Nông nghiệp Thái Lan đang nâng tầm du lịch

(khoahocdoisong.vn) - Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, có khoảng gần 40% người dân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng ngành này chỉ chiếm 8-10% GDP của Thái Lan.

Tôi được đối tác mời tham dự Triển lãm thương mại quốc tế lớn nhất Châu Á về nông nghiệp tại Bangkok Thái Lan (VIV Asia 2019 March 13-15). Triển lãm này thu hút khoảng 1.500 thương hiệu toàn cầu về cung ứng trang thiết bị nuôi trồng, thức ăn và nguồn dinh dưỡng cho vật nuôi, thuốc và các loại vaccine, quy trình làm nông nghiệp,… theo xu hướng nền công nghiệp 4.0. Điều đặc biệt ấn tượng với tôi, là thái độ làm nông nghiệp của người Thái.

Khá tương đồng với Việt Nam, Thái Lan được biết đến như là đất nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, có khoảng gần 40% người dân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 8-10% GDP của nước này. Theo các chuyên gia, thực tế này là do người Thái vẫn trung thành với các phương pháp canh tác truyền thống. Do đó, Thái Lan hiện đang tích cực xây dựng nông nghiệp 4.0 để nâng cao sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tại triển lãm VIV Asia 2019, tôi có dịp tiếp xúc với một số chuyên gia nông nghiệp Thái Lan, để tìm hiểu về vấn đề hỗ trợ từ chính phủ và thuyết phục người tiêu dùng tin vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ông Phon Songsiritanaphat – Giám đốc Sales & Marketing của tập đoàn cung ứng thức ăn chăn nuôi ES Evershining cho biết “Các công ty Thái không trông chờ vào chính phủ mà họ tự liên kết với các trường Đại học để nghiên cứu và làm thí nghiệm, rồi ứng dụng vào sản xuất. Về khâu đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi thường tham dự các triển lãm trong nước và quốc tế, giới thiệu trực tiếp đến khách hàng. Hàng năm, các khách hàng sẽ đến tham quan nhà máy sản xuất 1-2 lần và cho chúng tôi những đánh giá trực tiếp về chất lượng”.

Quy trình sản xuất hay ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp đang là vấn đề được chính phủ Thái Lan quan tâm, với mục tiêu chính là thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trang. Còn hãng luật Pugnatorius thì cho biết:“Chính phủ đang tìm kiếm nhiều cách để cải thiện và mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài để Thái Lan 4.0 và Nông nghiệp 4.0 trở nên khả thi hơn. Các dự án hợp tác nhiều bên và các chương trình đầu tư sẽ kết hợp các tổ chức phi chính phủ, công ty, chính phủ, trường đại học và nông dân sẽ là cách để chuyển đổi công nghệ cũng sẽ cung cấp cơ hội chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính và thị trường chung. Dự án kiểu này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ nông nghiệp của Thái Lan”.

Người Thái dường như khá tự hào và tin tưởng vào các mặt hàng nông sản của họ. Theo quan sát của cá nhân, trái cây, rau củ quả, thịt cá hải sản, cá khô, nước mắm,… từ siêu thị đến chợ truyền thống, đến vỉa hè đều được người dân và du khách thoải mái trải nghiệm mà không chút hoài nghi về chất lượng sản phẩm. 

Anh Supornchai Sri-Nhonghang - Quản lý vùng tại Thái Lan của tập đoàn Jefo - tự hào cho biết, người Thái ưu tiên dùng sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan. Và nếu muốn biết thêm về nông sản Thái Lan thế nào, hãy đến chợ Or Tor Kor nằm đối diện với chợ sỉ Chatuchak, là top 4 chợ bán những mặt hàng tươi sống lớn nhất thế giới, được CNN bình chọn trong top 10 chợ bán các mặt hàng tươi sống ngon nhất thế giới. Chợ tươi sống Or Tor Kor chỉ cách ga Mo Chít chừng 10 phút đi bộ, sát bên là Phòng Marketing các nông sản từ nông trại, đối diện là chợ Chatuchak nổi tiếng, điểm đến của rất nhiều du khách.  

Nhưng điểm đến tạo ấn tượng đặc biệt với tôi là chợ đêm Ratchada. Nằm cách trục đường chính khoảng 300m, chợ khác xa với suy nghĩ về chợ đêm mà tôi từng biết tại Việt Nam. Hơn 10h đêm, chợ vẫn đông đúc, sầm uất khác thường.

