Nội soi phế quản phát hiện ung thư phổi

Hiện có 5 phương pháp nội soi phế quản để phát hiện bệnh, trong đó mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm để phù hợp với bệnh nhân.

Nội soi phế quản bằng ánh sáng trắng: Nội soi phế quản ống mềm là phương pháp an toàn, hiệu quả cao, cho phép quan sát tình trạng niêm mạc khí phế quản, vị trí u nguyên phát, khoảng cách từ u tới carina. Do đó, giúp phân loại ung loại ung thư phổi chính xác hơn.

Nhiều nghiên cứu trong nước đã ghi nhận tổn thương khí phế quản trong ung thư phổi khi nội soi phế quản thường gặp là: Thâm nhiễm niêm mạc (13 – 42%), u sùi trong lòng phế quản (22 – 55%), chít hẹp (24 – 30%), bít tắc lòng phế quản, đè ép từ ngoài vào, cựa phế quản nề, giãn rộng, u lồi vào trong lòng phế quản, không thấy tổn thương (3 – 20%).

Qua nội soi phế quản có thể thực hiện các kỹ thuật lấy bệnh phẩm làm chẩn đoán tế bào, mô bệnh học như sinh thiết phế quản, sinh thiết xuyên thành phế quản, chải phế quản, chọc hút xuyên thành phế quản, nội soi phế quản có đầu dò siêu âm phối hợp với kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ.

Nội soi phế quản sử dụng ánh sáng huỳnh quang: So với nội soi phế quản ánh sáng trắng thì nội soi phế quản ánh sáng huỳnh quang tỏ ra có nhiều ưu điểm, nhất là có khả năng chỉ điểm vị trí chọc sinh thiết làm mô bệnh chính xác hơn.

Hiện nay, tại Bệnh viện Phổi T.Ư đang sử dụng phương pháp nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang trong chẩn đoán và sàng lọc bệnh ung thư phổi.

Sinh thiết phổi xuyên thành ngực: Với những tổn thương ở sát thành ngực, trong trung thất không tiếp cận được với những kỹ thuật khi nội soi phế quản người ta dùng kỹ thuật sinh thiết phổi xuyên thành ngực để lấy bệnh phẩm. Để xuyên qua thành ngực cần nhờ vào kim sinh thiết dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp lồng ngực hoặc siêu âm. Kỹ thuật cho kết quả khá cao với khối u nhỏ dưới 2cm, tỷ lệ chẩn đoán đạt tới 80 – 90%.

Nội soi trung thất: Đây là phương pháp được chỉ định khi nội soi phế quản và tiến hành một số kỹ thuật khác không có chẩn đoán hoặc có tổn thương ung thư nghi có xâm nhập hạch trung thất trên chụp cắt lớp lồng ngực. Kỹ thuật này chủ yếu lấy bệnh phẩm từ hạch hoặc khối u để xét nghiệm mô bệnh học. Thường các bệnh phẩm được tiến hành xét nghiệm bằng kỹ thuật chẩn đoán nhanh.

Nội soi lồng ngực: Kỹ thuật được áp dụng khi nghi ngờ ung thư phổi có xâm lấn màng phổi gây tràn dịch màng phổi. Phương pháp này góp phần đánh giá sự lan tràn của khối u trong lồng ngực và làm sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học.

TS.BS Đặng Văn Khiêm

(Trưởng khoa U bướu, Bệnh viện Phổi T.Ư)

Theo Đời sống
back to top