“Nóng” chuyện thưởng Tết cuối năm

(khoahocdoisong.vn) - Dịp cuối năm, chuyện thưởng Tết lại là vấn đề nóng của cả doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp lo cân đối tài chính, tính mức thưởng giữ chân người lao động. Trong khi lao động người háo hức chờ thưởng Tết, người thắc thỏm lo không đủ tiền về quê...
Tặng quà Tết cho nhân viên.

Tặng quà Tết cho nhân viên.

Động lực hay gánh nặng?

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, chị Nguyễn Hồng Nga, làm việc tại KCN Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, cứ sau Tết là hàng trăm doanh nghiệp (DN) đăng thông tin tuyển dụng. Giờ công nhân “hút hết” vào các DN đầu tư nước ngoài (FDI) có chế độ đãi ngộ tốt, ổn định. Các DN không có chế độ đãi ngộ tốt, sau Tết công nhân nghỉ hàng loạt. Năm nào sau Tết cũng xảy ra tình trạng thiếu lao động  ở hàng trăm DN tại các KCN quanh Hà Nội do công nhân đi làm muộn, hoặc chuyển việc khác.

Chính vì vậy, với nhiều DN, thưởng Tết được coi là “cần câu” níu chân người lao động.  Với các DN lớn, làm ăn ổn định, bộ máy chuyên nghiệp thì đỡ áp lực. Với các DN sản xuất nhỏ hay hiệu quả công việc hạn chế thì thưởng Tết là một khoản đau đầu với cả lãnh đạo công ty và kế toán. Thưởng ít thì sau Tết công nhân bỏ hàng loạt, đau đầu tìm lao động. Thưởng nhiều thì ngân sách hạn hẹp, không đáp ứng nổi.

Phát sinh thêm tháng lương 13 và khoản tiền thưởng cả năm dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động DN. Trước hết làm phát sinh chi quá nhiều vào cuối năm khiến DN khó khăn đột biến về dòng tiền. Thêm vào đó phải tổ chức các hoạt động phục vụ cho tổng kết, kiểm toán, đại hội cổ đông, tổ chức sự kiện… vào thời điểm giá dịch vụ đắt đỏ hơn nhiều so với trong năm. DN không những lo về thưởng cho nhân viên, còn lo chi phí duy trì DN cho những tháng sau Tết khan hiếm đơn hàng.

Người lao động tất cả đều trông ngóng vào khoản thưởng Tết. Khoản tiền này dùng để chi phí đi lại, phụ giúp cha mẹ và chi tiêu cho cả gia đình trước và sau Tết. Do vậy, nếu NLĐ không hài lòng với DN cũng cố chờ lĩnh “lương tháng 13”. Và rủ nhau nghỉ vào sau Tết. Do thế, DN bị động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và tốn kém thời gian, chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân sự thay thế.

Như vậy, có thể thấy, thưởng Tết tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các DN và của nền kinh tế. Theo các chuyên gia quản trị nhân lực, nếu việc thay nhân sự này được rải đều ra trong năm và khoản thưởng Tết thay vì “dồn cục” cuối năm được chia theo hiệu quả hàng tháng, hàng quý chắc chắn doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn. Năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, chi phí bình quân trên một đơn vị sản phẩm cũng sẽ có thể giảm xuống. Điều này có thể gián tiếp dần làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho khách hàng và toàn xã hội.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, thông lệ, dù ít hay nhiều thưởng Tết đã trở thành nét văn hóa của DN, được coi là một trong những chế độ phúc lợi để chăm lo nguồn lực, “giữ chân” NLĐ trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn lực trên thị trường lao động.

Thưởng Tết đã trở thành nét văn hóa của doanh nghiệp.

Thưởng Tết đã trở thành nét văn hóa của doanh nghiệp.

