Nữ anh hùng trọn đời gắn bó với văcxin - Kỳ 3: Chọn nghiên cứu khoa học thay vì làm quản lý

(khoahocdoisong.vn) - Nếu về quê hương làm việc, Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên sẽ đảm nhiệm chức vụ quản lý. Nhưng nếu ở lại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sẽ chỉ đơn thuần làm khoa học. Và bà đã chọn làm khoa học.
Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên chọn con đường nghiên cứu khoa học.

Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên chọn con đường nghiên cứu khoa học.

Tạm rời xa chiến trường gian khổ

Sau 6 năm ở chiến trường gian khổ, ác liệt, đói ăn, sốt rét… sức khỏe đi xuống, BS Huỳnh Thị Phương Liên được Khu ủy Khu 5 quyết định cho ra Bắc chữa bệnh và có điều kiện học tập nâng cao kiến thức. Tháng 3/1972, BS Huỳnh Thị Phương Liên cùng y tá Mai vượt Trường Sơn để ra Bắc. Trên đường đi gặp không ít trận B52 rải thảm đường dây 559, ngăn cản việc tiếp tế cho miền Nam. Nhưng bộ đội ta trùng trùng lớp lớp tiến vào chiến trường.

Cảm xúc về hành trình đó đến giờ vẫn khiến Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên ngậm ngùi. “Trong đoàn vang lên tiếng gọi hỏi: “Có phải người Hà Nội không?”. Tôi xúc động vô cùng và tự nhận là “Người Hà Nội đây về lại Hà Nội đây”, “Gửi lời thăm Thủ đô nhé”. Đột nhiên tôi cảm thấy nuối tiếc: Tại sao mình lại đi ra lúc này? Giá như quay trở lại được, miền Nam đang cần mình, nhưng khi ấy tôi không còn đủ sức nên đành tiếp tục đi ra. Thế là ngày qua ngày, 75 ngày lại trôi qua trên con đường đầy máu lửa và cũng đầy sức sống, khí thế hào hùng của chúng ta”.

Tháng 6/1973, BS Huỳnh Thị Phương Liên về thăm lại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nơi bà đã được đào tạo chuyên khoa vi sinh, nơi đã chia sẻ, viện trợ cho đơn vị K15 để có thể sản xuất được 3 loại văcxin trong điều kiện chiến trường đầy gian khổ, ác liệt hồi đó. Khi trở về, GS Hoàng Thủy Nguyên, GS Đặng Đức Trạch coi BS Huỳnh Thị Phương Liên như người của Viện cử đi chiến trường nay trở về nên tiếp nhận rất dễ dàng.

"Năm 1973, tôi theo học lớp tiếng Anh (A), từ đó làm cơ sở cho việc học tiếng Đức năm 1974. Chúng tôi vẫn thuộc Cục Cán bộ “B” quản lý, do đó, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử đi học ở CHDC Đức gồm 5 bác sĩ, thời gian học 3 năm. Chúng tôi học tiếng Đức 4 tháng ở Quetlingburge, một thị trấn nhỏ tận vùng núi Thuringer. Sau đó phân về các nơi học chuyên khoa. Tôi được về học tại Viện Virus ứng dụng ở Berlin... Mỗi người ở một thành phố, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau khi họp đoàn, còn thì miệt mài học và học.

Chúng tôi học được một năm rưỡi thì miền Nam giải phóng. Cả đoàn đều háo hức mong muốn được trở về nước ngay lúc này để được hưởng không khí hồ hởi, sung sướng, tưng bừng của toàn dân và toàn quân ta trên cả nước mà chúng tôi được xem trên truyền hình của CHDC Đức. Cả đoàn họp thống nhất đến 2 năm xin về, không đợi đủ 3 năm như quyết định cử đi học của BS Dương thị Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trưởng đoàn Hoài Nam, trình Sứ quán miền Nam và được phê duyệt. Thế là tháng 10/1976 chúng tôi được về nước trong niềm vui bất tận", Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên chia sẻ.

Nghiên cứu văcxin là đam mê cả cuộc đời của Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên.

Nghiên cứu văcxin là đam mê cả cuộc đời của Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên.

Lá thư gửi Đặng Thùy Trâm bị trả về

Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên kể về một kỷ niệm với liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người bạn học cùng khóa với sự ngậm ngùi, tiếc nuối. “Năm 1972, vượt sông Bến Hải ra đến Quảng Bình. Trên đường dây 559 tôi gặp BS Hoàng Hưng. Ôi mừng quá vì được gặp bạn cùng khóa. Hoàng Hưng hỏi ngay một câu thay cho lời chào: “Phương Liên có gặp Thùy Trâm không?”. Tôi lặng người đi trong giây lát rồi nghẹn ngào báo tin cho Hưng: “Thùy Trâm đã hy sinh!”. Nét mặt Hưng đầy xúc động và như nén nỗi đau hỏi “bao giờ?”, “khoảng tháng 6/1970”, tôi trả lời.

Đó là lần BS Tuấn, Ủy viên Ban Dân y K5 đến cơ quan tôi và bảo có gửi thư cho Thùy Trâm không? Anh đi công tác Quảng Ngãi đây. Tôi vội viết một lá thư ngắn gửi Thùy Trâm. Sau 1 tháng anh Tuấn trở về nói: “Phương Liên ơi, trả lại thư cho người gửi, người nhận không còn nữa!”. Tôi rụng rời cả người và nước mắt bỗng tuôn trào! Thời buổi chiến tranh, chuyện hy sinh mất mát xảy ra thường ngày, sống còn là sự may rủi, nhưng điều đó xảy ra với bạn đồng môn của mình thì nỗi đau dường như gấp bội.

