Những thăng trầm cùng thời gian

(khoahocdoisong.vn) - Những thăng trầm cùng thời gian, miếu Gia Long vẫn được nhân dân hương khói, để tưởng nhớ người có công thống nhất đất nước, tạo dựng nên vùng đất trù phú sau này.

Khôi phục lại dấu xưa: Cây đa bến ngự

Miếu Gia Long hiện nay được dựng trên nền đồn cũ thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Võ, tỉnh Đồng Tháp. Miếu được dựng kiên cố chính thức vào thời điểm nào, đến nay không ai nhớ rõ. Tuy nhiên, qua khảo sát, nền cũ của miếu vẫn kết cấu bằng gạch thức, có thể đoán định miếu được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Sách Sa Đéc nhân vật chí của tác giả Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Cứng, xuất bản năm 1926 cho biết năm Tự Đức thứ 2 (1849) tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn khi đi qua nơi đây đã cho dựng bia kỷ niệm tại nền đồn làm dấu tích.

Sau đó vị tổng đốc kế tiếp là Cao Hữu Dực trên đường kinh lược đến đây cũng cảm khái làm bài văn tế, trong đó có đoạn viết: "Lễ dâng tứ tế các vị: cúi xin cảm cách phò trì an minh. Cầu cho nhân kiệt địa linh. Dân khương vật phục thái bình như xưa".

Năm 1920, khi làm chủ quân Lai Vung, ông Nguyễn Đăng Khoa thường đến đây thăm viếng, chiêm bái và nhắc nhở nhân dân địa phương hãy giữ gìn cổ tích.

Năm 1946, nhân dân Long Hưng đã đào ngay gốc cây đa bến ngự (nơi ngày xưa Nguyễn Ánh thường ra ngồi câu cá để giải khuây) cho nó ngã xuống rạch Nước Xoáy, ngăn tàu giặc Pháp chạy qua. Qua thời gian miếu hư hỏng, không được tu tạo sửa chữa.

Năm 1956, khi vùng đất này thuộc tỉnh Vĩnh Long, tỉnh trưởng Khưu Văn Ba đi kinh lý trong vùng được nhân dân địa phương tặng một bộ lư cổ bằng đá ong, cho là một di vật của Gia Long.

Từ đó miếu được trùng tu tái tạo gọi là Cao Hoàng Thái miếu. Trong thời gian này ông Khưu Văn Ba tiến cúng một cặp sư tử đá ở Dinh Long Hồ (Vĩnh Long). Cặp sư tử đá này được tạc năm 1922 đến nay vẫn còn tại miếu.

Nơi tưởng nhớ các chúa Nguyễn

Sau khi xây dựng xong, địa phương mời ông Nguyễn Văn Hạt làm thủ từ, lo việc hương khói. Ông Đặng Văn Côn cung tiến một cây đa đen trồng cạnh miếu, thay thế cây đa bến ngự ngày xưa. Hiện nay cây đa có dáng dấp như cây đa xưa.

Từ sau khi vua Gia Long băng hà và nhất là sau khi miếu được trùng tu tôn tạo, nhân dân nơi đây vẫn luôn nhớ ơn các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất đai về phương Nam, đặc biệt là các chúa Nguyễn đã hướng dẫn tổ tiên họ tiến dần về Nam lập nghiệp, tạo dựng nên vùng đất trù phú sau này.

Vua Gia Long là hậu duệ của các chúa Nguyễn, có công thống nhất đất nước nên được nhân dân kính ngưỡng. Hàng năm vào ngày 18-19 tháng chạp (ngày mất của vua Gia Long) nhân dân trong vùng tổ chức cúng giỗ. Hàng ngày nhân dân qua lại thường ghé vào miếu thắp hương cầu xin cho gia đình bình an mạnh khỏe, cầu cho dân mạnh nước cường, an vui giàu đẹp.

Theo Đời sống
back to top