Những người hùng 'dép tổ ong' ở tâm dịch Bắc Ninh

Với đôi dép tổ ong tránh nóng, chiếc túi nylon để bọc chân và “bộ giáp” kiểu phi hành gia vũ trụ, những nhân viên y tế dũng cảm bước vào trận chiến với đại dịch Covid-19.

ĐỘI QUÂN 'DÉP TỔ ONG VÀ TÚI NYLON' GIỮA TÂM DỊCH BẮC NINH

Với đôi dép tổ ong tránh nóng, chiếc túi nylon để bọc chân và “bộ giáp” kiểu phi hành gia vũ trụ, những nhân viên y tế ở Bắc Ninh ngày đêm đi đến từng ngõ phố để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn người giữa tâm dịch Bắc Ninh.

Những người hùng 'dép tổ ong' ở tâm dịch Bắc Ninh ảnh 1

Tút... tút.. tút…

Đầu điện thoại phía bên kia vọng lại tiếng tút dài. Mỗi lần như vậy, chị Ngân (bác sĩ tại Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh) biết thêm 1 trường hợp F1 đứt liên lạc. Gác điện thoại xuống, chị thông báo cho đồng nghiệp ngay bên cạnh rồi nhanh tay ghi lại số điện thoại vừa gọi ra giấy. Buổi sáng hôm nay, danh sách “không liên lạc được” lên tới 4 người trong tổng số hàng nghìn cuộc gọi.

Bên trong phòng làm việc của tổ truy vết, mỗi nhân viên một chiếc điện thoại trên tay, liên lạc cho hàng trăm, hàng nghìn người. Nhiều đến mức họ còn chưa từng nghĩ tới việc đếm thử số lượng là bao nhiêu. Chỉ biết trên mặt bàn, giấy tờ được bày la liệt. Vừa nghe điện, tổ truy vết vừa ghi chép lại thông tin từ phía đầu dây bên kia cung cấp về lộ trình di chuyển và tiếp xúc.

Hàng nghìn cuộc điện thoại đến "cháy máy"

Đúng 10h15, tổ truy vết phường Khắc Niệm (TP Bắc Ninh) nghỉ tay, dùng bữa ăn đầu tiên sau hơn 24 giờ làm việc. Ngày 23/5, phường này ghi nhận ca F0 đầu tiên là công nhân trong nhà máy. Tính đến ngày 3/6, Khắc Niệm có tới 141 F0, trở thành tâm dịch nóng bỏng tại TP Bắc Ninh.

Tổ công tác truy vết được thành lập ngay trong đêm. Họ là các nhân viên của trạm y tế phường cùng với sự giúp đỡ từ đội ngũ trung tâm y tế của thành phố. Công việc là liên lạc với các F0, F1, F2... để khoanh vùng khu vực, xác định những người tiếp xúc gần, đồng thời lập danh sách, thực hiện việc đưa đón người vào các khu cách ly.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 1

- Cháu tên là gì? Bao nhiêu tuổi?

Anh Hiên - Trưởng công an phường Khắc Niệm hỏi lại thông tin của một trường hợp F1 vừa được đưa tới trạm. Sau khi trốn trong khu trọ, được lực lượng chức năng thuyết phục đưa đi cách ly, cậu bé vẫn còn ngơ ngác, chỉ lí nhí trả lời: “Cháu đói”.

Đưa cho cậu bé túi bánh và dây sữa để ăn lót dạ, chị Ngân động viên: “Cháu cứ bình tĩnh, cô chú chỉ hỏi han tình hình. Vào khu cách ly sẽ có đội ngũ lo ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ. Với lại, mình đi cách ly khỏe mạnh rồi lại về đi làm cho yên tâm”.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 2

Sau những cuộc điện thoại đến “cháy máy”, những tiếng tút dài là ánh mắt mệt mỏi của nữ nhân viên y tế trạm sau những đêm thức trắng. “Có những trường hợp không thể liên lạc được, chúng tôi phải nhờ công an can thiệp”, chị Ngân kể lại.

Đội ngũ công an sau khi nhận tin sẽ dựa vào danh sách đăng ký tạm trú, các cam kết của chủ nhà trọ để tìm kiếm người. Hai cụm công nghiệp hoạt động, hơn 4.000 công nhân ở trọ, 3.000 hộ gia đình địa phương… những con số tạo ra khối công việc khổng lồ cho đội ngũ chưa tới 10 nhân viên của trạm.

Những chuyến xe đêm

- "Em à, tối nay được bao nhiêu"?

- 129 F1 chị nhé, cần 2 xe đón. Chủ yếu ở phường Khắc Niệm, em sẽ gửi chị danh sách qua tin nhắn. Mọi người ăn uống đầy đủ lấy sức, đêm nay chắc lại tới 2h sáng mất.

Nghe xong những lời của nữ nhân viên đội truy vết từ đầu dây bên kia, chị Lê Thị Ngân (nhân viên y tế TP Bắc Ninh) cảm ơn rồi tắt máy. Chị chợt thở dài bởi con số 129.

