Nối tiếp đất để đảm bảo an toàn điện

có không ít trường hợp các thiết bị điện trong gia đình cháy hỏng, hay thậm chí có những ca tử vong do điện giật, chập cháy điện sinh hoạt, tuy nhiên không ít gia đình hiện nay vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ mạng điện gia đình bằng việc kết nối tiếp đất cho thiết bị điện.
Nối tiếp đất để đảm bảo an toàn cho thiết bị điện - ảnh minh họa

Nối tiếp đất để đảm bảo an toàn cho thiết bị điện – ảnh minh họa

Theo GS. TSKH Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, nối tiếp đất, còn gọi là tiếp địa, tiếp âm, hay tiếp mát. Theo đúng qui chuẩn quốc tế thì tất cả mạng điện gia đình đều phải được nối tiếp đất để đảm bảo an toàn cho thiết bị điện và cho người sử dụng.

Trong các thiết kế kiến trúc xây dựng hiện đại, tất cả hệ thống dây dẫn điện nội thất đều phải có dây nối đất, nghĩa là sử dụng dây điện một pha ba dây – nóng, lạnh, mát. Hệ thống dây dẫn điện này đòi hỏi các ổ cắm đều phải là ổ ba chân, và khi cắm vào ổ điện, các thiết bị có phích cắm ba chân đã tự động được nối tiếp đất.

Tất cả các dây mát trong hệ thống đều dẫn đến bảng điện chính, được tụm lại và nối tiếp vào cọc tiếp đất chính của tòa nhà, đảm bảo tất cả các thiết bị đều được nối tiếp địa. Khi được nối tiếp địa, các điểm chạm mát, rò điện ra vỏ thiết bị dù vẫn tồn tại nhưng không gây giật khi người sử dụng chạm vào.

Trong trường hợp ổ cắm trên tường không có cổng nối đất, chúng ta vẫn có thể nối tiếp mát cho mỗi thiết bị bằng phương pháp thủ công. Ở mặt sau của các thiết bị điện như lò vi sóng, tủ lạnh, bình nước nóng lạnh,… đều có cổng tiếp đất hoặc có một đầu dây để chờ tiếp đất (dây mát), chúng ta chỉ cần kết nối đầu dây này tới một vật dẫn điện có tiếp đất, chẳng hạn như một đầu ống nước bằng kim loại – vì các ống nước đều dẫn đến ống chôn dưới đất. Dây này sẽ có nhiệm vụ triệt tiêu dòng điện nếu chẳng may có hiện tượng rò.

Nhiều gia đình chọn dùng RCCB, là thiết bị có chức năng ngắt mạch điện tự động khi người chạm điện trực tiếp hoặc có hiện tượng dòng rò lớn hơn ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, cần hiểu rõ là các loại RCCB chỉ có tác dụng quản lý dòng rò giữa hai dây nguồn nóng và lạnh và sẽ ngắt mạch khi có cảm ứng rò điện giữa hai nguồn này.

Nếu không có hệ thống tiếp địa tòa nhà đưa về cầu dao tổng mà chỉ lắp tiếp địa cục bộ cho từng thiết bị theo phương pháp thủ công thì RCCB sẽ không có tác dụng khi có hiện tượng rò điện ra vỏ thiết bị. Do đó, ngoài việc lắp đặt RCCB cho từng thiết bị hay cho cả hệ thống điện, thì cũng không nên bỏ qua việc nối tiếp địa cho hệ thống điện gia đình để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

An Lê

Theo Đời sống
back to top