Những người đi xuyên rừng

Cái đáng sợ nhất khi đối mặt với rừng già là gió Lào, ruồi vàng, bọ chó, những đám cháy rừng theo kiểu xoắn ốc, lửa tạt tứ bề. Rồi những ngày đi bộ mang vác theo hành lý…” – những điều Nguyễn Thành Vinh – Trạm Phó trạm kiểm lâm Púng Luông (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) ám ảnh nhất. Bất chợt, anh Vinh đổi giọng tươi hẳn lên, “nhưng vài hôm không đi lại thấy nhớ cái cảnh đẹp lung linh của núi rừng ấy chứ…”

Cỏ nhồi lốp xe – sáng tạo lạ từ thực tế

Cảnh đẹp của núi rừng anh Vinh nhắc đến, nhiều lần hiện ra trước mắt chúng tôi khi xe vòng lên đỉnh đèo Khau Phạ rồi lang thang nhiều cánh rừng cùng kiểm lâm. Những thung lũng mây trắng bồng bềnh, ấp e dãy núi, chốc chốc lại có người xin anh tài dừng xe vài phút để chụp ảnh.

Mở đường băng cản lửa, chống cháy rừng ở Mù Căng Chải.

Hôm đoàn chúng tôi ghé thăm trạm kiểm lâm Púng Luông, anh Vinh vắng mặt, hình như buổi đó anh xuống trung tâm Hạt họp.Anh V inh lớn lên ở vùng quê “sáng thức dậy, núi đã dầy trong mắt”. Anh từ biệt vợ con và gia đình, ngược 200km lên với các đỉnh núi của Mù Căng Chải làm nhiệm vụ bảo vệ “lá phổi xanh” của đất nước.

8 năm gắn bó với những vạt rừng, những con dốc thăm thẳm, những lối mòn xuyên giữa đỉnh đèo. Nắng, gió Lào đến nghẹt thở. Tuy nhiên, màu xanh của cây rừng, màu trắng của mây đã làm tâm hồn anh quên đi cái khắc nghiệt và gắn bó với rừng từ lúc nào không hay. Hiện anh là Trạm phó (chưa có Trạm trưởng) trạm kiểm lâm Púng Luông, cùng với 6 đồng chí khác thay nhau canh giữ rừng.

Anh Vinh nhớ nhất lần đi kiểm tra vào vùng lõi khu rừng bảo tồn xã Chế Tạo. Xã Chế Tạo vào loại xa xôi nhất của huyện xa xôi nhất tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm huyện chỉ 35km thôi, nhưng anh em vẫn an ủi nhau, vượt qua chặng ấy là lập được chiến công hơn cả đi ròng 300km dưới xuôi, ấy là chưa nói đoạn vứt xe ở bìa núi đi bộ vào sâu bên trong các khu rừng đặc dụng nguyên sơ nhất.

Chiếc xe Wave của anh lúc đó như nàng tiểu thư đi bộ cũng đau chân, chứ không khỏe như mấy anh Win (xe win) quen leo dốc đèo sau này. “Chị” Wave gặp phải đường đá sỏi gồ ghề thì thủng lốp, dập săm, lúc ấy thì người phải… hầu xe rồi. Đoàn kiểm tra hôm ấy có 7 người, đường quá hiểm trở, xe hỏng gần hết lượt, ai cũng nóng ruột vì đoạn đường còn xa. Anh Vinh chợt nghĩ ra cái mẹo, nhét cỏ vào lốp xe, bắt chước bà con người Mông. Đó cũng là lần đầu tiên anh thử nghiệm “phương pháp” chưa thể hình dung ra kia.

Quả nhiên có hiệu quả. “Nghĩ ra việc nhét cỏ vào lốp xe, ấy là kinh nghiệm của bà con người Mông, anh em tuần tra người ta nghĩ ra rồi mách bảo mình thôi. Đúng là sáng tạo rất thông minh trong hoàn cảnh hết nước cứu của chúng tôi!” – Anh Vinh thành thật.

Xe đi được vào trong bản, anh Vinh buộc phải thay săm, nhưng khổ nỗi, bà con chỉ có săm xe Win, không có săm cho “chị” Wave yểu điệu. Nhưng nhét cỏ thì đi nặng nề, chậm chạp, nên đành cơi nới cho cái săm xe Win vào trong vành xe Wave để đi tạm. “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”, đường lại dốc đá lởm chởm, nó tàn phá lốp xe của anh chẳng mấy chốc lại xẹp hơi.

Bữa đó, tối lắm cả đoàn mới về đến hạt. Hạt trưởng thương quá, ra sức mời anh Vinh và mọi người ở lại ăn cơm với cơ quan. Đồng chí ấy quá thương cho anh em vừa vượt qua con đường khổ ải “đoạn trường”. Các đồng nghiệp mời 3 lần nhưng anh Vinh vẫn từ chối, vì anh muốn tranh thủ về thăm gia đình. “Đi nhiều ngày trong rừng không liên lạc được gì nên nhớ vợ con khủng khiếp. Cũng lại lo nữa, vợ con nheo nhóc ngồi hóng chồng vào nơi gian khổ và không ít hiểm nguy…”.

Từ chối được lời mời, “nhưng về đến giữa đường thì đá hộc, đá nhọn lại khiến xe nổ lốp tiếp đồng chí ơi!”, giọng anh Vinh sầu thảm. Lúc ấy, anh chẳng buồn nhét cỏ nữa, cứ thế khật khừ về đến nhà lúc đồng hồ đã điểm… nửa đêm.