Khắc Niệm là một phường thuộc TP Bắc Ninh, nơi đây có một cụm công nghiệp rất lớn, số lượng công nhân lên tới cả nghìn người. Hiện tại toàn bộ phường đã bị phong tỏa khi con số F0 lên tới 141 trường hợp. Công cuộc truy vết F1 những ngày gần đây căng thẳng, khối lượng công việc vốn nhiều, nay còn tiếp tục tăng lên. Vừa chiều nay, chị Ngân đi đón F1 để đưa vào điểm cách ly, vết hằn khẩu trang còn chưa kịp tan trên mặt.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 5

Lúc này là 19h, chị nhanh chóng thông báo cho đội xe rồi tranh thủ dùng bữa tối và đợi danh sách F1 cần đón trong buổi tối nay. Chị Ngân cùng 3 đồng nghiệp chia ra làm 2 đội xe, tất cả đều là nhân viên của Trung tâm y tế TP Bắc Ninh. Những chuyến xe này thậm chí không có giờ làm việc cụ thể bởi chỉ cần một cuộc điện thoại, dù nửa đêm hay sáng sớm, họ cũng lên đường.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 8

Rất nhanh sau đó, 2 chiếc ôtô chuyển bánh. Lúc này đã là 20h30, buổi tối, lực lượng CSGT, cảnh sát phối hợp với từng phường lập chốt kiểm tra. Người dân Bắc Ninh không ra đường sau 20h trừ trường hợp đặc biệt. Rất nhiều chốt chặn được dựng lên trên địa bàn thành phố để kiểm soát phương tiện đi lại. Nhưng có lẽ bởi đêm nào 2 chiếc ôtô chuyên chở F1 đều đi làm, đội ngũ an ninh chốt cũng vì vậy mà thành quen. Họ nhanh chóng mở rào chắn để xe qua, không quên câu chào:

- “Đội mình lại đi làm đó ạ?”.

- Vâng chúng tôi lại đi đón công dân. Phiền các anh cho qua nhé.

Anh Cường vừa cầm lái chiếc xe cứu thương vừa tranh thủ trả lời người nhân viên trực chốt.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 9
Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 12

Phần lớn các F1 đã được vận động ra trạm y tế phường, chỉ đợi 2 chiếc xe trung chuyển tới đón. Một số ít còn đang kẹt lại trong các khu trọ bị phong tỏa. Với những trường hợp này, đội của chị Ngân sẽ tới chốt chặn gần họ nhất để đón trực tiếp lên xe.

Khoang ôtô khá rộng nhưng để đảm bảo giãn cách, mỗi chuyến, anh Cường, chị Ngân chỉ đón 2-4 người. Chiếc xe phải di chuyển quay đi quay lại rất nhiều lần. Công việc vì thế cũng kéo dài tới đêm không hết. Tại điểm cách ly F1, chị Ngân làm thủ tục để bàn giao các công dân này lại cho lực lượng quản lý. Những công dân này được khử khuẩn toàn thân và đồ đạc trước khi vào khu cách ly.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 13

Hết việc, chị Ngân nhìn quanh xem mấy giờ nhưng chẳng có chiếc đồng hồ nào quanh mình. Chỉ biết lúc này, ngoài trời đã tối đen như mực. Thay đồ bảo hộ rồi trở về phòng làm việc tại Trung tâm y tế TP Bắc Ninh, chị bắt đầu chợp mắt. Giấc ngủ đến với nữ nhân viên y tế nhanh chóng sau một đêm làm việc vất vả. Trong căn phòng chừng 20 m2, đèn điện vẫn còn bật sáng. Chiếc điện thoại chị Ngân đặt ngay cạnh giường: “Khi nào có việc gấp, anh em có gọi tôi còn đi luôn”, chị nói.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 16

Cuộc tầm soát hàng đêm và giọt mồ hôi phía sau lớp áo bảo hộ

“Đến đàn ông sức dài vai rộng như anh em chúng tôi còn lả cả ra, huống gì các chị em”, câu nói của anh Vũ Minh - nhân viên lấy mẫu xét nghiệm được tăng cường từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - sau một buổi tối hoàn thành công việc lấy mẫu xét nghiệm. 607.804 là con số thống kê lượng mẫu bệnh phẩm đã lấy trên địa bàn toàn tỉnh. Những hôm căng thẳng, số mẫu được đưa về CDC Bắc Ninh có thể lên tới hơn 30.000 mẫu/ngày.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 17

Đã một tháng nay, TP Bắc Ninh là điểm “nóng” của dịch bệnh, còn bên ngoài trời nắng như đổ lửa. Hàng loạt nhân viên lấy mẫu sốc nhiệt, họ lả đi trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Toàn đội phải lùi thời gian lấy mẫu từ ban ngày sang buổi tối. Điều đó đồng nghĩa rằng có những ngày, công việc của họ đến 0h vẫn chưa kết thúc.

