Nới lỏng giãn cách, nông dân Hà Nội tất bật trở lại sản xuất

Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, nông dân ngoại thành Thủ đô lập tức xuống đồng để thu hoạch lúa, rau và trồng vụ mới. Trở về trạng thái bình thường mới lúc này rất ý nghĩa rất lớn đối với nông dân các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất bởi đây là những "vựa rau", “vựa gà”, “vựa lợn” của Hà Nội...

Sáng sớm ngày 21/09/2021, những đoàn xe máy chở rau từ ngoại thành lại tấp nập đi vào nội thành ngay sau khi chốt kiểm soát trên đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn qua huyện Hoài Đức được dỡ bỏ.

THƯƠNG LÁI TÁI HOẠT ĐỘNG, NÔNG DÂN TẤT BẬT RA RUỘNG

Ông Ba ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, là một thương lái buôn rau đã nhiều năm, cho biết đã phải tạm ngừng công việc 2 tháng nay. Thông thường, cứ chiều hàng ngày, ông Ba ra ruộng thu mua rau của bà con nông dân, rồi 5 giờ sáng hôm sau chất đầy 2 sọt chứa khoảng 150 kg rau lên xe máy, chở ra bán buôn cho những người bán rau ở một số chợ nội thành Hà Nội.

Từ khi Hà Nội thực hiện chỉ thị 16 giãn cách xã hội, chỉ những xe ô tô tải của các hợp tác xã hoặc những đơn vị kinh doanh lớn, có giấy phép luồng xanh mới được chở rau qua các chốt kiểm soát.

Những người buôn rau quy mô nhỏ chở hàng bằng xe máy như ông Ba không thể vận chuyển hàng ra nội thành, vì vậy ông đành tạm nghỉ ở nhà. Sáng nay, nghe tin các chốt kiểm soát đã dỡ bỏ, nên ông Ba tiếp tục hoạt động thu mua, vận chuyển rau.

Tại huyện Hoài Đức, các xã Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế, Minh Khai, Vân Canh là những địa bàn trọng điểm sản xuất rau ăn lá các loại, đậu đũa, mướp ngọt, mướp đắng, ngô, cà tím, cà xanh... nhiều bà con nông dân lại tất bật xuống đồng.

Trong hai tháng giãn cách vừa qua, nhiều hộ nông dân phải “ngậm đắng, nuốt cay” bỏ không rau củ ngoài đồng mặc cho sâu bệnh phá hoại. 

Trên đường, một số hộ đang cân, bán mướp đắng, cà tím, cải bắp… cho thương lái. Nông dân ở đây cho hay, sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách đã có rất nhiều thương lái đến thu mua rau.

Bà Vương Thị Sửu ở thôn 1, xã Song Phương cho biết gia đình trồng mướp ngọt, mướp đắng, cải bắp trên diện tích gần 5 sào. Hiện gia đình có 2 sào mướp đăng đang thu hoạch và 2 bắp cải đang sắp đến vụ thu hoạch. Bà Sửu hy vọng, trong thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát, để gia đình bà bán rau đươc thuận lợi.

Thời gian vừa qua, việc thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch ít nhiều đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân, đặc biệt với bà con đang phải chật vật tiêu thụ nông sản. Vì vậy, nhiều vùng sản xuất Hà Nội đang diễn ra tình trạng ùn ứ nông sản, giá giảm.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, sản lượng rau, củ, quả toàn huyện đạt khoảng 50 tấn/ngày, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, mỗi ngày có khoảng 35 tấn rau được các hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua vận chuyển tiêu thụ bằng xe ô tô tải, còn lại dư thừa khoảng 10-15 tấn rau, củ mỗi ngày không kịp tiêu thụ.

Nay với việc Thành phố nới lỏng giãn cách trở về bình thường mới, hoạt động tiêu thụ rau trên địa bàn sẽ sớm ổn định trở lại.