Rừng không còn tiếng vượn hót thì buồn lắm đấy

Nhiệm vụ bảo vệ rừng ở Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải rất vất vả, cán bộ ít, địa bàn hiểm trở, rừng lại trải rộng trên 13 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên hơn 80.000ha. Diện tích rừng toàn huyện hiện nay là 79.000ha, độ che phủ của rừng là 65%, rừng tự nhiên còn khoảng 40.000ha. Gồm 3 loại rừng: Rừng bảo vệ sinh cảnh, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Anh Sùng A Rùa và những cung đường tuần rừng không thể nào quên. Ảnh: TTH

Trung bình mỗi kiểm lâm phải “để mắt” tới hơn 3.000ha rừng. Có những đám cháy rừng mà kiểm lâm chỉ biết đứng nhìn từ xa, vì đám cháy ở lưng chừng vách núi, mở đường lên đến nơi thì đã… cháy hết sạch từ lâu. Có những cung đường, đi chưa tới đích đã phải quay lại vì nguồn lương thực dự trữ cạn kiệt.

Có khi phát hiện ra đội quân lâm tặc đông, lại rất manh động, chúng đốn hạ gỗ ở nơi địa hình hiểm trở, đi bộ cả ngày lên đến nơi thì chúng chạy tám đời rồi. Đôi khi chỉ có thể theo dõi, gạt nước mắt nhìn rừng bị đốn hạ, đến lúc chúng đưa gỗ xuống đoạn đường dễ đi thì phục kích bắt giữ. Vẫn biết như thế là không ổn, nhưng với tình trạng hiện nay, anh em không biết phải làm sao để ngăn chặn tận gốc.

Có những kiểm lâm dưới xuôi lên, chưa quen với gió Lào, ruồi vàng, bọ chó, cơ địa yếu, bị phồng rộp toàn thân, mất nước, thiếu dinh dưỡng, cộng thêm mệt vì leo dốc… Những chuyện đó diễn ra thường xuyên trong các chuyến đi rừng.

Các kiểm lâm viên được cử luân phiên nhau giữa các trạm, Hạt kiểm lâm Mù Căng Chải có 4 trạm, mỗi trạm 6 đến 7 cán bộ. Trong đó có 2 hoặc 3 đồng chí là người địa phương, thông thạo địa hình và làm luôn “phiên dịch” khi các đồng chí miền xuôi trò chuyện với bà con người Mông sở tại. Đây cũng là điều kiện quan trọng để cán bộ giữ rừng hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của bà con trực tiếp gắn bó với rừng, tham gia giữ rừng và bảo vệ chính cán bộ kiểm lâm.

Ví như, anh Sùng A Rùa là nhân viên bản địa của trạm kiểm lâm Púng Luông, 35 tuổi, người dân bản Tà Đông, xã Chế Tạo. Anh vào trạm đã 5 năm, ngoài giúp việc cho trạm, anh còn phối hợp với các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ động vật hoang dã (như WWF, FFI) để bảo vệ những giống loài quý hiếm, nằm trong sanh sách đỏ. Thời gian anh Rùa ở rừng nhiều hơn ở thị trấn, có đợt anh đi cả nửa tháng trong rừng.

Ăn bằng thức ăn dự trữ, túi ngủ được các tổ chức phi chính phủ cấp. Nhiều kỷ niệm ấm lòng anh Rùa không bao giờ quên. Cũng có khi, chỉ là xúc cảm mơ màng “mỗi lần đi kiểm tra trong khu bảo tồn, nghe chim kêu, vượn hót thì vui lắm. Vượn đen tuyền chỉ có ở nơi này, cả thế giới tôn trọng thiên nhiên giàu có quê tôi.

Nếu không bảo vệ được thiên nhiên hoang dã, phụ lòng những người bạn từ nhiều quốc gia xa xôi đến đây làm bảo tồn, tôi sẽ rất xấu hổ”, anh Rùa nói. “Bản thân đi kiểm tra gặp những đàn vượn đen tuyền thì tôi hãnh diện lắm. Có khi, vì người dân chưa hiểu pháp luật nhiều, họ thấy đẹp mắt thì bắt về nuôi hoặc giết thịt, mình biết thì tuyên truyền cho họ.

Tôi nói là: mọi người nhìn trông như thế thôi, chứ loài này quý hiếm thế này, đang được bảo vệ thế này, trong danh sách đỏ của Việt Nam và thế giới thế kia, cho nên phải bảo vệ. Mình giải thích, truyên truyền cho bà con hiểu để bà con bảo vệ rừng và động vật rừng cùng mình chứ”.

Đồng chí Lê Văn Hùng – Hạt phó Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải – cũng là người có nhiều chuyến xuyên rừng đầy ám ảnh. Hồi anh đi, điều kiện trang bị chưa được như bây giờ, đường xá, nhất là đường quốc lộ cũng chưa đẹp. Anh là người miền xuôi lên, nên gió Lào cũng là thứ anh vô cùng… sợ. “Gió Lào khô như lóc da thịt ra. Mùa gió Lào thì chúng tôi càng phải tăng cường trực chống cháy rừng. Vì đây là thời điểm rừng dễ bốc cháy nhất. Cái sợ thứ hai là đường mòn trên đỉnh núi, chẳng may trượt chân là lao xuống vực, mất mạng ngay tức khắc. Chỉ 1 phút lơi là, lâm tặc xông đến, ngọn lửa hanh khô bốc cao, là bao năm gìn giữ báu vật rừng bỗng tan biến”.

Leo núi cùng những “người đi xuyên rừng”, mới hiểu, trong rừng xanh Mù Căng Chải ấy, mỗi nhành cây, ngọn lá dường như còn được tưới tắm bởi cả mồ hôi những chiến binh bảo vệ màu xanh sự sống kia…

Tâm Ninh

(theo Lao Động)

Theo Đời sống
back to top