Những thứ bị bỏ lại

Những thứ bị bỏ lại vì căn nhà mới không có chỗ cho những đồ vật cũ, dù nó là kỷ niệm của một thời. Có lẽ vì thế mà cuộc sống hiện đại khiến con người ta sống ít tình cảm hơn.

Hình minh họa.

Bạn chuyển về nhà mới, đồ đạc sắm mới hoàn toàn, từ bàn ghế, giường tủ, chăn đệm, đến nồi niêu xoong chảo, bát đĩa, cốc chén… cũng đều mua lại hết. Toàn bộ đồ dùng cũ để lại nhà cũ. Về nhà mới chỉ xách va li quần áo sang là xong, nhẹ tênh. Sướng thật!

Tôi thì tiếc cái bộ bát đĩa lũ chúng tôi hì hục sang tận bên Bát Tràng chọn mua với bao tâm huyết rồi lặn lội mang về tặng bạn nhân dịp dọn về nhà mới (mà bây giờ đã thành nhà cũ rồi ấy) thế là cũng chung số phận với những đồ bị bỏ lại.

Rồi lại tự an ủi, phải biết bỏ lại chứ nếu cái gì cũng tiếc, cũng muốn mang theo thì biết để vào đâu, chất vào đâu. Nhà mới, cái gì cũng đã có thiết kế sẵn, đồng bộ hết cả rồi, đồ cũ có mang sang thì cũng đến cất vào kho.

Biết thế nhưng vẫn thấy áy náy. Con người ta đâu chỉ sống với hiện tại, với những tiện nghi mà còn với kỷ niệm. Đồ đạc đâu phải những thứ vô tri vô giác mà cũng có tình cảm một khi mình đã có thời gian gắn bó với chúng.

Cái giường cũ gắn với hình ảnh đứa con đầu lòng bám thành giường tập đi, bàn ghế lem những vết mực con nhiệt tình bôi vẽ, cái tủ sách có dấu đo chiều cao của con, từng tháng, từng năm, cái vung nồi bị méo một chỗ vì lần đầu rửa bát con làm rơi…

Cái bàn ăn kiểu Nhật kia là của hai đứa bạn thân tặng, làm sao quên được hình ảnh hai đứa chúng nó một hôm trời nắng đèo nhau chở đến cho bạn vì vừa xin được của một nhà khác, thấy hợp với nhà bạn.

Cái giá sách kia là công trình của một người bạn khác, hì hục đóng tặng lúc mới cưới… Mỗi một đồ vật đều gợi nhớ đến những ngày đã qua, những kỷ niệm đã qua. Vứt bỏ chúng là vứt bỏ những kỷ niệm.

Thế nhưng khi phải lựa chọn, người ta vẫn sẵn sàng vứt bỏ những đồ đạc cũ. Một căn hộ hiện đại không có chỗ cho bộ bàn ghế đầy vết mực, cho cái giá sách tự đóng kia…

Và người tặng cũng chẳng ai nỡ trách, chẳng ai nỡ giận, chỉ mừng cho bạn. Có điều kiện về kinh tế thì mới thay đổi được như thế.

Nhưng cùng với nó ta phải học cách bớt đa cảm đi, bớt gắn bó, bớt yêu thương… Có lẽ vì thế mà cuộc sống hiện đại khiến con người ta sống ít tình cảm hơn. Đó cũng là một thứ mất mát.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top