Những thay đổi trong điều trị Covid-19 tại Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Bản cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất của Việt Nam không chỉ đưa huyết tương của người khỏi bệnh vào điều trị ... mà còn thay đổi về cách phân loại và tiêu chuẩn xuất viện.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, SARS-CoV-2 đang lan truyền tại Việt Nam là chủng mới vừa phân lập nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam. Chủng này tuy lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. 

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý, virus này có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng, trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng nặng hơn rất nhiều. 

Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế cho biết, hiệu quả một số thuốc kháng virus như Lopinavir, Ritonavir, Interferon sẵn có trong nước, hết virus sau 7 ngày, thuốc Remdesivir của Mỹ, thuốc IVIg... Riêng Chloroquine, Hydroxychloroquine, Việt Nam ngừng sử dụng hoàn toàn. Thay vào đó sẽ sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.

Về nguyên lý của phương pháp mới này, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, đó chính là việc sử dụng kháng thể chống lại một tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị một bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra. Người bệnh tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục. Đây là phương pháp điều trị duy nhất cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus, ngăn bệnh diễn biến nặng hơn. Huyết tương của người khỏi Covid-19 chứa lượng lớn kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 đã được thử nghiệm ở một số nước và bước đầu cho thấy có thể có hiệu quả đối với những người mắc bệnh thể nặng.

Riêng với trẻ em, trong phác đồ mới, Bộ Y tế lưu ý các bác sĩ về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, suy tuần hoàn, tổn thương tim, rối loạn đông máu…

Ngoài sự thay đổi phương pháp điều trị, trong hướng dẫn lần này chỉ rõ nghi ngờ mắc Covid-19 người dân sẽ được xét nghiệm ngay để tránh trường hợp bỏ sót thành nguồn lây nhiễm. Cụ thể, những trường hợp có sốt, ho và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính (không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp được xác định, không cần yếu tố dịch tễ (đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca nghi ngờ) sẽ đều được lấy mẫu xét nghiệm.

Hướng dẫn mới cũng thay đổi cách phân loại các thể lâm sàng theo 5 cấp độ: Thể không triệu chứng; Mức độ nhẹ- viêm đường hô hấp trên cấp tính; Mức độ vừa - viêm phổi; Mức độ nặng - viêm phổi nặng; Mức độ nguy kịch.

Tiêu chuẩn xuất viện gồm: Hết sốt tối thiểu 3 ngày, hết các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm lại 3 lần cách nhau một ngày cho kết quả âm tính, theo dõi tiếp tại nhà 14 ngày.

Theo Đời sống
back to top