​​​​​​​Những tấm bia đá

(khoahocdoisong.vn) - Những tấm bia đá mới được dựng khi sửa sang, xây dựng lại đình, đền, chùa, rất hoành tráng nhưng lại chỉ toàn khắc tên những người công đức cho công trình đó.

Về một số làng quê, tôi rất thích được nghe các cụ cao tuổi kể cho nghe những câu chuyện về truyền thống của làng mình. Những tư liệu cổ, câu đối, hoành phi và nhất là những tấm bia đá là những minh chứng quý giá vô cùng.

Những tấm bia đá đã mòn cùng thời gian, thậm chí còn bị nứt gãy, sứt sẹo vì bom đạn nhưng vô cùng giá trị về mặt lịch sử. Bởi qua đó chúng ta hiểu thêm về ông cha mình, về các thời đại trước đây. Nhiều nơi các cụ rất chu đáo khi đã dịch những tấm bia đá đó ra chữ quốc ngữ để người trẻ cũng có thể hiểu được ý nghĩa của những điều được ghi trên đó.

Bên cạnh đó là những tấm bia mới được dựng khi sửa sang, xây dựng lại đình, đền chùa. Tấm đá to, hoành tráng nhưng lại toàn khắc tên những người công đức cho công trình đó. Thậm chí người đóng hai trăm, năm trăm ngàn đồng cũng được ghi tên.

Nói thế không phải tiền ít hay nhiều mới được ghi tên lên bia đá. Ai có tâm công đức để xây dựng những công trình này đều xứng đáng được ghi nhận dù đó là vài ngàn đồng. Nhưng vấn đề là ghi nhận thế nào và có nên ghi vào bia đá hay không.

Đưa tên lên bia đá là để lưu lại để đời sau biết những sự việc của ngày hôm nay. Sao không dành bia đá đó để tôn vinh những người làm vẻ vang cho quê hương, làng xã mình. Tôi có hỏi các cụ, tại sao chỉ có bia đá đến thế kỷ 19 ghi tên các vị đỗ đạt, có những công lao với làng, còn sau này không ghi tiếp nữa. Không ai trả lời được.

Có phải vì tiến sĩ, giáo sư bây giờ nhiều quá, mà quanh các học hàm học vị này đang còn nhiều vấn đề tranh cãi. Hay những đóng góp của họ chưa xứng đáng để ghi lên bia đá?

Sự tôn vinh của nhân dân bao giờ cũng rất công bằng. Ở làng Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) có thờ tướng quân Đào Liên Hoa (thời Đinh Tiên Hoàng). Còn bên làng Dương Đanh và Yên Bình (xã Dương Xá) ngay cạnh đó lại thờ Thần hoàng là Lý Khuê, người bị Đào Liên Hoa chém chết. Lịch sử có những đánh giá của lịch sử, nhưng nhân dân có đánh giá của riêng mình, ai có công với họ thì họ thờ.

Vậy nên nhìn những tấm bia đá mới dựng kia, tôi nghĩ thích thì người ta dựng lên còn tồn tại được bao lâu, có giá trị hay không lại là chuyện khác. Bởi vì cái gì hợp lý thì tồn tại. Đó là quy luật rồi.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top