Nông nghiệp chỉ còn chiếm chưa tới 4% GRDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

(khoahocdoisong.vn) - Các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có sự phát triển tăng tốc so với cả nước. Với sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chưa tới 4%.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 03 năm 2016-2018 của vùng đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198 cho cả giai đoạn 2016-2020 (9%). Trong đó Hà Nội dẫn đầu toàn vùng đóng góp 16,96% về GRDP cả nước.

Với sự tăng trưởng ấn tượng của công nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chưa tới 4%. Trong đó, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản thấp nhất trong GRDP so với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Giai đoạn 2016-2018, ngành công nghiệp - xây dựng của vùng đóng góp gần 40% GDP của cả nước và tập trung chủ yếu từ các ngành công nghiệp mũi nhọn như: điện, điện tử, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may, công nghiệp phụ trợ.

Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của vùng đạt 25,6% và chiếm tỷ trọng 32% xuất khẩu của cả nước, vượt 2 năm mục tiêu đề ra tại Quyết định 198. Trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của vùng tăng 57%, tăng từ 49,6 tỷ USD năm 2016 lên tới 78,1 tỷ USD năm 2018, cao hơn nhiều mức tăng của cả nước giai đoạn này là 38%. Kim ngạch nhập khẩu của vùng tăng 44,9%, tăng từ 61,8 tỷ USD năm 2016 lên 89,5 tỷ USD năm 2018, cao hơn mức tăng 35,5% của nhập khẩu cả nước.

Tuy nhiên cũng theo báo cáo, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước. Số doanh nghiệp đăng ký mới vẫn đứng thứ 2 cả nước nhưng xét về quy mô vốn thì các doanh nghiệp trong vùng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các dự án FDI thâm dụng lao động chiếm tỷ lệ cao trong vùng. Các lĩnh vực khác như thu ngân sách, vấn đề dân số, nhập cư… cũng còn không ít vấn đề cần lưu ý. Đặc biệt, phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo Đời sống
back to top