Những pho sử sống ở làng Giàu

Những pho sử sống ở làng Giàu khiến ta thêm yêu thêm ngôi làng cổ, yêu thêm văn hóa làng xã. Để mỗi khi có người đến tìm hiểu để viết về làng đều tìm đến những người như họ.

Đình làng Phù Lưu (Làng Giàu, Từ Sơn, Bắc Ninh)

Đọc truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân, tôi cứ tự hỏi tại sao ông Hai có thể yêu cái làng của mình đến thế. Về thăm làng Phù Lưu (làng Giàu, Từ Sơn, Bắc Ninh), đi trên con đường lát đá xanh nổi tiếng đó, trò chuyện với những người dân nơi đây, mới hiểu vì sao họ lại yêu và tự hào về làng mình đến vậy.

Con đường đá xanh nổi tiếng

Theo con đường vào đền Đô to đẹp, rẽ về bên tay trái là phố Phù Lưu. Làng giờ đã lên phố, nhà cửa khang trang, sầm uất, nhưng vẫn giữ được con đường lát đá xanh nổi tiếng mà nhà văn Kim Lân đã tả «Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất».

Con đường chính trong làng với 4 hàng đá xanh.

Con đường chính trong làng được lát 4 hàng đá, hai bên là gạch đỏ lát nghiêng. Rẽ vào các ngõ là đường lát 2 hàng đá, hai bên cũng lát gạch đỏ. Giờ chẳng còn rơm, thóc để mà phơi trên con đường sạch bong ấy, nhưng đi lại trên con đường đá mát rượi ấy, quả là thú.

Đường đá trong làng đều là đường thoát, tức là có thể thông nhau và thoát ra ngoài qua 6 cổng làng. Gọi là cổng nhưng không bao giờ có cánh cửa, không đóng bao giờ. Có quy chuẩn rõ ràng để khách đến cứ theo đường đá là đi được khắp làng còn khi nào thấy đường lát gạch là biết đã vào ngõ cụt.

Các cụ trong làng cho biết, con đường đá được khởi công xây dựng năm 1933 do cụ Hoàng Thúy Chi, lúc đó là quan Tổng trấn tỉnh Bắc Giang khởi xướng. Và 10 năm mới làm xong. Đá này được mua từ Đông Triều (Quảng Ninh), nghe nói thời đó giá mỗi viên đá tương đương khoảng 30kg gạo.

Trải qua gần thế kỷ, đá đã mòn cả đi, nhưng vẫn bền chắc. Thời Pháp thuộc, đường bị phá hỏng nhiều. Sau này, có ý kiến muốn bê tông hóa, nhưng các cụ đã kiên quyết giữ con đường đá, chỉ sửa chữa, phục hồi những chỗ hư hỏng.

Ông Lê Trần Lợi, thủ từ đình Phù Lưu cho biết, năm 1933, cùng lúc làm con đường đá này, làng khởi công 3 công trình nữa: trùng tu đình, thay nền gỗ bằng nền đá, cùng loại với đá làm đường; xây Hương Hiền từ, tức là văn chỉ thờ những người đỗ đạt trong làng; và Hương học đường, là trường học của làng để con em trong làng đến học, nhưng tiếc là đến nay Hương học đường không còn dấu tích nữa.

Tình quê sâu nặng

Có một người cũng yêu cái làng Phù Lưu của mình không kém ông Hai, đó là dịch giả Hoàng Thúy Toàn. Nói về làng mình, ông say sưa kể: Quê tôi là một làng rất đẹp, làng Giầu (Phù Lưu, Bắc Ninh). Làng tôi có nhiều luật lệ rất hay. Những người ở nơi khác đến, nhưng vẫn giữ được cái nếp ấy bởi vì mọi người chung tay, thấy cái gốc có rồi, một cái làng khang trang như thế này mình đến thì mình làm cho nó đẹp thêm.

Lần này về, tôi cũng được đến thăm nhà lưu niệm văn học Nga của ông. Ông bảo, cũng nhờ địa phương cho mượn nhà, được bà con xung quanh giúp đỡ trông nom nên mới làm được. Mỗi lần về quê ông lại mang thêm về những hiện vật, những người bạn, để có thêm nhiều người hiểu và yêu cái làng của ông.

Từ nhà Lưu niệm văn học Nga đi thêm một đoạn nữa là đến ngõ Văn Chỉ, nơi có Hương Hiền từ, cạnh đó là nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân, cũng do địa phương cấp đất và gia đình tự xây dựng. Những người con của Phù Lưu, dù có đi đâu, vẫn nhớ về làng, vẫn lưu dấu ấn của mình ở làng.

