Nỗi oan làng… độc dược

Bao nhiêu đời nay, dân bản Nặm Dọi xã Thông Huề (Trùng Khánh – Cao Bằng) phải chịu nỗi oan tày đình với những tên gọi: Làng độc dược, làng bỏ độc… dẫn đến những chuyện buồn mà cả làng cả bản chẳng thể gột rửa, thanh minh.

Bản Nặm Dọi từ lâu phải chịu nỗi oan bỏ độc.

Kinh hoàng trăm cách bỏ độc

Bản Nặm Dọi theo cái tên đích danh của tiếng Nùng là “thiếu nước”. Đúng như cái tên ấy, Nặm Dọi quanh năm khát nước, đến chén nước để uống cũng phải “trông trời, trông đất, trông mây”. Còn như giặt quần áo thì phải đi xa vài ba cây số ra tỉnh lộ 206 mới có chút nước bên mương lạch ven đồi.

Từ xa xưa, người Cao Bằng nói chung và Trùng Khánh nói riêng hay lưu truyền những câu chuyện kinh hoàng về Nặm Dọi. Nhưng bất ngờ, những câu chuyện ấy không liên quan gì đến việc thiếu nước đúng như cái tên của bản mà lại liên quan đến những cái chết tức tưởi của những người xấu số chẳng may bị người Nặm Dọi hãm hại.

Có câu chuyện nói rằng, một đận ở Nặm Dọi tổ chức đám cưới cho một cô gái đi lấy chồng mãi tận biên giới. Đám cưới lớn, mâm cỗ đầy, người đến dự tấp nập như hội Lồng Tồng. Thế rồi, đám cưới kết thúc, ai về nhà nấy nhưng bất hạnh xảy ra cho số đông thượng khách. Khi về đến nhà, mấy chục người lăn ra chết mà không rõ nguyên nhân.

Ở thời ấy, người ta chỉ có thể đổ lỗi cho ma gà, ma rừng bắt đi cái sức sống của người “phạm húy” đến thần rừng ma núi. Mãi sau này, qua nhiều câu chuyện, ngẫm nghĩ họ đổ lỗi cho người Nặm Dọi đã bỏ độc.

Chưa hết, nhiều người cho rằng, bản Nặm Dọi vô cùng độc ác. Mỗi năm họ phải giết được vài người bằng chất kịch độc bí truyền thì mới yên thân. Đỉnh điểm nhất là vào những năm 1990, hàng trăm người từ khắp các nơi đến Nặm Dọi về đều “ra đi” không rõ nguyên do.

Ngay ở xã Thông Huề, cũng không ít người phải chầu Diêm Vương vì chẳng may dính phải chất độc của bản Nặm Dọi. Theo như lời ông Lưu Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Thông Huề thì: “Chất độc có khả năng làm nạn nhân nhảy nhót đau đớn rồi sùn bọt mép mà chết”.

Cách giết người của bản Nặm Dọi thì khủng khiếp hơn nhiều so với truyền miệng. Có thể uống rượu hoặc nước mà chết. Người đối diện không thể biết hung thủ bỏ độc lúc nào. Thậm chí, người Nặm Dọi chỉ chạm tay vào đáy chén thì độc cũng có thể ngấm vào phía trong khiến người ngoài không thể lường trước để đề phòng.

Còn những cách thông thường như tẩm độc vào áo, vào giầy dép hay không khí thì phổ biến vô cùng. Kinh hoàng hơn nữa, là người Nặm Dọi chỉ cần nhìn người đối diện, thì nạn nhân đã dính độc chết bất đắc kỳ tử mà không có cách nào cứu vãn.

Theo giải thích của Chủ tịch UBND xã Thông Huề, ông Lưu Hồng Sơn cho hay: “Quan niệm bỏ độc liên quan đến một hủ tục mê tín chưa từng có lưu truyền trong dân gian. Rằng, người bỏ độc với một phương thuốc bí truyền một năm phải hại được vài người thì mới làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc. Còn nếu không giết được ai thì chất độc ấy sẽ quay trở lại phản chủ, nhẹ thì lợn gà trâu bò chết dần chết mòn. Nặng thì chính chủ nhân của chất độc ấy sẽ chết, và thậm chí cả gia đình mất mạng hoặc phân rã”.

Chính vì những tin đồn kinh hoàng như vậy, dù không biết rõ mức độ đến đâu, thật giả phải trái thế nào thì người ngoài bản cũng không dám đến Nặm Dọi. Và càng không có chuyện người lạ dám uống nước, thưởng rượu cùng người trong bản khi có đám hiếu hỷ…

PV thử rượu cùng dân bản.

Đối mặt với cái… chết

Khi nghe tôi nói muốn vào bản Nặm Dọi tìm hiểu vấn đề, anh bạn người bản địa dù hứa làm “hoa tiêu” cũng phải giãy nảy tỏ rõ sự cảnh giác và cả những sợ sệt. Anh bảo: “Có điên mới vào cái làng ấy. Biết đâu vào chết mất xác hay ra đến ngoài thì đã đen xương thì gia đình biết đâu mà tìm”.