Bên cạnh các sản phẩm như quần áo, giày dép thì những trái cây hoa quả và ẩm thực Thái Lan chiếm ưu thế trong không gian chợ. Với người đi chợ bình thường, chợ đêm này có lẽ thu hút như một tụ điểm giải trí về đêm, còn với tôi, thì sức hút lại ở cách người Thái sắp xếp và tổ chức mỗi gian hàng đầy ngăn nắp, sạch sẽ. Ngay ngõ vào chợ là gian hàng bày bán nông sản hữu cơ các loại và khu đăng ký kinh doanh, bên trong là nhiều gian hàng nông sản khác bố trí sắp xếp theo kiểu chợ truyền thống Việt Nam.

Điểm rất ấn tượng là sạch sẽ từ nền nhà đến quầy hàng, không có cảm giác có mùi tanh của cá thịt. Điểm khác mà tôi đánh giá cao, là trên môi người bán hàng luôn thường trực những nụ cười. Sự thân thiện là đặc trưng khiến Thái Lan được mệnh danh là “land of smile” và người bán hàng trong chợ Thái cũng không là ngoại lệ.

Không chèo kéo, không thách giá, người bán hàng dành nhiều thời gian sắp xếp sản phẩm trên gian hàng thật đẹp mắt. Khách có thể thoải mái tham quan chụp hình  mua sắm mà không hề cảm thấy khó chịu. Tôi mua túi xoài sống giá 40baht (khoảng 30,000 đồng) kèm chén mắm chấm tự thưởng thức. Dù chỉ nói tiếng Thái, cậu bé bán xoài vẫn vui vẻ giới thiệu cho tôi xem hàng chục loại xoài trên sạp cậu có, từ sống đến chín, từ chua đến ngọt...

Nước ép trái cây trong chợ Thái có thể coi là một đặc sản vô cùng hấp dẫn, và được bán với giá rất rẻ, chỉ tầm 15baht đến 50baht tùy loại. Mua chai nước xả, tôi nhận thấy các công đoạn từ ép đến đóng chai được thực hiện ngay trước mặt khách và khá hợp vệ sinh.

Ghé qua gian hàng cá thịt hải sản tươi sống, dưới mỗi quầy đều có máng nước nhỏ để hứng nước đá tan cho chảy vào thùng, không để nhỏ giọt ra sàn nhà. Cá khô được xếp lớp gọn gàng, và bật quạt không có con ruồi nào đậu vào. Trong chợ có cửa hàng bán các loại rau hữu cơ, sản phẩm spa và các mặt hàng tạp hóa khác từ Royal Project – một dự án của vua Bhumibol Adulyadej lập vào năm 1969 để giải quyết các vấn đề về nạn phá rừng, đói nghèo, thuốc phiện.

Không chỉ ở chợ hay khu thương mại tại Bangkok, người dân địa phương và du khách đến Thái Lan đều nhớ về ẩm thực đường phố. Trên những con phố nhỏ hẹp là những chiếc xe đẩy trái cây, nước ép, lòng nướng, xiên que chiên, và cả món bún thái, tom dum các thể loại bán khắp nơi. Xe hơi đi giữa làn đường, xe máy chen trong lề đường, người đi bộ di chuyển trên vỉa hè, không thấy cảnh dẹp đường hay xua đuổi người bán hàng.

Không quá lời khi nói, nông sản và sau đó là ẩm thực đường phố đã được Thái Lan nâng tầm thành đặc sản văn hóa. Từ đó hình thành nguồn thu đáng kể và khiến doanh thu du lịch chiếm đến tới 20% GDP của Thái Lan (2018). Tạo mối liên hệ giữa nông nghiệp và du lịch, để cùng gia tăng sức mạnh cho hai ngành này trong nền kinh tế, đó có thể là bài học của Thái Lan mà nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cần lưu ý.

Theo Đời sống
Yến mạch thật giả lẫn lộn

Yến mạch thật giả lẫn lộn

Ngũ cốc yến mạch từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng bổ trợ sức khỏe như giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết,... Sản phẩm được nhiều người tin dùng dẫn tới việc yến mạch bị làm giả, chất lượng kém tràn lan trên thị trường.
back to top