Ông Lê Trần Thúy (84 tuổi), một trong những cụ cao niên của làng, là đời thứ 18 sống ở đây. Trước đây ông công tác tại Viện thiết kế, bộ Thủy lợi, sống bên Hà Nội nhưng năm nào cũng về quê ăn Tết.

Còn khi nghỉ hưu thì về sống hẳn ở quê. Bởi vì quê hương là căn cốt từ ngày xưa, cái tình quê rất sâu nặng. Ai sinh ra cũng có quê cha đất tổ, cũng có quê hương gắn bó với những kỷ niệm đầu đời, không thể xa dời được. Nhất là khi quê mình lại đẹp đến thế, hay đến thế.

Làng Phù Lưu là làng mở, vì gần chợ, gần đường xá, dân lại nhiều người buôn bán… nên không bó kín như những làng thuần nông. Vì thế nên tiếp thu được những cái mới.

Một trong những nét văn hóa của người Phù Lưu là luôn thích nghi với thời đại, không bảo thủ, cổ hủ. Trước năm 1945, Phù Lưu là nơi buôn bán sầm uất, là chợ đầu mối.

Nhiều người nói, Phù Lưu chỉ thua thành phố ở chỗ không có nước máy và không có ánh sáng điện. Nhưng thay vào đó dân ở đây nhà nào cũng đào giếng để có nước sạch. Còn ở các góc đường thì người ta dựng các cột đèn và tối thì đốt đèn lên để đường sá sáng sủa, tiện đi lại.

Những nếp xưa còn giữ

Là người cao tuổi trong làng, theo ông Thúy thì ngày nay những chất quê, những nét xưa cũ, những nét rất riêng ấy của làng đã phôi phai, đã mất đi nhiều rồi. Nên thế hệ những người như ông nhìn thấy mà tiếc lắm.

Ví dụ như cách ăn mặc, khi xưa các cụ đã dạy ra khỏi cổng nhà mình là phải ăn mặc đàng hoàng. Giao tiếp với mọi người phải xét mình ở vị trí nào để đi đứng, ăn nói, để ngồi cho đúng chỗ.

Nhưng ngày nay lớp trẻ sống rất khác. Thế nên cố giữ được đến đâu thì giữ thôi. Trong gia đình chỉ cố dạy dỗ con cháu dù có làm gì, có đổi thay thế nào cũng phải nhớ uống nước nhớ nguồn, nhớ rằng cây phải có gốc.

Được cái, một số nếp sống văn hóa vẫn giữ được nhờ có những quy định rất cụ thể. Đó là khi nhà nào có đám hiếu thì không tổ chức cỗ bàn ăn uống, mà chỉ đến khi 49 ngày mới làm cỗ. Mỗi khi nhà ai có việc tang, cả làng từ già trẻ lớn bé, thân, sơ… đều đến tiễn đưa. Đó cũng là một nét gắn bó tình làng nghĩa xóm không đổi thay.

Đặc biệt, truyền thống hiếu học của làng vẫn được duy trì và phát huy. Cùng với việc động viên, khen thưởng của mỗi dòng họ đối với con cháu, thì bao năm nay trong làng vẫn duy trì tiếng trống khuyến học.

Tức là tối tối (trừ thứ 7, chủ nhật), vào lúc 7h30, là loa truyền thanh lại phát thông báo đã đến giờ tự học, đề nghị phụ huynh tắt tivi để các cháu học sinh ngồi vào bàn học…Chỉ một việc làm đơn giản như thế nhưng đã tạo thành nếp, thành thói quen, khiến việc học được tất cả mọi người quan tâm.

Dẫn tôi ra Văn chỉ của làng, ông Thúy bảo văn bia ở đây ghi tên các vị đỗ đạt và có công với làng. Nhưng khi tôi thắc mắc, tại sao đến đời nay lại không ghi tiếp những người có học hàm học vị hoặc có cống hiến cho đất nước, thì ông chỉ cười, bảo, có lẽ vì chưa có tiêu chí nên chưa đưa vào được.

Ông cũng trăn trở với việc làm sử làng. Mỗi dòng họ đều có những ghi chép riêng, nhưng chưa có người tập hợp để làm một bộ sử đầy đủ về lịch sử, văn hóa của làng.

Mỗi khi có người đến tìm hiểu để viết về làng đều tìm đến những người cao niên như ông Thúy. Họ vừa là những pho sử sống của làng, vừa là những người yêu làng, yêu văn hóa làng.

Không chỉ có con đường đá hay những kiến trúc đình chùa, mà điều khiến những người dân Phù Lưu yêu quý làng của họ đến vậy, chính là văn hóa làng.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
back to top