Nói rồi anh lại kể hàng loạt câu chuyện và cả những nhân chứng rõ mồn một đã thiệt mạng mà anh biết. Nghe xong, tôi cũng không khỏi rợn người và định từ bỏ ý định. Nhưng rồi, chép miệng tôi mạnh dạn: “Cứ vào, không vào không biết thực hư”. Và tự động viên mình: “Nếu làng ấy bỏ độc thật thì chẳng lẽ, pháp luật không tìm đến, công an không tìm vào”.

Con đường mòn ven các vách núi vách đồi vòng vèo, uốn lượn khiến người ít quan sát khó có thể nhớ đường ra. Làng bản hiện ra trước mắt, thấp thoáng những ngôi nhà sàn bên ven đồi đang khói bếp nghi ngút. Trung tâm “lãnh địa độc dược” là nhà của ông Phùng Văn Ráy – Trưởng bản Nặm Dọi.

Ông Ráy nhìn chúng tôi vẻ lạ lùng. Khi nghe giới thiệu là phóng viên, ông Ráy bất ngờ và tỏ rõ vui mừng: “Ôi giời ơi! Bao nhiêu năm nay Nặm Dọi không có khách à”. Khi chúng tôi vào nhà, còn vài người đang ngồi gian chính của ngôi nhà sàn miệt mài uống rượu.

Rót rượu ra cốc, ông Ráy bảo: “Mời các anh chén rượu đầu xuân. Rượu này không ngon nhưng ấm và bổ”. Nói rồi, ông Ráy và cả mấy người kia nâng cốc. Anh bạn đi cùng run lẩy bẩy ghé tai tôi nói nhỏ: “Uống vào coi như kết liễu cuộc đời ở đây”. Tôi chép miệng đánh liều: “Chết thì thôi, coi như cái số”.

Hết cốc thứ nhất, đến cốc thứ hai, thứ ba, đến cốc thứ tư thì thấy một người ra ngoài lấy can rượu to hơn, thay cốc khác để mời khách. Anh bạn hoa tiêu lại ghé tai: “Lần này là chết thật. Chúng ra ngoài bỏ độc, chọn chén để tẩm chứ còn lí do gì khác đâu”. Nghe vậy, tôi cũng hơi run nhưng đành phó thác cho số phận.

Ông Phùng Văn Ráy – trưởng bản Nặm Dọi.

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Sau khi uống đã ngà ngà say, biết lúc say người ta hay nói thật nên tôi hỏi về biệt danh làng độc dược. Cuộc rượu đang vui bỗng trầm hẳn, tất cả những khuôn mặt dù già dù trẻ, dù đã đỏ gay hay tái mét đều cúi gằm xuống chiếu.

Một hồi suy tư, ông trưởng bản lên tiếng: “Bá cáo với chú, oan cho cái làng nghìn đời thuần nông chất phác này quá. Từ xửa từ xưa rồi, trong làng cũng có một người sống với bùa phép, muốn cầu tiến bằng cách bỏ độc. Nhưng quá lâu rồi, tôi cũng không nhớ, chỉ biết giờ họ không còn, lại tuyệt tử tuyệt tôn không người truyền thuốc thì lấy đâu ra bỏ độc hại người”.

Một người trong cuộc rượu lên tiếng: “Trăm năm bia miệng, cái tiếng ác này cả bản phải chịu, không cách nào rửa được. Tin đồn ác ý, một đồn mười, mười đồn trăm đến nỗi chúng tôi ra ngoài cũng bị làng khác đề phòng. Nhục không gì nói hết”.

Chị vợ trưởng bản ngồi trong buồng, nghe nói thế cũng chạy ra khẩn khoản: “Các chú có tâm, giải oan cho làng Nặm Dọi. Không giải oan được, quanh năm chúng tôi thui thủi, con cái cũng khó gả cho người ngoài. Chúng tôi coi như cô độc, chịu tiếng ác như kẻ sát nhân”.

Sau nhiều câu phỏng vấn lẫn cật vấn cũng là lúc cuộc rượu tàn. Can rượu không còn một giọt, mấy người đã ngả nghiêng, chúng tôi chỉ còn biết: Mình vẫn sống.

Ra đến cuối bản, ngơ ngác nhìn những dãy núi đẹp như tranh vẽ mà tôi ngẩn ngơ lòng. Bất chợt, một em bé chừng 7 – 8 tuổi hớt hải chạy lại, gọi với: “Cua cai chú lùm du nảy za” (Đồ đạc của chú để quên ở đây rồi – tiếng Nùng – PV). Tôi chợt nghĩ, những người dân bản thật thà lại có ác tâm bỏ độc người khác sao?

Có chi chỉ là một nỗi oan!

“Bản Nặm Dọi với 232 nhân khẩu với 100% là bà con dân tộc Nùng. Họ chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Người dân bản hiền lành chất phác, nhưng lại bị tiếng oan như những kẻ giết người”, ông Lưu Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Thông Huề.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top