Những tác hại khó ngờ của bánh kẹo trôi nổi

(khoahocdoisong.vn) - Loại bánh kẹo trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, được một số cơ sở gia công hoặc nhập lậu qua đường tiểu ngạch… không được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường cho sức khỏe.

Không ai ngộ độc hay chết ngay

Gần Tết, các mặt hàng bánh, mứt, kẹo trôi nổi được bày bán rất nhiều, giá rẻ. Nhiều người cho rằng thực phẩm ăn vào không bị làm sao cả, không đau bụng, không đi ngoài, không nôn mửa, đau đầu... thì ăn nhiều cũng chẳng sao. Thị trường bánh mứt kẹo giá rẻ, trôi  nổi này lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết ở thời điểm sát Tết Nguyên đán. Đáp ứng nhu cầu của người dùng thì chủng loại mặt hàng cũng rất phong phú, từ vài ngàn đồng/gói cho đến vài chục ngàn đồng/hộp, với hàng trăm hương vị khác nhau, chỉ có điều chất lượng thì không ai kiểm soát.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học Ứng dụng cho biết, bánh, mứt kẹo không nguồn gốc, không nhãn mác, không đăng ký chất lượng vẫn được bày bán tràn lan tại các chợ trên địa bàn thành phố Hà nội. Với lợi thế giá rẻ, chủng loại phong phú, hình thức bắt mắt, các loại bánh kẹo trôi nổi vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, những loại bánh mứt kẹo này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ. Chúng có thể sẽ không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngay, nhưng về lâu dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà chúng ta ít ngờ tới.

Tác hại đầu tiên, các loại bánh, mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng phẩm màu. Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao.

“Phẩm màu hoá học chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, dẫn đến nhiều chứng bệnh về ung thư, rối loạn tiêu hóa, thần kinh, thậm chí là ngộ độc kim loại nặng nếu có mặt với hàm lượng lớn trong thực phẩm …”, đáng tiếc là những kiểu ngộ độc như thế này không xảy ra ngay nên người tiêu dùng “điếc không sợ súng”, nhắm mắt làm ngơ, ham rẻ mà coi thường sức khỏe.

Phụ gia có thể gây ung thư

ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho rằng, các loại mứt để bảo quản được lâu thường được sử dụng các chất phụ gia thực phẩm như đường hóa học, phẩm màu… Khi ăn phải các loại mứt có chứa các phẩm màu độc hại này thì dễ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao. Ngoài ra, nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận, dạ dày và thậm chí là gây ung thư. Ngoài ra, các loại bánh mứt kẹo trôi nổi trên thị trường còn chưa được kiểm duyệt về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và không có một cơ quan nào kiểm soát. Do vậy, có thể tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh, thậm chí có chứa chất cấm, chất gây nghiện và có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.

“Trẻ em chịu những tác hại rất khủng khiếp từ những nguồn thực phẩm không được kiểm soát an toàn như bánh kẹo, vì đây là món ăn mà trẻ ưa thích. Cha mẹ tuyệt đối không mua các loại bánh kẹo trôi nổi, giá rẻ này cho trẻ ăn. Cần phải kiểm soát số lượng bánh kẹo trẻ ăn trong những ngày Tết để tránh tình trạng ngộ độc, nhiễm độc, hay đơn giản là ăn quá nhiều chất ngọt cũng gây ra những tác hại cho sức khỏe của trẻ”, ThS Lưu Liên Hương cho biết.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm cho biết, phụ gia trong bánh kẹo trôi nổi rất khó kiểm soát. Một phần vì loại mặt hàng này khó bị hỏng, thiu, phần khác vì hiện được bán quá tràn lan trên thị trường nên người tiêu dùng chỉ còn cách là tự mình lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, uy tín.

“Những loại bánh kẹo dù có địa chỉ sản xuất, nhưng được gia công bởi các cơ sở tư nhân, giá quá rẻ… cũng cần phải cẩn trọng khi dùng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Theo Đời sống
back to top