Nơi đạo sĩ luyện đơn

Người đặt nền móng Quân y Việt Nam:

Kỳ 4: Nơi đạo sĩ luyện đơn

Chùa Đa Sỹ, xã Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) xưa kia là quán Dương Lâm, nơi các đạo sĩ tu đạo và luyện linh đơn trường sinh bất lão. Quán ấy nay vẫn còn khá nguyên vẹn bên miếu thờ Hoàng Đôn Hòa, ông Tổ thuốc Nam cuối thế kỷ XVI.

Đất lành dựng quán

Đa Sỹ, nơi sinh ra và lớn lên của danh y Hoàng Đôn Hòa. Làng xưa có tên gọi Huyền Khê, tức Bến Thuốc là nơi hợp lại của ba làng cổ: Ngô, Hoa, Sẽ. Các câu chuyện truyền miệng ở Đa Sỹ đều cho rằng, nơi đây đất lành phát khoa danh sinh ra 11 tiến sĩ với 1 trạng nguyên lưỡng quốc.

Nơi đạo sĩ luyện đơn ảnh 1
Tam quan Lâm Dương Quán tại Đa Sỹ.

Theo các nhà khoa học phong thủy, ở phía Nam làng Đa Sỹ có thế “tam quan cập đệ, tứ trụ thủy lưu”, tức ba nguồn ánh sáng bất diệt với bốn cột nước thiên nhiên đổ về. Có thể bởi thế đất đẹp nên các đạo sĩ của đạo Lão đã chọn nơi đây dựng quán tu luyện.

Theo khảo sát của chúng tôi, đất Hà Tây cũ có đến tám quán được dựng, gồm: Hưng Thánh quán (Thường Tín), Lão Quân, Linh Tiên, Viên Dương quán (Hoài Đức), Hội Linh, Đỗ Động quán (Thanh Oai), Yên Nhân quán (Chương Mỹ) và Lâm Dương quán ở Đa Sỹ bây giờ.

Theo nhà nghiên cứu Nhã Long, đạo Lão còn gọi là đạo giáo lấy Lão Tử làm giáo chủ, lấy học thuyết âm – dương làm cơ sở. Đạo giáo là tôn giáo về sự sống, ước ao sống mãi không già. Trong sự phổ biến sâu rộng pháp thuật thần tiên ấy, thuốc tiên và linh đơn là hai thứ luôn được mọi người chú ý.

Lâm Dương quán không chỉ là trụ sở tôn giáo để các giáo sĩ đạo Lão tu luyện pháp thuật, đó còn là nơi họ luyện đơn với mong muốn trường sinh bất lão. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, rất có thể danh y Hoàng Đôn Hòa từ khi ra đời đã chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng của các đạo sĩ Lâm Dương quán.

“Theo y học hiện đại, những quy tắc tu dưỡng trong cuộc sống thường ngày của đạo giáo phần lớn rất phù hợp với tâm sinh lý con người, có lợi cho sự khỏe mạnh của thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, các phương pháp ấy lại khoác lên mình cái vỏ tôn giáo nên rất thần bí khiến nhiều người nghĩ rằng, các phương pháp ấy chỉ là huyễn hoặc”, ông Nhã Long cho biết.

Độc đáo quán Dương Lâm

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ danh y Hoàng Đôn Hòa cho hay: Vào đầu năm Chính Hòa nguyên niên 1680, quán Lâm Dương được gọi là chùa, nên hệ thống tượng thờ có cả tượng Phật và tượng Thánh. Mở đầu bàn thờ chính là bộ tượng Tam thánh gồm Nguyên Thủy tiên tôn ở giữa, Lĩnh Bảo Đạo quân bên trái và Thái Thượng Lão Quân bên phải.

Cả ba pho tượng đều giống người thật, mặt hơi dài, mắt mở to tự nhiên, tóc búi, áo mặc nhiều lớp, có cánh tay thụng. Tượng thể hiện con người nhàn tản vô lo. Bệ tượng hình vuông chia ba lớp, lớp giữa thót lại, trên mặt đứng của thành bệ được chạm nổi mây cụm, lá sồi và những lá đề chứa trong lòng cây “Thiên mệnh”.

“Hoàng Đôn Hòa trước hết là một nhà nho, đỗ tam trường (Giám sinh) lại tham gia vào đạo quán. Phối trộn giữa hai dòng tư tưởng, ông đã rút ra những tinh túy trong việc trị bệnh cứu người và phổ biến phép dưỡng sinh đẩy lùi tật bệnh, cuốn “hoạt nhân toát yếu” đã chứng minh rất rõ điều này”, nhà nghiên cứu Nhã Long.

Nơi đạo sĩ luyện đơn ảnh 2
Gần Lâm Dương Quán, sát con sông lớn là Bến Thuốc xưa.

