Những sáng kiến hướng tới an toàn người bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM vừa triển khai hàng loạt cải tiến trong công tác khám chữa bệnh, hướng tới an toàn người bệnh.

Bàn nam châm cố định kim trong phòng mổ

Một thực tế thường thấy ở nhiều phòng mổ là kim không được cố định trên bàn dụng cụ khiến chỉ dễ rơi, dễ rối; mất thời gian phân loại, kiểm, đếm số lượng kim… ĐDCKI Nguyễn Thị Thiên Kim, Điều dưỡng trưởng Khoa Gây mê Hồi sức đã cũng cộng sự đã sáng tạo ra bàn nam châm cố định kim.

Các điều dưỡng trong phòng mổ đang kiểm đếm kim trên bàn cố định nam châm, gạc, dụng cu để chuẩn bị kết thúc phẫu thuật. (Ảnh minh họa)

Các điều dưỡng trong phòng mổ đang kiểm đếm kim trên bàn cố định nam châm, gạc, dụng cu để chuẩn bị kết thúc phẫu thuật. (Ảnh minh họa)

“Nhờ đó, chúng tôi sẽ đạt được 4 mục tiêu: Kiểm soát chặt chẽ kim phẫu thuật, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, bảo đảm an toàn trong phẫu thuật và trên hết là bảo đảm an toàn cho người bệnh”, ĐDCKI Nguyễn Thị Thiên Kim cho biết.

Bảng cố định kim được cấu tạo bằng các nam châm được xếp song song với 2 tay cầm để từ thông cố định kim dọc theo chiều của nam châm, đồng thời giúp các kim có thể phân bố đều trên khắp bề mặt bảng nam châm và không bị hút vào nhau. Từ đó, thay vì 5 bước kiểm tra, phân loại kim thông thường, các điều dưỡng trong phòng mổ chỉ còn thực hiện 3 bước: phân loại kim trước khi sử dụng trên bảng nam châm; kiểm đếm tổng từng loại kim; sau đó là loại thải kim đã qua sử dụng vào thùng chứa vật sắc nhọn.

Giá treo áo chì giảm bức xạ khi chụp X-quang phổi

Cử nhân Lưu Quốc Trung, Kỹ thuật viên Trưởng của Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), cùng các cộng sự trong khoa đã thiết kế ra giá treo áo chì với các tiêu chí: Gọn nhẹ, dễ di chuyển; có thể tăng giảm chiều cao; có diện tích tiếp xúc với áo chì lớn hơn khi treo so với giá cũ…

“Đối với bệnh nhân chụp X-quang ngực, ngoài các thao tác kỹ thuật sắp đặt chiều thế và xử lý tín hiệu hình ảnh, việc che chắn cho bệnh nhân cũng cần được chú ý như phải thu nhỏ chùm tia (tia X trực tiếp chỉ tiếp xúc với phần cần khảo sát), sử dụng thời gian phát tia X ngắn nhất mà vẫn đạt chất lượng chẩn đoán, che chắn bộ phận sinh dục và vùng tuyến giáp (nếu có thể)…”, Cử nhân Lưu Quốc Trung cho biết. 

Giá treo áo chì mới được thiết kế với các tiêu chí: gọn nhẹ, dễ di chuyển; có thể tăng giảm chiều cao; có diện tích tiếp xúc với áo chì lớn hơn khi treo so với giá cũ…

Giá treo áo chì mới được thiết kế với các tiêu chí: gọn nhẹ, dễ di chuyển; có thể tăng giảm chiều cao; có diện tích tiếp xúc với áo chì lớn hơn khi treo so với giá cũ…

Nhưng thực tế, do lượng bệnh nhân tại các cơ sở công lập thường cao, lượng máy móc phục vụ lại ít, nếu trang bị che chắn đầy đủ cho bệnh nhân mất nhiều thời gian nên thường bị bỏ qua. Bên cạnh đó, các áo chì sau khoảng 2 năm sử dụng có tình trạng hỏng lớp chì ở phần vai áo…

Với giá che chắn mới, kỹ thuật viên có thể điều chỉnh che chắn phần dưới thắt lưng khi chụp X-quang ngực, có thể áp dụng với các chiều thế X-quang từ trên thắt lưng, với điều kiện bệnh nhân có thể đứng được. Giá treo áo chì này cũng có thể bảo quản áo chì được lâu hơn.

Theo ĐDCKI Trần Thị Hồng Huệ, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, giá treo áo chì mới giúp giảm thiểu tia X trực tiếp không cần thiết mà không mất nhiều thời gian vào việc cho bệnh nhân thay áo hoặc váy chì đối với các kỹ thuật chụp X-quang trên thắt lưng mà bệnh nhân có thể đứng được. Thêm vào đó là tia X trực tiếp sẽ bị hấp thụ vào áo chì, giảm thiểu tia thứ cấp, tán xạ gây hại cho cả bệnh nhân và cả nhân viên bức xạ.

Ứng dụng phần mềm trong quản lý đặt ống xông JJ

Cử nhân công nghệ thông tin Bùi Lê Quốc Bảo đã xây dựng một phần mềm quản lý một cách trực quan việc đặt và rút sonde JJ nhằm giảm thiểu sai sót do yếu tố con người, tránh mất thông tin rút sonde JJ của bệnh nhân, thông báo bệnh nhân đến ngày rút sonde JJ một cách chính xác

Từ tháng 9/2019 trở về trước, việc giám sát thực hiện đặt sonde JJ cho bệnh nhân tại Khoa Ngoại Thận Tiết niệu thực hiện thủ công bằng cách ghi vào sổ theo dõi nên mất thời gian, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng nhầm lẫn, sai sót hoặc quên thời gian phải rút sonse JJ cho bệnh nhân.

Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, với phần mềm này, thông tin bệnh nhân được ghi nhận chính xác; tối ưu, đơn giản hóa việc giám sát, đặt và rút sonde JJ; hệ thống tự động nhắc nhở qua email, giúp nhân viên y tế giảm sai sót, nhầm lẫn lịch hẹn trong việc tháo sonde JJ cho bệnh nhân. Thời gian sắp đến sẽ cố gắng có thêm tính năng nhắc qua tin nhắn bằng phần mềm để gửi trực tiếp đến bệnh nhân.

Theo Đời sống
back to top