Bức tranh về sức khỏe doanh nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia, thưởng Tết năm 2020 sẽ ít biến động, bởi tình hình kinh doanh của các DN vẫn còn nhiều khó khăn. Mức thưởng trung bình sẽ vẫn chỉ duy trì ở mức thưởng là 1 tháng lương cho NLĐ hay còn gọi là tháng lương thứ 13. Tuy nhiên, mức thưởng cao nhất và thấp nhất giữa các khu vực DN, địa phương sẽ có sự chênh lệch rất lớn. Ngân hàng, tài chính, địa ốc... là những ngành dẫn đầu mức thưởng. Các khu vực miền núi, tiền thưởng Tết cho giáo viên chỉ từ 200-300 nghìn đồng hoặc chai dầu ăn, gói mì chính làm quà. Thậm chí, nhiều giáo viên còn không có tiền thưởng Tết.

Theo công bố mới nhất ngày 25/12 của Sở LĐTBXH TPHCM, một DN FDI lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bảo hiểm tại thành phố đã thưởng Tết Dương lịch 2020 cho một cá nhân lên tới 3,5 tỷ đồng. Với kỷ lục này, TPHCM dẫn đầu cả nước về mức thưởng Tết cao. Đà Nẵng cũng vừa thông báo thưởng Tết cao nhất của tỉnh này là hơn 920 triệu đồng. Báo cáo từ đa số các DN trong nước cho biết, thưởng Tết 2020 cho NLĐ trung bình là một tháng lương và mức thưởng Tết không cao hơn nhiều so với Tết 2019.

Tết Nguyên Đán 2019, thưởng Tết trung bình của cả nước là 10,032 triệu đồng trong đó mức cao nhất thuộc về một DN ở TPHCM đạt 1,17 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả nước cũng ghi nhận một số DN gặp khó khăn không thưởng Tết cho NLĐ. Chính vì vậy, thưởng Tết là bức tranh phản ánh rõ nét tình trạng “sức khỏe” của các DN.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019,  Sở LĐTBXH Hải Dương xác nhận một công ty cổ phần sản xuất nhựa thưởng 900 triệu cho một người và mua 45 ô tô để thưởng Tết cho các nhân viên xuất sắc. Nhưng dấu ấn về những lần thưởng tết đau khổ thì vẫn hiện hữu. Năm 2018, trường tiểu học Lại Sơn ở Kiên Hải, Kiên Giang thưởng cho giáo viên 2 hộp nước mắm (4 chai).

Năm 2016, một doanh nghiệp ở TPHCM đã thưởng cho nhân viên mỗi người 1 thùng tương ớt, riêng lãnh đạo được thưởng gấp đôi là 2 thùng. Doanh nghiệp khác thì tặng nhân viên giò bò hoặc giò ngựa bạch để thay cho thưởng tết. Buồn hơn là một cơ sở sản xuất ở Đan Phượng (Hà Nội) thưởng Tết cho nhân viên 100.000 đồng kèm theo đó là mỗi loại hương một bó để thắp ba ngày Tết.

Theo Điều 104 Bộ Luật Lao động 2019 vừa sửa đổi, DN có thể thưởng Tết cho nhân viên bằng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Tức là, thay vì chỉ được thưởng cho NLĐ bằng tiền, Bộ Luật Lao động mới mở rộng các hình thức thưởng khác bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của DN. Tuy nhiên, đại đa số NLĐ mong mỏi tiền thưởng Tết để chi tiêu cho gia đình. Vì vậy, nếu DN nào áp dụng theo luật tặng hàng hóa của DN thì thật là khó cho NLĐ.

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh về cả thị trường và mặt tuyển dụng lao động chất lượng cao, muốn NLĐ gắn bó lâu dài với mình, DN phải có chế độ lương, thưởng, phúc lợi tốt. Các DN nên cân nhắc về mức thưởng Tết - bởi mức thưởng đó không chỉ có tác dụng động viên, khuyến khích người lao động sau 1 năm làm việc mà còn là tiêu chí để thu hút lao động xem xét có gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Sau Tết, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động rầm rộ.

Sau Tết, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động rầm rộ.

Theo Đời sống
back to top