Những kính thiên văn lớn nhất thế giới

(khoahocdoisong.vn) - Ngày nay, những kính thiên văn mà bạn có thể mua để quan sát tại nhà, chụp ảnh các tinh vân, cụm sao hay thậm chí kể cả những đài thiên văn cỡ nhỏ đều gần như chỉ hoàn toàn phục vụ việc giải trí. Những kính thiên văn mang lại thông tin cho chúng ta về vũ trụ đều rất lớn với những trang bị rất hiện đại, phức tạp.

Hình ảnh dưới đây (lấy từ Wikimedia) là một mô phỏng đơn giản để bạn có thể hình dung về kích thước của những kính thiên văn lớn nhất thế giới hiện đang hoạt động hoặc đang trong quá trình xây dựng. Thời điểm dự kiến của một số kính trong ảnh ban đầu không còn chính xác vì gần đây một số đã bị trì hoãn, do đó thông tin đã được sửa lại so với ban đầu của Wikimedia.

Hình ảnh mô phỏng các loại kính thiên văn.

Hình ảnh mô phỏng các loại kính thiên văn.

Hình tròn lớn nhất, lớn đến nỗi không có chỗ vẽ đủ vòng tròn mà chỉ có một phần, được đặt phía sau tất cả những hình ảnh khác và có màu trắng mô phỏng kích thước của kính thiên văn vô tuyến thuộc Đài Quan sát Arecibo ở Puerto Rico. Nó có đường kính là 305m và là kính thiên văn lớn nhất thế giới hiện nay. Tất cả những kính còn lại đều là kính quan sát chủ yếu bước sóng biểu kiến và hồng ngoại hoặc cận hồng ngoại. Các gương quang học này khó chế tạo hơn nhiều so với chảo kim loại của kính Areccibo, do đó, chúng đều bé hơn nhiều. Tất cả các kích thước ở đây đều được đặt đúng tỷ lệ để so sánh được chính xác. Ở hai góc dưới bạn có thể thấy hình ảnh mô phỏng kích thước của một sân tennis và một sân bóng rổ. Phía trên sân bóng rổ một chút có một hình người đại diện cho kích thước trung bình của một con người. Qua đó chúng ta có thể dễ dàng hình dung độ lớn của những tấm gương này.

Vòng tròn lớn thứ hai (và là vòng tròn lớn nhất có đủ vòng) được tô màu trắng đục là một dự án đã bị tạm hủy của ESO (viết tắt của European Southern Observatory - Đài Quan sát của châu Âu ở Nam bán cầu). Dự án không thể thực hiện này có tên là Overwhelmingly Large Telescope (Kính thiên văn lớn áp đảo). Dự án này hướng tới việc xây dựng một đài quan sát với gương chính có đường kính 100m. Việc chế tạo này quá phức tạp và tốn kém nên ESO đã tạm hủy bỏ kế hoạch này để đầu tư vào dự án khác là Extremely Large Telescope (kính thiên văn siêu lớn – ETL).

ETL sẽ có đường kính gương là 39,3m và may vậy nó sẽ là kính thiên văn quang học/hồng ngoại lớn nhất từng có trong lịch sử.

Theo dự kiến của ESO, đài quan sát này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024. Nó được xây dựng trên đỉnh Cerro Amazones ở sa mạc Atacama, Chile. Trong hình, bạn có thể thấy nó là khối lớn màu xanh lá cây được ghé thành từ rất nhiều gương lục giác nhỏ hơn.

Gương lớn thứ hai trong hình mà bạn có thể nhìn thấy được vẽ ngay phía trên của ELT. Đó là kính TMT (Thirty Meter Telescophe - kính thiên văn 30 mét). Dự án này được thực hiện nhờ hợp tác của nhiều cơ sở nghiên cứu tại Mỹ và sẽ được đặt trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii. Theo ước tính cho tới năm 2018, Đài Quan sát TMT sẽ đi vào hoạt động năm 2027.

Một dự án khác cũng rất lớn đang được thực hiện là việc xây dựng kính thiên văn khổng lồ Magellan (GMT). Đây là một tổ hợp gồm 7 gương thành phần, mỗi gương có đường kính 8,4m, khi kết hợp lại tương đương với một gương 24,5m. Theo dự kiến, hệ thống này sẽ bắt đầu hoạt động vào khoảng năm 2022 - 2025.

Cũng trong hình ảnh này, bạn có thể thấy những kính thiên văn nhỏ hơn đang hoạt động như SALT ở Nam Phi, hai kính thuộc Đài Quan sát Kech ở Mauna Kea (Hawaii), kính GTC Tây Ban Nha hay hệ thống 4 kính VLT của ESO ở Chile.

Trong khi các kính mặt đất rất lớn thì việc đưa một khối lượng lớn lên không gian và bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển và lắp đặt là rất khó. Do vậy, các kính thiên văn không gian có kích thước tương đối khiêm tốm. Kính thiên văn không gian Hubble rất nổi tiếng có đường kính gương chính là 2,4m trong khi kính James Webb được dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020 gồm nhiều gương lục giác ghép lại sẽ có tổng đường kính gương là 6,5m. James Webb sẽ là kính thiên văn không gian lớn nhất trong lịch sử.

Lợi thế lớn của các kính thiên văn không gian là có thể thu được ánh sáng chân thực hơn do ánh sáng đó không đi qua khí quyển trái đất và xảy ra những hiện tượng như khúc xạ, tán xạ, tán sắc... Mặt khác kính không gian có được vị trí thuận lợi để bao quát được phạm vi bầu trời lớn hơn. Vì lý do đó, việc quan sát và thu thập dữ liệu của vật lý thiên văn hiện đại cần được kết hợp sức mạnh của cả các đài mặt đất và các kính thiên văn không gian.

Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam)

Theo Đời sống
Cách sử dụng tính năng nhắc giờ đi ngủ trên iPhone

Cách sử dụng tính năng nhắc giờ đi ngủ trên iPhone

Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với tình trạng sức khỏe tổng thể. Ứng dụng Sức khỏe trên iPhone có thể giúp bạn đặt mục tiêu ngủ và theo dõi tiến trình theo thời gian để đạt được mục tiêu đó.
back to top