Những người thích nắng

Trời mưa hay râm mát là coi như họ phải treo nồi. Chỉ có trời nắng, nắng càng to càng tốt. Đó là đặc trưng của nghề làm muối, theo đúng câu tục ngữ xưa “cháy sém thịt da, mới ra hạt muối”.

Hải Lý (Hải Hậu – Nam Định) vốn là một vựa muối nổi tiếng nước ta từ thời nhà Nguyễn. Cùng với Diêm Điền của vùng Thái Bình, đó là hai “công xưởng” khổng lồ sản xuất muối để cung ứng cho toàn miền Bắc. Theo những người già vùng Hải Lý, ngày xưa hạt muối là thứ quý hóa lắm, được ví gọi như vàng trắng. Thế nên ở vùng biển mới có câu cũng là lời dạy “xị mắm xị muối chết tươi đứ đừ”.

Những người thích nắng ảnh 1
Cánh đồng muối Hải Lý

Vậy mà bây giờ, thời thế đổi thay, hạt muối không còn là vàng trắng. Thậm chí nhiều lúc muối rẻ như bèo, cho không ai lấy. Nhưng ít ai bỏ được nghề, vì dù sao mấy chục đời nay đó cũng là nghề nuôi sống những gia đình diêm dân.

Được nắng, trắng muối

Cụ Nguyễn Văn Thành, năm nay đã bước sang tuổi 90. Trước, cụ là một trong những lãnh đạo tâm huyết của hợp tác xã Hải Lý. Cụ bảo rằng, các nơi khác thì hợp tác xã nghèo nàn lắm vì cơ bản chỉ trông chờ vào lúa. Riêng hợp tác xã Hải Lý thì khang trang, diêm dân cũng sung túc vì thời ấy muối được coi trọng.

Gần 20 năm nay, cụ Thành không còn động đến nghề. Phần vì những thửa ruộng muối đã chia cho con cái, phần nữa là sức khỏe cụ đã yếu. “Làm nghề muối hại sức khỏe lắm. Lúc người ta chạy vào nhà thì mình lại phải chạy ra nắng. “Ô rộng song xao, cào lâu được muối”, câu ấy các cụ đã dạy rồi, cho nên ở quê tôi, người ta chỉ thích nắng chứ không thích mưa”, cụ Thành cho biết.

Những người thích nắng ảnh 2
Bể lọc nước để làm muối.

Cánh đồng muối Hải Lý nằm cách bờ biển không xa. Cụ Thành bảo rằng, cánh đồng này được thành lập từ thời nhà Nguyễn. Xưa, đây là vựa muối nổi tiếng cung cấp muối cho triều đình, và cùng với vùng Diêm Điền là hai nơi cung ứng muối cho toàn miền Bắc.

Khi cái nắng vẫn còn hầm hập, thì cánh đồng muối vẫn nhộn nhịp người. Chị Nguyễn Thị Hà và chồng vừa gạt muối, vừa nói: Có hôm muối vừa thành hình thì trời đổ mưa, một ngày canh nắng coi như đổ biển. Làm nghề này, cầu trời cứ cho nắng thì no, cho mưa thì đói.

Những người thích nắng ảnh 3
Những chiếc giếng bên cạnh bể lọc để dẫn nước.

Chồng chị Hà, anh Nguyễn Văn Tài trước làm thợ xây, nhưng cảnh tha hương khiến anh chán nản. “Làm thợ xây công cao hơn làm muối nhiều. Độ vất vả thì cũng ngang nhau, nhưng về quê làm muối được cái là gần gia đình. Ngày nào râm mát hay mưa thì tôi lại đi làm xây trong làng. Làm nghề muối, dù chẳng ăn thua gì nhưng chí ít thì cũng hơn trồng lúa”, anh Tài cho biết.

Không chỉ riêng vợ chồng anh Tài, ở Hải Lý với hàng nghìn hộ tham gia làm nghề đều có mong mỏi duy nhất là trời luôn nắng to. Dù nước da của họ có bị cháy sém, dù dung mạo có thể không được dễ coi, nhưng cứ trời nắng thì coi như họ có đồng công. Còn nếu trời mưa, đồng nghĩa với thất nghiệp và phải treo nồi.

