'Nới lỏng một số dịch vụ ở Hà Nội là rất cấp thiết'

Một số chuyên gia kinh tế, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp cho rằng việc Hà Nội nới lỏng một số dịch vụ vào lúc này là rất cấp thiết, giúp kinh tế phục hồi, tránh đứt gãy quá lâu.

Nhiều doanh nghiệp ví von hoạt động của mình như "chiếc công tắc cứ tắt - bật liên tục", tương ứng với những đợt bùng phát của dịch Covid-19. Hiện tại, sau đợt dịch thứ tư, doanh nghiệp tại Hà Nội rơi vào tình trạng đuối sức và khó khăn chồng chất.

Lúc này, doanh nghiệp đều nóng lòng được mở cửa trở lại để kinh doanh, phục hồi, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

"Mở cửa trở lại, lượng khách sẽ giảm mạnh, nhưng điều đó còn may mắn hơn là phải tiếp tục đóng cửa, trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải trả", bà Kim Hoàn - đại diện chuỗi khách sạn A25 - nói.

Với góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng hiện nay Chính phủ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện "mục tiêu kép".

Ha Noi noi long cac dich vu anh 1

Các ngành dịch vụ được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: Đức Anh.

Cân nhắc hài hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế

Theo ông, nếu tình hình dịch bệnh tương đối ổn định có thể xem xét mở lại một số dịch vụ thiết yếu như ăn uống, nhà hàng, cắt tóc... Với một số dịch vụ, ngành nghề khác phải phụ thuộc vào sự quyết định của ngành y tế.

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định hiện nay vấn đề kiểm soát, chống dịch vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam có kiểm soát được dịch bệnh tốt mới có thể khôi phục kinh tế được. Nếu bất chấp phát triển kinh tế mà cho phép mở cửa thì rất nguy hiểm.

"Dưới góc độ kinh tế, doanh nghiệp, người kinh doanh mong muốn mở cửa càng nhanh càng tốt để phục hồi sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hoà với kiểm soát dịch bệnh, không nên cứng nhắc một chiều", vị chuyên gia phân tích.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, đánh giá Hà Nội đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Một số địa phương khác lân cận cũng nới lỏng một số dịch vụ. "Nới lỏng một số dịch vụ ở Hà Nội là rất cấp thiết trong thời điểm này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Quốc Anh nói.

Phải đánh giá tổng thể và cho phép vừa mở cửa vừa thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế.

TS.BS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Ông cũng đánh giá các cơ chế chính sách hỗ trợ từ Chính phủ chưa đạt hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, phương án cần lúc này là để các doanh nghiệp tự kinh doanh, mua bán phục hồi sản xuất, đảm bảo vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất.

TS BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho rằng phải căn cứ vào quy định hiện hành của Bộ Y tế đánh giá tổng thể nguy cơ của từng khu vực trong thành phố. Từ đó mới cho phép vừa mở cửa vừa thực hiện biện pháp 5K.

Chuyên gia trong ngành dịch tễ nhấn mạnh Hà Nội vẫn đang siết chặt các điểm nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo, dễ bùng phát Covid-19 như cơ sở y tế, khu công nghiệp, các cơ sở dịch vụ tập trung đông người trong không gian kín như massage, karaoke, gym, bar, pub…

"Ngày nào Hà Nội cũng tiến hành xét nghiệm, quét đi quét lại các điểm nhiều nguy cơ, đặc biệt là bệnh viện. Phải luôn xem đó là những điểm nguy hiểm nhất để khi dịch dường như im ắng thì vẫn phải đề phòng nhất", TS BS Phạm Quang Thái nói với Zing.

Ha Noi noi long cac dich vu anh 2

Cảnh đình trệ kinh doanh tại một tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: Đức Anh.

Có thể mở lại một số dịch vụ trong nhà

Thực tế trong 2 tuần qua, ngoại trừ ổ dịch tại huyện Đông Anh tiếp tục có ca dương tính mới, 29 quận, huyện, thị xã còn lại của Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Các ca mắc mới chủ yếu trong khu cách ly (gồm các F1 và người nhập cảnh).

Ngày 10/6, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng cho biết TP đang cân nhắc nới lỏng một số hoạt động thiết yếu.

Đối với ngành F&B, ông Hoàng Tùng, CEO chuỗi Pizza Home, cho rằng cần sớm cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại, với điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

"Đặc biệt khi được mở cửa trở lại, chủ quán ăn, nhà hàng, nhân viên và khách hàng phải tuân thủ nguyên tắc, sống chung an toàn với dịch bệnh, trong đó chú trọng thông điệp 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế", ông nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Tùng, F&B là ngành chịu nhiều thiệt hại trong các đợt giãn cách, đặc biệt là các nhà hàng chỉ phục vụ ăn tại quán. Với việc mở cửa trở lại các dịch vụ thiết yếu, nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng sẽ tăng lên. Do đó, các nhà hàng, quán ăn cần chuẩn bị sẵn sàng, đưa ra các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách hàng.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này các nhà hàng cũng cần phải chuẩn bị dịch chuyển lên môi trường trực tuyến vì hành vi mua đồ ăn này đã trở thành thói quen mới trong thời kỳ bình thường mới.

Ha Noi noi long cac dich vu anh 3

Các doanh nghiệp ở Hà Nội đều nóng lòng được mở cửa trở lại để kinh doanh, phục hồi kinh tế. Ảnh: Việt Linh.

"Nếu dịch bệnh quay trở lại, kênh bán hàng online sẽ là giúp các doanh nghiệp F&B có thể tồn tại", ông nói.

Về việc nới lỏng, cho phép hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh không thiết yếu, theo quan điểm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng việc nới lỏng không phải là cho mở cửa tất cả các loại hình.

“Có thể các loại hình kinh doanh ăn uống sẽ được ưu tiên, còn một số loại hình như karaoke, vũ trường, quán bar... có lẽ sẽ vẫn phải tạm dừng hoạt động. Các hoạt động thể dục thể thao buổi sáng, buổi chiều có thể được”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn phân tích thêm: “Ví dụ, các quán cà phê, ăn uống, cắt tóc… nếu đảm bảo đủ yếu tố giãn cách và phòng dịch, đặc biệt là diễn ra trong nhà thì sẽ được hoạt động. Các loại hình kinh doanh ở vỉa hè có thể sẽ vẫn bị cấm… đặc biệt là trà đá. Các hoạt động khác và các loại hình khác cần có thời gian đánh giá cụ thể”.

 

 

Theo zingnews.vn
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top