Những thói quen tưởng tốt mà có hại của người Việt, kỳ 3: Túi tiền thành ổ vi khuẩn

Thói quen tiết kiệm “năng nhặt chặt bị”, trong nhà luôn phải tích trữ một khoản nào đó phòng khi ốm đau bệnh tật, công to việc lớn… khiến người Việt thường tích trữ tiền mặt. Thói quen tích trữ tiền mặt là một trong những nguyên nhân lây lan nhiều loại vi khuẩn truyền nhiễm.

Năng nhặt, chặt bị

Người Việt có đặc điểm sống tằn tiện, mọi khoản chi tiêu đều được tiết kiệm một cách tối đa để tích trữ được càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng yên tâm. Theo lý giải của GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, thói quen này cũng lại xuất phát từ điều kiện sống khốn khó, bấp bênh, đời sống dựa vào nông nghiệp trong khi đó được mùa hay mất mùa lại do ông Trời.

Vì thế mà phải làm sao để “bóp mồm bóp miệng”, tích lũy được nhiều nhất để yên tâm với những biến cố có thể xảy ra. Với quan niệm “miệng ăn núi lở”, ăn tiêu thì bao nhiêu cũng sẽ hết nhưng “tích tiểu thành đại”, “năng nhặt chặt bị”, nên muốn có cuộc sống khấm khá hơn, muốn con cháu mình có chút vốn liếng, tài sản để thay đổi cuộc sống khốn khó đó thì phải tiết kiệm và ra sức tiết kiệm.

Thế là, bất cứ có một khoản gì phát sinh như bán được chục trứng, con gà, mớ rau, người ta đều cất tiền thật kỹ vào túi. Ăn là hết, để là còn, tiết kiệm được thì mới khá được. GS.TS Trần Văn Bính cho biết, trước đây khi dùng tiền xu thì các cụ thường có cái ruột tượng để đựng tiền.

Ruột tượng thường được buộc quanh cạp quần, khi ngủ thì tháo ra để cạnh gối. Sau này dùng tiền giấy thì mỗi người có một cái bị, các bà các cô thường kẹp chiếc bị vào cạp quần khi đi chợ. Có người để chắc chắn hơn thì cài vào khuy áo rồi nhét bị tiền vào trong áo. Khi tích lũy được một khoản gọi là kha khá, các bà lại ngồi đếm và cất vào hòm, rương.

Thói quen này đem lại nhiều mặt tích cực. Vào những đợt giáp hạt hay mất mùa, số tích trữ này đủ để nuôi sống cả gia đình vượt qua cái đận đói kém đó.

Tuy nhiên, theo phân tích của GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thói quen tiết kiệm này khác nhau giữa hai miền Nam, Bắc.

Người miền Bắc gặt lúa về thường phơi khô rồi cho vào chum cất kỹ, đến khi đói kém lấy ra ăn dần hoặc có việc gì cần thì bán đi. Còn người miền Nam thường bán lúa tại ruộng, không lo xa và tính toán đến các rủi ro trong cuộc sống có thể gặp phải như người miền Bắc.

Tư duy nông nghiệp

Coi trọng sự ổn định, ưu tiên sự chắc chắn hơn là đầu tư mạo hiểm hay tạo ra các bước đột phá, đó là đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở những người dân sống trong nền văn minh nông nghiệp, người ta gọi đó là tư duy nông nghiệp. Bởi thế mà GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, tư duy đó khiến nhiều người không tin vào ngân hàng, cho rằng tiền trong tay mình là chắc chắn nhất.

Cũng bởi tư duy đó mà nhiều người không nghĩ đến chuyện đầu tư để sinh lời, không biết cách sử dụng đồng tiền “đẻ” ra đồng tiền. Thế nên mới có chuyện có bà con vùng dân tộc thiểu số được vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, nhưng tiền đem về chẳng biết làm gì, thế là giắt lên mái nhà.

Còn không đem gửi ngân hàng vì sợ mất, sợ ngân hàng mà phá sản thì mình cũng trôi theo. Có tiền thì cất giữ, nhiều tiền thì mua vàng. Không có tủ để thì đào đất mà chôn. Tư duy này, tâm lý này phản ánh trình độ kinh tế của xã hội kém phát triển.

Ngày nay, kinh tế, văn hóa phát triển, thói quen này đã được thay đổi rất nhiều nhưng thói quen chi tiêu của người Việt vẫn có những đặc điểm riêng. Do cấu trúc nền kinh tế quy định nên thói quen chi tiêu bằng thẻ vẫn còn xa lạ, các hoạt động buôn bán, kinh doanh đều sử dụng tiền mặt. Việc tích trữ tiền mặt trong túi vẫn là thói quen chưa thể bỏ.

