Những người “bám” nghề tò he

Cầm chiếc tò he trên tay, mấy ai biết

Nghệ nhân Chu Văn Chiến truyền cảm hứng chơi tò he cho những em nhỏ trên phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lạc mất thú chơi tò he trong cuộc sống hiện đại

Những ngày cuối tuần trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm thời gian gần đây, bỗng nhiều người chợt thổn thức, bồi hồi khi thấy món quà tuổi thơ hiện hình ngay trước mắt. Những con vật, bông hoa, cây cỏ, nhân vật hoạt hình đa dạng màu sắc đứng hiên ngang trên một thanh tre khiến kí ức của một thế hệ người thủ đô chợt sống dậy. Thời thơ bé, họ được bố mẹ cho đi công viên chơi rồi chọn mua một chiếc tò he nhỏ bé mang về trưng bày trên bàn học hoặc trong tủ kính để đồ lưu niệm.

Mỗi khi dạo một vòng trên phố đi bộ, hẳn nhiều người sẽ thấy cảnh những nghệ nhân đang tỉ mẩn nặn tò he dưới ánh đèn bàn le lói. Nhiều người mới sực tỉnh về một món quà thơ trẻ đang dần vụt qua cuộc sống xô bồ này.

Thu mình một góc nhỏ trên phố đi bộ, gần khu vực cầu Thê Húc, những nghệ nhân làm to he thuộc nhiều độ tuổi đến từ làng nghề truyền thống Xuân La – Phú Xuyên từ tối thứ sáu đến tối chủ nhật nào cũng có mặt đông đủ để nặn và bày bán những chiếc tò he với đủ hình thù. Những màu xanh, đỏ, tím, vàng rực rỡ nhất của bột đất nặn làm từ gạo nếp được đôi bàn tay thợ thủ công nhào nặn rồi tô điểm cho những chi tiết của từng món đồ chơi nhỏ bé.

Nghệ nhân Chu Văn Chiến (53 tuổi) chia sẻ rằng: Một con tò he chỉ mất 10 – 20 phút để hoàn thiện, tùy thuộc vào độ khó của mỗi mẫu vật. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn cả mà nghệ nhân Chiến nhấn mạnh vẫn là óc tưởng tượng. Chỉ có sự tưởng tượng phong phú mới khiến đôi bàn tay trở nên linh hoạt hơn trong việc sắp xếp các chi tiết và cấu tạo nên một sản phẩm đẹp mắt thu hút mọi người.

Với đôi bàn tay khéo léo và có sự rèn rũa từ thuở nhỏ bởi những lớp người đi trước, nhiều nghệ nhân tò he thuộc thế hệ sau của ông Chu Văn Chiến đã thành thạo công việc này để có thể mang tò he đi quảng bá và bày bán khắp nơi. Mỗi chiếc tò he là sự kết hợp của nhiều loại màu sắc khác nhau, thường khiến trẻ em rất thích thú vì vẻ ngoài lộng lẫy, bắt mắt như vậy. Do đó, các nghệ nhân làm tò he trên phố đi bộ vẫn thường nói với nhau rằng: “Nghề làm tò he là nghề mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Nếu chúng không thiết tha nữa thì chính tò he cũng buồn mà người nhào nặn càng buồn hơn”.

Trên thực tế, những người làm tò he vẫn cảm thấy bất lực trước sự quay lưng của trẻ em hiện đại bây giờ. Cũng như nhiều nghề thủ công khác mang lại tiếng cười, niềm vui cho trẻ nhỏ như nghề làm đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi…, nghề làm tò he đang phải đối mặt với sự im lặng kéo dài của công chúng. Tuy thế, những người con sinh ra tại ngôi làng “ăn đời ở kiếp” với tò he vẫn thầm lặng giữ nghề dù những buổi tối trên phố đi bộ, sản phẩm họ bán ra chẳng được là bao.

Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Thuyên (24 tuổi) nói rằng: “Là một người trẻ, mình có thể lựa chọn một công việc năng động như bao bạn đồng trang lứa khác. Tuy nhiên, nghề làm tò he lại có sức hấp dẫn rất riêng khiến mình lựa chọn nối tiếp nghiệp cha ông để lại”.

Ở những con người đang giữ nghề thầm lặng ấy, ngay cả những ngày tò he làm ra chỉ để trưng bày mà không có khách mua, họ vẫn kiên trì với công việc. Đó chính là hành trình gìn giữ và truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ của làng nghề truyền thống, hành trình của sự hi vọng vào một tương lai sáng hơn cho những chiếc tò he nhỏ bé.

