, gây tổn thương nghiêm trọng dây thần kinh thị giác. Sau khi can thiệp, tình hình sức khỏe của người bệnh đã tạm ổn định.

Tuy nhiên, mắt trái mất thị lực. Chưa kể, bên mắt trái của người bệnh lồi hẳn ra, phù nề rất nghiêm trọng, chưa thể đánh giá có thể trở về trạng thái ban đầu để đảm bảo chức năng thẩm mỹ hay không.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, tiêm filler không đúng cách có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng, hoại tử da, thậm chí đe dọa tính mạng.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người làm đẹp chỉ thực hiện tiêm filler tại các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ được cấp phép. Người thực hiện phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về tạo hình thẩm mỹ.

“Tuyệt đối không nên tự tiêm filler tại nhà hoặc thực hiện tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn, không có giấy phép hoạt động. Sau khi tiêm chất làm đầy nếu có dấu hiệu biến chứng (như: Sưng, đau, mất thị lực, khó thở…), người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn sâu để cấp cứu kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.

Một bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm filler được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức - Ảnh BVCC

Một bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm filler được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức - Ảnh BVCC

Không chỉ mù mắt mà cả đột quỵ

Phân tích về nguyên nhân tiêm filler có thể gây mù mắt, đột quỵ..., BS Nguyễn Ngọc Cương, bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tiêm Filler (filler: làm đầy) là tiêm một chất làm đầy các hố trũng, các rãnh và nếp nhăn, giúp cho khuôn mặt trở nên đầy đặn, trơn láng mịn màng. Chất để tiêm có nhiều loại: mỡ tự thân, Hyaluronic Acid (HA), collagen, calcium hydroxiapatite…

Kỹ thuật tiêm vô cùng đơn giản, đào tạo nhanh, hiệu quả thì tuyệt vời, vì vậy số lượng ca tiêm ở Việt Nam và trên thế giới đang và sẽ tiếp tục vô cùng lớn.

Nguyên nhân mù mắt là do tắc động mạch trung tâm võng mạc (Retina artery occlusion – RAO). Động mạch võng mạc là một nhánh của động mạch mắt, tách từ động mạch cảnh ở trong não. Vậy tiêm vào vùng mặt thì sao tắc động mạch mắt?

Lý do là từ các vòng nối tự nhiên của động cảnh trong với động mạch cảnh ngoài thông qua động mạch mắt. Có hai vị trí nối là từ động mạch sàng trước ở vùng mũi và động mạch màng não trước ở vùng trán, hai nhánh nối này sẽ giúp cho mắt không bị mù nếu lỡ động mạch cảnh trong cùng bên bị tắc (hình vẽ).

Ảnh minh họa cơ chế filer gây mù mắt - Ảnh BSCC

Ảnh minh họa cơ chế filer gây mù mắt - Ảnh BSCC

Ngoài ra, theo các nghiên cứu, có nhiều vòng nối tự nhiên của động mạch mắt với động mạch hàm trong thuộc động cảnh ngoài mà không thể thấy được trên bất kỳ phương tiện hình ảnh nào, trừ khi luồn ống thông vào sâu mà bơm áp lực cao thì nó mới xuất hiện hoặc một nhánh nào đó bị tắc thì luồng thông mới được mở ra.

Khi tiêm vào các vị trí quanh mắt, vùng gốc mũi, trán…là nơi tiềm ẩn các vòng nối động mạch, chính động tác vừa rút kim vừa bơm chất filler khiến cho ta không biết là kim có đi qua mạch máu không đã là một nguy cơ rất lớn của việc bơm chất filler vào một nhánh động mạch nhỏ nằm ở dưới da.

Nếu nhánh động mạch này thông với động mạch mắt thì chất filler đi theo vòng nối thông trôi vào động mạch mắt, tới động mạch trung tâm võng mạc hoặc thậm chí có thể đi vào động mạch cảnh trong lên tắc động mạch não. Đã có những báo cáo về đột quỵ não sau tiêm filler.

Cũng theo các nghiên cứu, trong các loại biến chứng do tiêm filler, Hyaluronic acide gây biến chứng sẽ ít di chứng nhất so với các chất filler khác. Lý do là HA có một chất trung hoà là hyaluronidase khi bơm vào mạch máu sẽ hoà tan HA và tái thông được lòng mạch. Đó là lý do mà mỗi một cơ sở tiêm filler HA luôn phải “thủ” sẵn hyaluronidase trong mình.

Tóm lại để xuất hiện tai biến mù mắt hoặc đột quỵ não cần đủ cả hai yếu tố: 1) Có vòng nối động mạch mắt – cảnh ngoài. 2) Kim tiêm phải chọc vào động mạch có vòng nối. Ngoài ra còn có yếu tố phụ khác như: lực bơm đủ mạnh, thể tích chất filler đủ nhiều…

Phòng tránh nguy cơ: yếu tố số 1 thì không thể tránh được vì là đặc điểm giải phẫu nhưng yếu tố số 2 thì có thể tránh được nếu ta cẩn thận hút áp lực âm lại xem có máu ra không rồi hãy bơm.

Các chuyên gia khuyến cáo:

- Chỉ thực hiện tiêm filler tại các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ được cấp phép.

- Người thực hiện phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về tạo hình thẩm mỹ.

- Không nên tự tiêm filler tại nhà hoặc thực hiện tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn, giấy phép hoạt động.

- Nếu có dấu hiệu biến chứng (sưng, đau, mất thị lực, khó thở…), người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn sâu để cấp cứu kịp thời.

Theo VietnamDaily
back to top