Bàn về góc độ vệ sinh của tiền mặt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho rằng, đồng tiền được lưu thông ở nhiều môi trường khác nhau nên chắc chăn sẽ bám bẩn. Hơn nữa, điều kiện khí hậu nóng ẩm của nước ta cũng là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn có thể truyền nhiễm và lây lan.

Tuy nhiên con người vốn có sức đề kháng, đồng tiền dù có mệnh giá thấp cũng vẫn được nâng niu, trân trọng, con người dù có bị nhiễm virut, cảm cúm sụt sịt rồi sẽ khỏi, nên không nhiều người quan tâm để ý đến vấn đề này.

“Có những người để đầy tiền lẻ trong những chiếc túi đến vài năm cáu bẩn đen kịt mà vẫn dùng. Thói quen xuê xoa, đại khái, không để ý đến những thứ tiểu tiết khiến người ta không quan tâm nhiều đến vấn đề sức khỏe, trừ khi mắc phải bệnh nan y. Có lẽ bởi không ai chết vì tích trữ tiền hay chết vì tiếp xúc nhiều với tiền, đếm tiền… nên điều này mặc nhiên không ai để ý”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

Tiền nào cũng bẩn

Đồng tiền có đặc điểm là lưu thông, truyền qua tay nhiều người nên tiền càng cũ càng bẩn, tiền có mệnh giá càng nhỏ càng có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cao. TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm trước đây đã từng có một khảo sát về mức độ bẩn của tiền lẻ.

Nhóm nghiên cứu đã lấy tiền lẻ của những người bán hàng ăn đường phố (2.000 đồng trở xuống), 30 mẫu tại Hà Nội và 30 mẫu tại TP HCM để đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, xấp xỉ 100% số mẫu tiền này bị nhiễm khuẩn E.Coli.

Cụ thể, tiền lẻ, mệnh giá 500, 1.000, 2.000 đồng có tỷ lệ nhiễm khuẩn 100%, còn các tiền mệnh giá cao hơn thì tỷ lệ nhiễm khuẩn thấp hơn một chút. Đây là vi khuẩn đường ruột có trong phân, gây nguy cơ tiêu chảy, tả, lị, thương hàn rất cao.

Khi tiền nhiễm khuẩn chuyển từ tay người bán sang tay người mua, đặc biệt nếu người bán hàng dùng tay nhiễm vi khuẩn E.Coli để bốc thức ăn thì khách hàng có nguy cơ bị tiêu chảy là rất lớn, thậm chí theo cấp số nhân.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bản thân tiền mặt đã không vệ sinh như thế, mà lại được cất giữ kín, nhiều khi còn lấy ra đếm đi đếm lại… là rất mất vệ sinh. Nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn lớn, nhưng có lẽ không ai “đổ tội” cho tiền mặt nếu mình chẳng may bị tiêu chảy mà thường tìm nguyên nhân ở các đối tượng khác. Bởi thế, những vi khuẩn ẩn náu trên tiền mặt được coi là vi khuẩn ẩn danh, người tiếp xúc với tiền luôn có nguy cơ nhiễm bệnh.

Rất khó để thay đổi thói quen này vì nó không phụ thuộc hoàn toàn vào người cất giữ tiền mà còn do tính chất của nền kinh tế quy định. Khi các giao dịch buôn bán đều thực hiện bằng tiền mặt thì việc phải tiếp xúc với tiền mặt hoặc tích trữ tiền mặt là khó tránh khỏi.

Để bảo vệ sức khỏe của mình, các chuyên gia khuyên nên rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với tiền, tránh cất giữ nhiều tiền mặt trong nhà. Nếu có tiền để tích trữ thì có thể gửi ngân hàng, đầu tư bằng các kênh khác sinh lời, hoặc mua vàng tích trữ để có độ an toàn cao.

Theo các chuyên gia, chợ là môi trường khiến cho đồng tiền dễ bị nhiễm bẩn nhất. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho số lượng tiền nát, bẩn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt với các tờ mệnh giá thấp. Khi sản xuất tiền polymer, người ta đã nghiên cứu kỹ môi trường, khí hậu đặc trưng nhưng vẫn không tránh khỏi nhiễm bẩn bởi thói quen và môi trường sử dụng.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
back to top