Một chiếc tò he có giá khoảng 20 – 50 ngàn đồng, tùy kích cỡ và chất liệu.

Đổi mới để giữ nghề

Nghệ nhân Chiến tâm sự rằng, nghề làm tò he đã không còn huy hoàng. Cuộc sống của người nghệ nhân cũng trở nên khó khăn hơn, nhưng ai cũng muốn giữ nghề. Những người như ông cũng phải nhạy bén, thức thời.

Trước kia, nguyên liệu để làm tò he là bột nếp được cô đặc, nhưng hiện nay, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng mà tò he có thể được làm bằng đất sét Nhật Bản. Do đó, giá thành một chiếc tò he nhưng có nguyên liệu khác nhau cũng chênh lệch khá nhiều.

Khi hỏi về một chiếc tò he mô phỏng nhân vật hoạt hình nổi tiếng, nghệ nhân Chiến nói rằng giá của nó nếu được làm bằng đất nặn truyền thống chỉ khoảng 20 – 30.000 đồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng đất sét Nhật Bản, mức giá có thể tăng gấp đôi, gấp rưỡi phụ thuộc vào kích thước, khối lượng của chiếc tò he ấy. Tuy giá thành cao nhưng tò he được làm từ đất sét Nhật Bản lại được nhiều người ưa chuộng hơn vì bền đẹp và có nhiều màu sắc đa dạng.

Nghệ nhân Đặng Văn Thuyên nhấn mạnh rằng việc “kết nạp” thêm đất sét Nhật vào làm tò he được coi như một cuộc cách mạng lớn giúp tò he sống dậy. Chất lượng của đất sét Nhật Bản đã được kiểm chứng ở nhiều món đồ khác nhau nên khi tò he được nặn từ loại nguyên liệu này, dù giá cả cao hơn nhưng người dân không ngần ngại bỏ thêm vài chục nghìn đồng để mua chúng. Trước kia, chiếc tò he được nặn từ bột gạo nếp thường bị kiến ăn hoặc có mùi khó chịu nếu thời tiết nóng bức và tuổi đời rất ngắn. Hiện nay, đất sét Nhật Bản đã khắc phục được nhược điểm ấy nên khi mua một chiếc tò he về, mỗi em nhỏ có thể chơi lâu hơn.

Không chỉ về mặt nguyên liệu, các nghệ nhân làm tò he còn luôn phải tiếp cận với những bộ phim hoạt hình mới, nổi tiếng để có thể mô phỏng lại những nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích. Chỉ có như vậy, tò he mới được các em yêu quý và thích thú nhiều hơn. Do đó, nghệ nhân làm tò he cũng phải cập nhật các thông tin thường xuyên, đổi mới tư duy và sáng tạo không ngừng.

Trên phố đi bộ hiện nay, những người dân có thể thấy các mẫu mã tò he vô cùng đa dạng. Mỗi gian hàng của mỗi nghệ nhân là một siêu thị nhỏ, cả một dãy bày bán tò he trở thành một “trung tâm thương mại tò he sầm uất” với nhiều sản phẩm rực rỡ sắc màu. Vì thế, các em nhỏ vui chơi qua đây thường chạy quanh một vài vòng để chọn lựa, tìm kiếm trước khi mua được cho mình một chiếc tò he ưng ý nhất.

Hơn thế nữa, các nghệ nhân cũng tổ chức dạy làm tò he ngay tại khuôn viên trên phố đi bộ để bất cứ ai – dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng có thể trải nghiệm với nghề thủ công truyền thống này. Khách hàng có thể yêu cầu nghệ nhân chỉ dạy những bước quan trọng hoặc tự mình mày mò, sáng tạo. Ở những chiếu thực hành nặn tò he, rất nhiều gia đình nhỏ cùng nhau quây quần tại đây để cha mẹ chỉ cho các bé cách thức nặn đất và sáng tạo nên một hình thù mà các em yêu thích.

“Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn phải nỗ lực để sáng tạo sản phẩm. Chẳng hạn như tìm hiểu những nhân vật hoạt hình mới, đổi mới chất liệu nặn và tăng cường tiếp thị để sản phẩm trở lại với cộng đồng, với những giá trị văn hóa cha ông”, nghệ nhân Nguyễn Văn Đạo cho biết.

Song Dương

Theo Đời sống
back to top