Ở hai gian bên trái và phải có hai pho tượng Quan Âm tọa sơn, đội mũ thiên quan có những hoa nổi khối, áo buông dài, chảy… được chạm kênh bong với nhiều nét điển hình. Hai bên còn có hai tượng Lão Đam và Ngũ Nhạc, những tượng này mang hình thức võ tướng, ngồi buông thõng, đầu đội mũ, chân đi hài được thể hiện liền bệ, chạm nổi hoa văn xoắn như tượng Tam Thánh.

Ngoài ra còn có nhiều tượng hậu ghi nhớ những người có công tôn tạo. Quán Lâm Dương đã có mặt ở Đa Sỹ ít nhất từ rất lâu đời. Cổng tam quan cao 10m có bốn cột đồng trụ, cửa xây cuốn vòm với ba lớp mái đao cong. Bái đường 5 gian theo lối kết hợp giá chiêng chồng giường con nhị không có hoa văn trang trí.

Bên trong có cửa võng, chạm thủng kênh bong, rồng chầu mặt nguyệt, hoa phù dung, hoa lựu, mẫu đơn… đường nét mềm mại, ngoài ra còn có nhà Tổ, nhà Điện, Tả vu, Hữu vu, nhà bếp tạo thành một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh khép kín, u tịch dưới những tán cây già cỗi.

Đạo sĩ luyện đơn

Theo tiến sĩ Hoàng Thế Xương, thì từ năm 2006 và trước đó nữa, nhiều nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu các tài liệu lịch sử và tài liệu thuốc của danh y Hoàng Đôn Hòa. Có một điều không ai có thể phủ nhận được, là thời kỳ ấy là buổi cực thịnh của đạo giáo. Tư tưởng đạo giáo ngấm sâu đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt tác động mạnh đến các lương y đương thời.

 “Một trong những bản sắc phong các triều vua về sau có viết về Hoàng Đôn Hòa, chứng tỏ ông cũng là một đạo sĩ: Người thầy thuốc của cả nước… người thầy thuốc can thiệp được với tạo hóa, chen dự vào cõi bí huyền, điều hòa nguyên khí cho đời sống lâu, một trong những thuật tu dưỡng của Đạo gia”, tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ danh y Hoàng Đôn Hòa.

Nơi đạo sĩ luyện đơn ảnh 3
Lâm Dương Quán là nơi các đạo sĩ tu luyện.

Nhiều đạo quán ở nước ta quy tụ các đạo sĩ, nho gia đến tu tập. Tuy nhiên, hầu hết người đời nay cho rằng, các đạo sĩ đều hướng đến trường sinh bất lão nên chăm chăm vào việc luyện linh đơn, mong tìm một loại thuốc giúp người trẻ mãi không già.

Vấn đề này, tiến sĩ Xương cho rằng: Ở các tài liệu tại Lâm Dương quán cũng nói đến. Nhưng không phải luyện đơn theo kiểu tìm ra thuốc trường sinh. Thực chất, những đạo sĩ thực hiện theo lý Đạo thì phải luyện kim đơn, để gom Tam Bửu: Tinh, Khí, Thần về một, tức là Tinh Khí Thần hiệp nhất. Họ thanh luyện để xả hết, hòa vào hư không, tức là trở về hiệp nhất với Đạo.

Luyện kim đơn là luyện cho thành Thánh thai (tức Anh nhi, Xá lợi), chứ không phải luyện thuốc tiên, trường sinh bất tử. Luyện cho cái tính trở thành kim cang bất hoại, gặp động không loạn, nhập trần không nhiễm, định mà không chết cứng, đi đứng nằm ngồi mà như không đi đứng nằm ngồi, thuyết giảng đạo pháp mà như không thuyết giảng, tức như thế là nhập vào lý vô vi.

Trong cuốn “Hoạt nhân toát yếu”, danh y Hoàng Đôn Hòa đã đề cập khá rõ các phép dưỡng sinh giúp thân thể khỏe mạnh. Còn hơn 300 bài thuốc, cũng không có phương dược nào là linh đơn huyền diệu giúp cải lão hoàn đồng.

“Khu vực Lâm Dương quán và miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa bây giờ, xưa chính là vườn thuốc, cạnh đó là bến thuốc. Chứng tỏ rằng, việc chế tác ra các bài thuốc chữa bệnh là có thật, và việc buôn bán thuốc cũng đã được thể hiện. Còn linh đơn ở đây chính là việc tu luyện thân thể để phòng tránh bệnh tật”, ông Xương cho hay.

Lâm Dương quán là một trong những hội quán lớn của đạo giáo. Có thể ở đây quy tụ rất nhiều đạo sĩ, hàng ngày họ đều tu luyện cho cơ thể khỏe mạnh. Từ những tư tưởng và hành động đó, có thể đã giúp Hoàng Đôn Hòa có được phép dưỡng sinh hiệu quả trong việc giúp người dân và binh sĩ trong quân đội nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật theo quan niệm của đạo giáo.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top