Nợ xấu tăng, Sacombank tăng trích lập dự phòng khiến lợi nhuận giảm trong 6 tháng đầu năm

(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020. Thu nhập từ lãi tăng, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.129 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Tình hình hoạt động của Sacombank trong quý 2/2020 đã có nhiều khởi sắc hơn, ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 12% so với quý 2/2019. Tuy nhiên, mức tăng đó không đủ lớn để kéo lợi nhuận trong cả 6 tháng vượt mức năm trước.

Tính đến hết tháng 6, thu nhập thuần từ lãi của Sacombank tăng 22% (tương ứng tăng 997 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng mang về cho ngân hàng khoản thu khá lớn, lên tới 398 tỷ đồng, tăng 81%.

Không may mắn là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận mức lỗ 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lãi 25 tỷ đồng. Doanh thu từ các hoạt động khác cũng giảm sâu tới 75%, chỉ đạt 181 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sacombank tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 50% so với năm ngoái, lên đến hơn 1.565 tỷ đồng. Theo giải trình của Sacombank, mức tăng này chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản tín dụng, Repo, VAMC thuộc Đề án tái cơ cấu. Do đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Sacombank bị giảm 2 - 2,2% so với quý 2/2019.

Với kế hoạch lãi sau thuế là 2.573 tỷ đồng trong năm 2020, Sacombank đã đạt được 44% chỉ tiêu sau nửa chặng đường. Sức ép tăng lợi nhuận sẽ dồn nặng hơn vào nửa cuối năm.

Sau 6 tháng, tổng tài sản của Sacombank tăng nhẹ 6,2%, ước đạt 481.898 tỷ đồng. Nguồn tăng chủ yếu đến từ cho vay khách hàng đạt 310.695 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng là 5%.

Tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng tín dụng, nợ xấu cũng tăng 17% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,9% lên 2,2%. Trong đó, nợ nhóm 3 là nợ cần chú ý tăng gấp 3 lần. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng lần lượt là 31% và 5%. Tuy nợ có khả năng mất vốn tăng không nhiều, nhưng vẫn chiếm số lớn (79%) trong tổng nợ xấu, với 5.288 tỷ đồng.

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của Sacombank trong kỳ là 0,07%, khá thấp so với các ngân hàng cùng quy mô vốn. (ROAA của ngân hàng ACB là 0,4%, MB là 0,42%)

Về nguồn vốn, huy động vốn từ tiền gửi của khách hàng tăng 6,3% so với đầu năm, lên mức 426.236 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 16%.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) là 1,25% cũng thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung trong kỳ này (4 - 5%).

Theo Đời sống
back to top