Những món quà từ mỗi vùng đất

i tới mỗi miền quê, tôi thường có thói quen mang theo về một thứ đặc sản của vùng đó, không thì ít ra cũng phải là một vật gì đó thật đặc biệt để làm kỷ niệm. Một nắm cát màu cam từ Mũi Né, chai nước trong veo lấy từ suối Lenin ở Pác Bó (Cao Bằng), chiếc vỏ ốc nhặt từ biển, cái lá cây từ rừng Bạch Mã…

Những đồ vật nhỏ thôi, nhưng là đặc trưng của mỗi vùng đất mà ta đã đến sẽ trở thành một phần kỷ niệm không thể thiếu của mỗi chuyến đi.

Nhưng khổ nỗi, nhiều khi đến rồi mà chả biết mang gì về, vì những đồ lưu niệm, đồ đặc sản đều cứ na ná như nhau. Thì cũng đều là dây đeo chìa khóa, con búp bê gỗ, vòng nhựa, mấy thứ đồ chơi (buồn một nỗi lại là hàng Trung Quốc) mà từ chùa Hương cho đến Nha Trang, TP HCM đều bán cả.

Có lần chúng tôi đã đi khắp khu phố Cầu Mây ở Sa Pa để tìm một hình gì có chữ Sa Pa mà không thấy, chỉ thấy hình chùa Một cột, tháp Rùa của Hà Nội, cầu Tràng Tiền của Huế…

Cứ nghĩ, sao người ta có thể lười suy nghĩ đến vậy, chỉ biết nhập về rồi bán những thứ vô nghĩa và nhàm chán như thế. Sao không tìm xem quê mình có cái gì đặc trưng để giới thiệu với du khách.

Phải là người vô tình, thờ ơ, thiếu óc sáng tạo, thiếu tình yêu với quê hương mình thì mới nói quê tôi chẳng có gì cả. Bởi một gốc cây, ngọn cỏ, một góc rừng, một con suối, một ngọn núi hay dòng sông… đều có những vẻ đẹp riêng. Mà nếu ta biết nhìn ra, biết nâng nó lên thành một thứ đặc biệt, thì đều có thể trở thành hình ảnh đại diện cho quê mình.

Như cái hoa tam giác mạch ấy, chỉ là thứ cây lương thực của người nghèo có từ bao đời rồi, vậy mà giờ đã trở thành biểu tượng của Hà Giang. Để cứ đến mùa hoa tam giác mạch, khách du lịch lại đổ về đây đông đến tắc cả đường.

Thế nên đợt vừa rồi tới Đất Mũi (Cà Mau) rất vui khi mua được chiếc khăn rằn và những đôi đũa được làm từ gỗ đước, loài cây đặc trưng của vùng đất này. Chỉ là những món quà nhỏ thôi, nhưng rất có ý nghĩa vì nó là biểu tượng của Đất Mũi, không thể lẫn với nơi nào khác được.

Đũa gỗ đước, món quà lưu niệm của Đất Mũi (Cà Mau)

Mua rồi mà lòng còn tràn đầy biết ơn người đã biến cây đước thành một món quà ý nghĩa như thế.

Phải yêu, phải thiết tha với quê hương mình thì sẽ có rất nhiều việc để làm.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top