18h30, nhà văn hóa thôn Hộ Vệ (xã Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh) đông nghịt, người dân xếp hàng, ngồi theo từng dãy ghế giãn cách. Lúc này, mặt trời đã lặn. Những cơn gió mát từ ngoài cánh đồng thổi vào là “chiếc điều hòa” duy nhất cho 40 nhân viên y tế đang trùm kín người trong những bộ đồ bảo hộ sinh học. Họ chuẩn bị bắt tay vào công việc ngày hôm nay là lấy 2.800 mẫu bệnh phẩm toàn thôn.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 20

Thảo, Hòa, Duyên, Hân, Trọng… những cái tên ngắn được viết vội lên bộ áo bảo hộ để tiện cho việc nhận diện. Họ dùng những đôi dép lê để tránh nóng, những chiếc túi nylon để bọc chân… được tận dụng, tạo thành “bộ giáp” hoàn chỉnh cho những người lính bước vào cuộc chiến.

“Đề nghị bà con giãn cách, đeo khẩu trang ra nhà văn hóa lấy mẫu theo thời gian đã hẹn”, chiếc loa phát thanh liên tục thông báo đến người dân. Để đảm bảo an toàn, tránh tụ tập đông người, ban quản lý chia người dân ra lấy mẫu theo từng xóm. Công việc lấy mẫu cũng vì thế trở nên nhịp nhàng hơn nhiều.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 23

- "Chị nghe bác sĩ hướng dẫn, đầu tiên ôm con vào lòng, quay lưng vào bác, chân kẹp chặt, 2 tay vòng ra phía trước cố định người cháu. Em sẽ lấy nhanh thôi, chị cố gắng giữ cháu cho chắc" - Vị bác sĩ dừng tay, chậm rãi hướng dẫn phụ huynh trước khi tiến hành lấy mẫu cho những em bé.

- "Bác sĩ ơi có đau không ạ?". Cô bé 8 tuổi rơm rớm nước mắt, ngước nhìn bác sĩ đang kín mít trong bộ đồ giống như phi hành gia với chiếc que lấy mẫu trên tay.

- Bác sẽ nói thật với con, có đau. Nhưng bác hứa sẽ lấy nhẹ. Con đếm từ 1 đến 3 cùng bác là sẽ xong ngay thôi.

- Vâng, con sẽ đếm - Cô bé nhỏ nhẹ đáp lại rồi ngửa đầu lên để lấy mẫu sau câu nói của bác sĩ.

Những cuộc đối thoại chỉ diễn ra trong giây lát nhưng lúc nào cũng đủ ân cần và đầy ắp sự tin tưởng. Họ luôn đủ bình tĩnh, nhẫn nại, mặc cho phía sau lớp bảo hộ, những dòng mồ hôi vẫn đang túa ra như tắm. Chiếc khẩu trang dày cộp thắt chặt trên mặt khiến họ phải cố gắng nói to hơn để mọi người nghe rõ.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 24

Kết thúc cuộc lấy mẫu đêm, chị Nguyễn Thu Thảo ngồi ra một góc. Gương mặt chị đỏ bừng sau lớp kính bảo hộ. Đầu chị bắt đầu quay cuồng vì choáng. Chân cũng đứng không còn vững nữa. Cũng may công việc đã hoàn tất.

- Chị uống lấy chai nước mát cho tỉnh táo.

Một bạn tình nguyện viên đặt chai nước mía xuống cạnh chị Thảo rồi nhanh chóng dời đi để đưa tiếp cho những người khác. Số nước này được một cơ sở sản xuất tặng cho đoàn lấy mẫu để họ hồi sức sau những đêm làm việc liên tục.

Tam dich Bac Ninh,  cuoc chien khong ngay dem anh 27

Người dân, tình nguyện viên, đội y tế, người ủng hộ… đều không quen biết nhau. Nhưng một sợi dây vô hình nào đó như đang kết nối họ lại, tạo ra một tinh thần đoàn kết và đùm bọc.

Hoàn thành buổi lấy mẫu, lúc này những nhân viên y tế mới dám cởi bỏ bộ "áo giáp" của mình. Họ lấy ra những túi chườm lạnh đã nhét trong người hoặc đứng thốc phía quạt để lấy chút hơi mát hiếm hoi khi toàn thân họ đã ướt đẫm.

 

“Y tế, an ninh, dân phòng, tình nguyện, rồi hàng trăm hàng nghìn người hỗ trợ từ các tỉnh… tất cả chúng tôi đã bước chân vào cuộc chiến và đang dốc toàn lực để giành chiến thắng trong lần này. Hãy tin tưởng chúng tôi để cùng nhau đoàn kết”, chị Thu Thảo nói.

Những người hùng 'dép tổ ong' ở tâm dịch Bắc Ninh ảnh 33

Theo zingnews.vn
back to top