Ninh vương Mạc Phúc Tư

Ninh vương Mạc Phúc Tư là một trong những thân vương giữ trọng trách cao trong triều đình nhà Mạc. Ông cũng là người đã thi hành tốt chính sách “tông tử duy thành” của người xưa.

Khu vực thành Dền (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Làm quan đầu triều một thời

Ninh vương Mạc Phúc Tư, thụy hiệu là Phúc Triệu, con thứ hai của hoàng đế Mạc Thái Tông Đăng Doanh và hoàng hậu Đậu Thị Giang.

Ninh vương Mạc Phúc Tư sinh năm Giáp Thân (1524) tại Tam Giang, nơi thân phụ trị nhậm. Vương xuất thân ở một dòng họ nổi tiếng gốc làng Lũng Động, huyện Chí Linh, có nhiều người học rộng tài cao, lừng danh trong lịch sử nước nhà như Mạc Thiên Tích, Mạc Đĩnh Chi.

Hơn 20 năm, anh em, cha con hết lòng phò tá các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng, nhưng vua Chiêu Tông ươn hèn, ngu tối theo lời xúc xiểm của bọn gian thần định hãm hại, nên tổ phụ được sự đồng tình của nhiều triều thần danh tiếng, được nhân dân quy phục đã phế truất Lê Cung Hoàng rồi lên ngôi Hoàng đế, vãn hồi thanh bình, thịnh trị.

Những năm Minh Đức (1527- 1530), Đại Chính (1530- 1540) triều Mạc, đất nước yên hàn, nhân dân yên đủ.

Tuổi niên thiếu của Ninh vương ở vào thời kỳ hưng thịnh của vương triều Mạc, nên được hưởng sự giáo huấn đầy đủ. Vương hiếu học, tư chất khoan hòa.

Ngày 25 tháng giêng năm Canh Tý (1540) vua cha băng hà, Hoàng huynh là thái tử Mạc Phúc Hải lên làm vua, tức vua Hiến Tông nhà Mạc.

Khi lên ngôi, nhà vua đã phong tước Ninh vương cho Hoàng đệ Mạc Phúc Tư. Sau đó trao cho Vương chức Thái tể.

Làm quan đầu triều một thời gian, Vương ra sức chỉnh đốn hai ban văn võ, điều hòa phương lược để lo cho yên dân, củng cố cơ nghiệp tổ tông.

Tháng 8 năm Ất Tỵ (1545), vâng mệnh vua anh, Ninh vương thân làm tướng chỉ huy quân 5 phủ đô đốc và các trấn đánh vào hành doanh của Lê Trang Tông Duy Ninh ở hạt Yên Mô (Ninh Bình).

Khi đội quân đến sông Phù Chẩn, đội tiên phong do chủ quan khinh địch nên bị phục quân của Lê Trang Tông và cánh quân do Trịnh Kiểm chỉ huy vây đánh.

Trận này nhà Mạc thất bại, Ninh vương thấy chưa thể đánh được liền rút quân về. Sau đó, thấy người em kế mình là Khiêm vương Kính Điển có tài, Ninh vương rất lấy làm mừng.

Trấn thủ vùng Hải Đông

Tháng 5 năm Bính Ngọ (1546), vua anh băng hà, họ tôn thất và triều thần suy tôn Thái tử Mạc Phúc Nguyên lên ngôi báu. Lúc ấy Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi cùng Hoàng vương Mạc Chính Trung, Định vương Mạc Phúc Sơn gây biến rồi rút về chiếm cứ vùng đất Yên Quảng.

Nhà Minh có ý lợi dụng việc này, Ninh vương xin chức Phụ chính đại thần cho Khiêm vương Kính Điển và xin đi trấn thủ vùng Hải Đông.

Khi ra trấn thủ vùng quan ải này, Ninh vương ra sức vỗ về dân chúng, tướng sĩ… Ninh vương đốc thúc đắp đê từ làng Định Vũ qua Đạo Tú đến hồ Quy, đào sông, khai ngòi, khai khẩn đất hoang, trồng cây gây rừng, khuyến khích nghề đánh bắt cá, mở chợ Chanh ở Yên Quảng an cư lạc nghiệp. Những đê, bãi, rừng nhà Mạc ở trong hạt do Ninh vương gây dựng ngày nay vẫn còn dấu tích.

Ninh vương cũng xây dựng nhiều thành quách, đồn trại, nơi luyện quân thủy, quân bộ như thành Dền hay thành Thạch Bích ở núi Thiểm Khê (xã Liên Khê, Thủy Nguyên ngày nay), đồn Xích Thể ở huyện Hoành Bồ, đồn Thư Cung ở huyện Cẩm Phả, thành Đồn ở bờ sông Chanh.

Do vậy, mà xứ Hải Đông trở thành phên dậu vững chắc của vương triều. Suốt mấy chục năm quân Lê – Trịnh không lấy lại được xứ Hải Đông. Ninh vương là người đã thi hành tốt chính sách “tông tử duy thành” (người tôn thất như bức thành bảo vệ triều đình) của người xưa.

(còn nữa)

Tuấn Đạt

Theo Đời sống
back to top