Nghề mặn thì không mong ngọt

Theo các diêm dân Hải Lý, hiện tại, 1kg muối bán được 1 nghìn đồng. Theo như vợ chồng chị Hà, diêm dân thường chia theo phương, mỗi phương muối là 20kg. Hôm nào giá cao thì bán được 20 nghìn đồng/phương. Hôm nào giá rẻ thì chỉ bán được 17 – 18 nghìn đồng/phương. Trung bình, một ngày mỗi hộ diêm dân thu về tối đa được khoảng 10 phương muối, tức khoảng 200 nghìn đồng.

Những người thích nắng ảnh 4
Cảnh làm muối ở Hải Lý.

200 nghìn đồng/ngày – con số ấy chắc chắn đã là thu nhập hơn những người nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, để làm ra được hạt nuối, phải trải qua nhiều công đoạn, bao nhiêu mồ hôi công sức. Đầu tiên, diêm dân phải ngâm cát vào nước biển (nước mặn độ 1), sau đó đem cát đó phơi trên sân đất nện, khi cát khô trên từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối nhỏ.

Dùng nước biển lọc qua cát đó sẽ được nước mặn hơn gọi là nước mặn độ 2. Lại phơi cát tiếp và dùng nước mặn độ 2 lọc qua cát đã phơi được nước mặn độ 3. Sau gần 10 tiếng đồng hồ phơi nắng, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê tông.

Theo các diêm dân, nếu như làm muối từ đầu thì phải 3 ngày sau mới có muối, nhưng từ ngày thứ tư trở đi thì ngày nào cũng có muối do các nước độ 2, độ 3 đã được làm gối đầu từ những ngày hôm trước.

Những người thích nắng ảnh 5
Muối thành phẩm đã kết tinh sau 10 giờ phơi nắng.

Nhiều người cho rằng, làm muối chỉ là “lấy công làm lãi” chứ không phải bỏ vốn liếng gì cho lắm. Tuy vậy, những người diêm dân cho rằng, lấy công làm lãi thì cũng có cái giá của nó. Vào những ngày dù đã bỏ công sức cào muối, đến lúc sắp thu hoạch thì mưa to. Mưa rừng, bão biển, hầu như không ai đủ sức cứu muối nên công lao cả ngày coi như mất trắng.

“Từ xưa, cha ông tôi đã dạy nghề làm muối là nghề mặn. Đã làm nghề mặn thì đừng mong vị ngọt. Thuận theo tự nhiên, trời nắng có thể cười, trời mưa không được khóc thì mới đem lại an vui cho diêm dân”, anh Tài chia sẻ.

Nghề làm muối khó khăn, lại phụ thuộc thời tiết, giá cả muối thấp, bấp bênh nên đời sống của người dân từ bao đời nay vẫn không thoái khỏi cái nghèo, cái khổ. Chẳng bao giờ người ta tìm thấy có người giàu lên nhờ làm muối. Ở Hải Lý cũng vậy, không có người giàu, tất cả chỉ bình bình đủ ăn.

Những người thích nắng ảnh 6
Thu hoạch muối.

Trần Văn Thiệu, nhà có 2 sào ruộng muối. Mỗi lần thu hoạch, ông bớt ra vài đồng để đến tháng đong gạo. Ông bảo: “Bây giờ, 1kg gạo bằng 1 phương muối. Nhiều khách du lịch đến đây, họ ngạc nhiên bảo diêm dân chỉ giỏi than nghèo kể khổ. Làm gì có chuyện 1kg muối có giá 1 nghìn. Muối ở thành phố nó có giá khác, chúng tôi sản xuất ra muối nên chỉ có cái giá như vậy thôi”.

Theo ông Thiệu, nhiều khi muối thu hoạch về còn không bán được, cứ tồn đọng qua ngày này sang ngày khác. Điều ấy đã bắt buộc diêm dân phải bán rẻ được đồng nào hay đồng ấy. Dù rằng, nghề làm muối một năm chỉ làm được khoảng 5 tháng mùa nắng. Thời gian còn lại trong năm, ai khỏe thì đi làm thuê, ai yếu hơn thì ở nhà dưỡng sức, chờ sang năm lại “cào muối, sém da”.

Khoảng 10 năm về trước, toàn xã Hải Lý có khoảng 90ha ruộng muối, bây giờ chỉ còn gần 20ha thôi. Nghề làm muối rất vất vả mà giá ngày càng thấp nên diêm dân bỏ dần. Trước năm 2000, tỉnh Nam Định có hơn 1.000ha ruộng muối. Đến nay, diện tích thu hẹp chỉ còn 500ha”, Ông Vũ Viết Lý, Phó chủ tịch UBND xã Hải Lý.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top