Anh Lợi ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức đang chuẩn bị chuồng trại để nuôi lứa gà mới. Anh Lợi chia sẻ lứa gà vừa rồi giá bán giảm sâu, phải “vật nài” thương lái mới bán được. Sau khi bán được 2.000 con gà, anh Lợi lỗ mất 30 triệu đồng. Chán nản anh để trống chuồng gần 1 tháng nay, định sẽ không nuôi gà nữa, bởi lo sợ dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài sẽ không thể tiêu thụ được sản phẩm.

Nay thành phố đã khống chế được dịch, sinh hoạt của người dân được trở lại bình thường, nên anh sẽ nuôi lứa gà trống dự định xuất chuồng vào dịp Tết, hy vọng sẽ được giá bán cao.

TẬP TRUNG SẢN XUẤT PHỤC VỤ TẾT NHÂM DẦN

Việc UBND TP. Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND đúng thời điểm các huyện ngoại thành đang thu hoạch lúa mùa, khiến nông dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, cho biết năm nay nông dân huyện Phúc Thọ thu hoạch lúa sớm hơn so với nhiều địa bàn khác, từ 4/9 đến hết 5/10 sẽ thu hoạch xong.

Để giúp nông dân thu hoạch lúa kịp thời, huyện Phúc Thọ bố trí gần 60 máy gặt đập liên hợp và giao cho các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức khâu dịch vụ, điều tiết máy gặt theo các nhóm hộ gia đình và từng xứ đồng.

Huyện đã giao UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, các trưởng thôn theo dõi từng khu vực để điều tiết máy gặt. Các hộ dân đăng ký ngày gặt với hợp tác xã và sẽ được phát phiếu, bảo đảm dưới 10 người có mặt tại thửa ruộng và thực hiện các quy định phòng dịch.

Ông Sơn cho biết thêm nhiều địa bàn bố trí mỗi cánh đồng một chốt kiểm tra y tế và tăng cường lực lượng dân quân sẵn sàng hỗ trợ nông dân thu hoạch trong trường hợp cần thiết.. 

Tại hội nghị chỉ đạo sản xuất của TP Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu: Để bảo đảm nông sản phục vụ tiêu dùng trên địa bàn TP, đặc biệt nhu cầu sẽ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thực hiện "mục tiêu kép" từng bước vừa sản xuất, vừa phòng dịch trong điều kiện mới, các địa phương cần tích cực, trách nhiệm trong tổ chức cho nông dân thu hoạch lúa, rau.

Đồng thời hỗ trợ các điều kiện về giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi để nông dân tái sản xuất vụ mới.

Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn, nông nghiệp Hà Nội tiếp tục giữ được sự ổn định trong 8 tháng vừa qua.

Hiện nông dân các địa phương đang vào vụ thu hoạch rộ lúa mùa, hứa hẹn bội thu... Nông dân chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Đông Xuân với những loại rau màu, chăn nuôi lợn, gà để xuất chuồng phục vụ Tết nguyên Đán Nhâm Dần 2022.

Diện tích rau màu các loại đạt 28.454ha, với sản lượng khoảng 520.000 tấn. Cây lâu năm hiện có 23.160ha, riêng diện tích cây ăn quả đạt 19.391 ha. Chăn nuôi trâu, bò không phát sinh dịch bệnh lớn xảy ra. So với cùng kỳ năm 2020, đàn trâu tăng 8,4%; đàn bò tăng 0,6%...

Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, ngành Nông nghiệp nỗ lực phòng, chống ngập úng, giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả; chủ động vận hành tối đa các công trình tiêu thoát nước hợp lý trong hệ thống thủy lợi, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, yêu cầu ngành nông nghiệp thủ đô cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng. Rà soát phương án phòng, chống dịch bệnh, hướng tới chăn nuôi quy mô lớn, an toàn.

Đối với phòng, chống lụt bão, úng ngập, ngành Nông nghiệp phải rà soát lại toàn bộ phương án phòng, chống lụt bão, úng ngập, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả các quận; chủ động dự báo, nắm bắt tình hình mưa bão để không bị động, tránh thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi.

Theo vneconomy.vn
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top