Nội soi “cứu” bệnh nhân u tuyến thượng thận

U tuyến thượng thận (UTTT) là bệnh nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, tinh thần mà còn khiến chất lượng cuộc sống giảm nghiêm trọng, dễ biến chứng tử vong. Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đã làm chủ kỹ thuật này, mổ cho bệnh nhân an toàn, nhanh hồi phục

Gây nhiều bệnh và dễ tử vong

Chị Nguyễn Thị Hà (42 tuổi ở Lam Sơn, Thanh Hóa) không chỉ sạm da, béo phì, trầm cảm mà sợ nhất là người luôn mệt mỏi ngất xỉu, huyết áp luôn cao uống thuốc cũng không hạ… Chị đi khám mới biết bị UTTT. Sau mổ nội soi cắt u, sức khoẻ chị hồi phục nhanh, các bệnh hết dần.

TS Trương Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, UTTT là loại u nội tiết gồm hai loại tủy và vỏ. Mỗi phần tuyến thượng thận (TTT) tiết ra các loại hormon khác nhau, có nhiệm vụ sinh lý đặc biệt, mỗi khi tiết nhiều lên hoặc ít đi sẽ gây ra các bệnh khác nhau. Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi và trở thành vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến cuộc sống.

UTTT không chỉ gây tăng huyết áp, cơ thể béo phần giữa song chân tay gầy, xuất hiện nhiều tia máu cùng gân tím; cơ thể mệt mỏi, đau phần eo lưng; rụng tóc nhiều, nổi mụn trứng cá; tắc hoặc có ít kinh nguyệt, giảm chức năng sinh dục… mà còn gây ảnh hưởng tới tính cách như dễ kích động hoặc trầm cảm kéo dài.

Đặc biệt, khi bị UTTT người bệnh sẽ gặp các cơn tăng hạ huyết áp bất ngờ, kéo dài và thuốc không có tác dụng và còn có biểu hiện khác như hạ kali máu; gặp các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh: đột quỵ não, suy tim, phổi bị phù, mắt tổn thương…

Ca phẫu thuật nội soi cắt UTTT tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa.

Nội soi ít đau tránh nhiều biến chứng

Theo TS Trương Thanh Tùng, TTT nằm trong ổ bụng, sau phúc mạc, nằm rất cao, rất sâu và ở phía trong. Là tuyến bé, dẹt: cao 2 – 5cm, rộng 3 – 5cm, nặng khoảng 6g. Do TTT nằm khuất nên điều trị khi bị u khá phức tạp. Phẫu thuật là là phương pháp hiệu quả dành cho những khối u chưa di căn, có thể cắt bỏ. Xạ trị là phương pháp hỗ trợ cho các khối u đã bị di căn, tái phát không thể phẫu thuật.

TS Trương Thanh Tùng cho biết, nội soi cắt UTTT thế giới thực hiện từ năm 1998 đã khắc phục được những nhược điểm của mổ mở kinh điển, mở ra một trang mới trong lịch sử điều trị ngoại khoa UTTT. Nội soi mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như mất ít máu, giảm đau, bệnh nhân chóng hồi phục, thời gian nằm viện ngắn, tỷ lệ tử vong thấp… và đặc biệt đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ.

Ở Việt Nam kỹ thuật này trước đây chỉ được thực hiện tại một số bệnh viện ngoại khoa lớn tuyến trung ương gồm: Việt Đức, 108, Chợ Rẫy TPHCM, 103… và mới đây nhờ chuyển giao kỹ thuật nên một số ít  bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có Thanh Hóa cũng thực hiện được.

TS Trương Thanh Tùng nhấn mạnh, UTTT là một trong những bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến nội tiết trong cơ thể gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong mổ nội soi cắt UTTT, việc bộc lộ và xử lý tốt các mạch máu, đặc biệt là tĩnh mạch thượng thận chính đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của cuộc mổ.

Các trường hợp khối u tăng sinh nhiều mạch máu hay khối u tủy thượng thận chức năng, nếu không xử lý tốt có thể gây chảy máu nhiều hay rối loạn huyết động thậm chí ngừng tim trên bàn mổ.

Bệnh nhân được gây mệ nội khí quản, có theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập. Bệnh nhân được đặt nằm nghiêng 70 – 90 độ, có thể mổ theo đường sau phúc mạc hay qua ổ bụng, với 3, 4 lỗ trocar. Thời gian mổ từ 45 – 180 phút. Sau mổ BN được được theo dõi mạch, huyết áp động mạch, nhịp thở, các chỉ số máu, sinh hóa và tình trạng dẫn lưu… Sau 3 – 4 ngày thì bệnh nhân ổn định và ra viện.

Kết quả phẫu thuật trên 21 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho thấy, lượng máu mất trung bình 60 – 250ml, không có trường hợp nào phải truyền máu do mất máu trong mổ. Bệnh nhân không gặp các biến chứng sau mổ như chảy máu rỉ rả diện phẫu tích hay từ các mạch máu thận, tuyến thượng thận, tăng huyết áp và hạ kali máu.

Vì vậy, nội soi cắt UTTT là một phẫu thuật an toàn, hiệu quả và có thể thực hiện khả thi tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên và giảm chi phí, công sức cho bệnh nhân.

Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top