Nội soi “cứu”dị dạng nang tuyến phổi và lõm ngực

Lõm ngực nặng kèm dị dạng toàn bộ thùy phổi

BN Bùi Văn Q (14 tuổi, Hải Phòng) bị tức ngực, khó thở, ngực lõm sâu đi khám tại BV địa phương được chẩn đoán lõm ngực và được chuyển lên BV Nhi TƯ điều trị. Tuy nhiên, tại BV Nhi TƯ, các bác sĩ chẩn đoán BN không chỉ bị lõm ức nặng với chỉ số lõm cao (HI 3.7) mà còn bị dị dạng nang tuyến phổi (DDNTP), type 1 chiếm toàn bộ thùy dưới phải, chèn ép các thùy phổi. Để cứu chữa BN, 18 ngày các bác sĩ đã tiến hành 2 lần phẫu thuật để điều trị.

BS Tô Mạnh Tuân, Phó trưởng khoa Ngoại, BV Nhi TƯ- người trực tiếp phẫu thuật cho BN cho biết, thương tổn dạng kết hợp này rất phức tạp. Chỉ riêng lõm ức nặng đã có thể gây biến chứng nặng nề có thể tử vong chứ chưa nói đến DDNTP. Lõm ngực không chỉ gây mất thẩm mỹ: ngực biến dạng, gù vẹo cột sống mà còn khiến lồng ngực không giãn nở đủ tốt, không đủ thể tích cho phổi nở trao đổi oxy gây khó thở, thiếu khí thở, thiếu máu, giảm nồng độ oxy trong máu, tăng nồng độ axit uric…

Đặc biệt, vết lõm chèn ép vào tim sẽ khiến tim bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường, kéo theo sự xoắn vặn và kéo đẩy của mạch máu lớn, gây thiếu máu tuần hoàn, lệch tim, tim bị chèn ép gây loạn nhịp, nguy cơ tử vong cao.

Tương tự, DDNTP có thể gây ra biến chứng như áp xe phổi, tràn khí màng phổi (khi nang vỡ), thậm chí tử vong. Trường hợp BN Q., hình ảnh DDNTP lớn, chèn ép phổi lành, do vậy khi bệnh kết hợp với lõm ngực càng làm cản trở trầm trọng chức năng hô hấp của trẻ. Do tình trạng BN khá phức tạp, các bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra quyết định can thiệp DDNTP trước, trị lõm ngực sau.

Ngày 17/8, với sự hỗ trợ của robot Da Vinci-Si, sau gần 3 tiếng nội soi, tổn thương DDNTP đã được loại bỏ an toàn. BN được rút ống nội khí quản ngay sau mổ và rút dẫn lưu ngực sau 2 ngày. Ngày 6/9, BN tiếp tục mổ nâng xương ức và ra viện sau 5 ngày. Khám lại sau mổ 1 tháng, phần thương tổn phổi lành còn lại nở bình thường, hết lõm ngực.

 Nội soi “cứu”dị dạng nang tuyến phổi và lõm ngực ảnh 1

Ca phẫu thuật cho BN Q.

Phát hiện sớm + kỹ thuật tiên tiến = khỏi bệnh

BS Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi, BV Nhi TƯ cho biết, phẫu thuật tạo hình là ưu thế lớn nhất trong điều trị lõm ngực bẩm sinh. Trước đây, khi chưa có nội soi, mổ mở phải cắt dọc sụn sườn 2 bên, xương ức sẽ nâng lên được một phần nhưng khiến BN phải chịu đau dài, thời gian phục hồi vết mổ lâu.

Với nội soi chỉ cần tạo một đường hầm để luồn thanh kim loại cứng làm giá đỡ vào sau xương ức và xương sườn. Thanh kim loại này có tác dụng nâng khối xương lên, trả về vị trí cũ và định hướng cho khối xương phát triển ra ngoài mà không phát triển vào trong. Lồng ngực được giải phóng. 1 ca phẫu thuật từ 1-1,5 giờ, sau 3-4 ngày là BN hồi phục sinh hoạt bình thường.

Theo BS Tô Mạnh Tuân, với hệ thống robot Da Vinci-Si tiên tiến được trang bị bốn cánh tay thao tác thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp trong phẫu thuật như cắt, khâu vết thương, kẹp giữ, hàn nối, bơm hút CO2 … với độ chính xác cao và chỉ yêu cầu các lỗ rạch có đường kính 1 cm trên cơ thể người bệnh. Đặc biệt, nó giúp giảm thời gian phẫu thuật xuống còn một nửa, giúp hồi sức nhanh hơn, giảm nguy cơ mất máu và giảm sự đau đớn cho BN sau phẫu thuật. Đặc biệt, nó cho phép giảm nguy cơ nhiễm khuẩn xuống chỉ còn 2-3%, gần như là bằng không.

Vì vậy, theo các chuyên gia điều quan trọng là cần chú ý để phát hiện và điều trị sớm bệnh. Bởi tuy là bệnh bẩm sinh nhưng DDNTP triệu chứng giống với các bệnh lý hô hấp khác như: ho khò khè, khó thở, sốt… do đó rất dễ bị bỏ quên. Lõm ngực thể nhẹ thường đến khi trưởng thành mới thấy.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top