Tôi như nuốt nước mắt nhớ lại câu chuyện gặp đoàn Thùy Trâm và các bạn (tháng 6/1967). Cơ quan tôi đóng gần trạm tập kết của các đoàn ngoài Bắc vào, hôm đó tôi đi cõng sắn về và thật bất ngờ gặp các bạn, làm sao kể hết cái giây phút vui mừng, sung sướng dâng trào trong tôi hôm ấy. Thùy Trâm còn dang 2 tay ôm lấy tôi nói: “Trâm đi theo tiếng gọi tình yêu đây!”. Tôi chẳng có gì ngoài gùi sắn, chúng tôi liên hoan một bữa sắn luộc, ôm nhau ngồi quanh một đống lửa hồng rực rỡ rồi hát nghêu ngao: “... Ta đi theo tiếng gọi từ trái tim mình”. Ấy vậy mà hơn 1 năm sau Thùy Trâm báo tin cho tôi là Phượng đã hy sinh… nỗi đau đó làm tôi bàng hoàng và nghĩ là mình cần phải sống xứng đáng hơn, làm việc nhiều hơn nữa để đi tiếp con đường của những người bạn đã ngã xuống trong cuộc chiến này, trong đó có những người bạn thân yêu của mình.

Chọn làm nghiên cứu khoa học đơn thuần

Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên kể, năm 1976 trở về nước, khi đó các cán bộ quê miền Nam ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đều về quê hết. Bà liền hỏi ý kiến ba mình có nên về quê hương Quảng Nam hay ở lại Hà Nội làm việc. Ba của bà nói: “Con muốn làm quản lý thì về lại miền Nam, còn nếu muốn làm nghiên cứu thì ở lại Hà Nội”. Cuối cùng, bà chọn làm nghiên cứu khoa học đơn thuần, nên về lại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công tác.

Khi về Viện Vệ sinh Dinh tễ Trung ương, bà được tham gia nghiên cứu về virus arbo (Viêm não Nhật bản, sốt xuất huyết Dengue). Sau đó hợp tác nghiên cứu về sởi, rubella với Trường Đại học Lyon (Pháp), rồi hợp tác nghiên cứu về cúm (Influenza) với CHDC Đức, tiếp đến là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ và Trường Đại học Niigata, Trường Đại học Nagasaki Nhật Bản, Trường Đại học Queensland ở Úc…

“Tôi được mời tham dự và báo cáo tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế. Công việc chuyên môn cứ cuốn theo, chồng chất, bận rộn, có khi đi công tác liên tục, phải gửi 2 con ở nhà ông bà ngoại, cả 2 đứa bị sốt xuất huyết suýt chết. Năm 1984, tôi trở lại CHDC Đức trong chương trình hợp tác nghiên cứu 2 năm. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bậc thầy, của tất cả các bạn đồng nghiệp ở Khoa Miễn dịch lâm sàng của Viện Lao và các bệnh về phổi Berlin Buch, với vốn tiếng Đức đã có từ lần đi học ở CHDC Đức năm 1974 - 1976 và các số liệu đã hợp tác nghiên cứu ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về virus cúm. Để phù hợp với nội dung hợp tác nghiên cứu của 2 viện đã đề ra tôi chọn đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch của văcxin cúm bất hoạt bằng tia gamma thử qua đường uống trên mô hình động vật”.

Tôi quyết tâm và tập trung miệt mài học, say sưa nghiên cứu sau 2 năm hoàn thành và bảo vệ luận án PTS đạt mức xuất sắc. Thế là cuối cùng cũng tới đích. Được thầy giáo, bạn bè, đồng nghiệp khen ngợi, chúc mừng, chia sẻ với tôi niềm vui lớn. Tôi đã phải trải qua những ngày tháng vất vả, nén nỗi nhớ các con còn thơ dại, chỉ biết lao vào học. Thứ 7 và chủ nhật tôi đến Viện rất sớm (6h30 sáng), mặc cho mưa tuyết rét buốt có khi nhiệt độ xuống -20 độ C. Khoa Miễn dịch lâm sàng tin tưởng cho tôi được sử dụng hộp chìa khóa của tất cả các phòng thí nghiệm trong khoa. Làm xong công việc thí nghiệm, đến khoảng 9 giờ, tôi lại vội vàng đi lao động “kiếm tiền”. Lao động là sở trường của những năm tháng ở chiến trường mà tôi đã trải qua: Trồng hoa, làm cỏ hoa, hái dưa chuột, dâu tây, hoa quả… tối mịt mới về đến nhà. Tôi dành dụm tiền học bổng và tiền làm thêm chắt chiu để lo cho kinh tế gia đình trong thời bao cấp đầy khó khăn.

Những thành tựu trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất văcxin của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành thế mạnh và điểm sáng thành tựu trong nền y học dự phòng của Việt Nam. Những văcxin thế mạnh của Việt Nam hiện nay như sởi, văcxin phối hợp sởi - rubella, rota, cúm mùa, viêm não Nhật Bản... là những văcxin không những đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn.

(còn nữa)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top