Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới?

Không nhất thiết đến cuối tháng 9, có thể có những địa bàn, những ngành nghề nếu đủ điều kiện sẽ được mở lại dần tùy theo tình hình, mức độ của dịch bệnh", Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.

Lãnh đạo UBND TPHCM đã chính thức công bố việc tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn sau ngày 15/9, nhằm đạt những kết quả ổn định, đảm bảo sự an toàn cần thiết trước khi khôi phục lại hoạt động nền kinh tế. Đợt giãn cách tiếp theo của thành phố dự kiến sẽ kéo dài thêm 2 tuần.

Tuy nhiên, với những dấu hiệu khả quan về tình hình dịch tễ thời gian gần đây, thành phố đã từng bước tính toán để khởi động lại một số hoạt động, dịch vụ trong giai đoạn ngắn hạn sau ngày 15/9.

Trong thực tế, sau ngày 6/9, TPHCM đã từng bước tạo tiền đề tiến tới giai đoạn "bình thường mới" ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. 

"Thành phố sẽ tính toán để mở lại những hoạt động tùy theo tình hình, mức độ của dịch bệnh. Có thể có những địa bàn, những ngành nghề nếu đủ điều kiện sẽ được mở lại dần, không nhất thiết phải đợi hết tháng 9", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh về phương châm: "an toàn mới mở lại, mở lại phải an toàn" của thành phố.

Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới? - 1

Đợt giãn cách tiếp theo của thành phố dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 9 (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Khôi phục nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân

Nửa đầu tháng 7, cả 3 chợ đầu mối của TPHCM đồng loạt đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh khi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 liên tiếp. Là nguồn cung chính cho toàn địa bàn, khi còn hoạt động, 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức cung ứng cho các tiểu thương, chợ truyền thống, chợ dân sinh tại các quận, huyện, phường, xã hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm mỗi ngày.

Sau hơn 2 tháng đóng cửa các chợ đầu mối, ngày 13/9, Sở Công Thương đã có công văn gửi các quận, huyện, đơn vị quản lý chợ về việc chuẩn bị cho công tác mở cửa hoạt động lại các chợ đầu mối trên địa bàn. Các đơn vị quản lý chợ được yêu cầu cho ý kiến góp ý về dự thảo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trước khi chính quyền thành phố cho phép mở cửa hoạt động 3 khu chợ trên.

Việc chuẩn bị cho các chợ đầu mối hoạt động trở lại mang ý nghĩa lớn trong việc giải quyết nguồn cung hàng hóa cho người dân thành phố trong thời gian tới. 

Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới? - 2

Khi chợ đầu mối hoạt động lại, vấn đề nguồn cung hàng hóa cho người dân sẽ được giải quyết.

Cụ thể, kênh phân phối mà người dân TPHCM dễ dàng tiếp cận nhất là chợ truyền thống gần như đã ngừng hoạt động suốt thời gian qua vì dịch Covid-19. Tại nhiều buổi họp, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hay ngưng hoạt động hình thức này, việc các chợ ngưng hoạt động là do phát hiện ca mắc Covid-19; các chợ cũng chưa đáp ứng được tiêu chí an toàn để mở cửa.

Như vậy, khi các chợ đầu mối được mở cửa trở lại, nguồn cung hàng hóa cho các khu chợ nhỏ khác sẽ được khôi phục. Khi tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến khả quan và các chợ truyền thống đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch, người dân tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ dễ dàng tiếp cận với cách thức mua hàng trước đây.

Shipper sẽ được chạy liên quận

Tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 13/9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, dự kiến từ 16/9 thành phố sẽ cho phép shipper hoạt động liên quận nếu đáp ứng được các tiêu chí an toàn. Việc mở rộng phạm vi hoạt động của các shipper sẽ giúp giảm chi phí đặt hàng đối với người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho lực lượng này đến hết tháng 9.

Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới? - 3

TPHCM tạo điều kiện để các shipper hoạt động trở lại theo cách an toàn trong thời gian giãn cách xã hội (Ảnh: Hữu Khoa).

Trong thực tế, shipper là lực lượng được TPHCM bổ sung vào nhóm đối tượng được ra đường sớm nhất trong quãng thời gian siết chặt giãn cách xã hội. Trước nhu cầu về nhu, yếu phẩm của người dân, những người vận chuyển này được thành phố xác định là lực lượng đóng vai trò quan trọng và được phép hoạt động có điều kiện từ ngày 30/8.

Sau 7 ngày hoạt động trở lại, khoảng 10.000 shipper đã giải quyết hơn một triệu đơn hàng của người dân. Cùng với đó, nhu cầu của người dân đối với công tác đi chợ thay của chính quyền cũng giảm đi từng ngày.

Từ ngày 7/9, lực lượng shipper đã được mở rộng thời gian hoạt động trong ngày từ 6h đến 21h. Cùng với đó, lực lượng này cũng đóng vai trò chính trong việc đảm bảo hàng hóa đến tay người dân khi TPHCM cho phép các loại hình kinh doanh ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) hoạt động lại bằng hình thức bán mang đi.

Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới? - 4

Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống tại TPHCM vẫn đóng cửa sau khi TPHCM cho phép hoạt động bán mang đi (Ảnh: Đại Việt).

Dù UBND TPHCM đã chính thức cho phép, nhưng những ngày qua, phần lớn hộ kinh doanh đều dè chừng mở cửa bởi cân nhắc những hiệu quả mang lại khi chỉ tiếp cận được khách hàng trong một phạm vi hẹp. Những ngày tới, các shipper được hoạt động liên quận, đồng nghĩa với việc các cửa hàng, hộ kinh doanh mở rộng đối tượng khách hàng có thể tiếp cận, tăng khả năng có lợi nhuận khi mở cửa trở lại.

Thí điểm mở lại nhiều hoạt động ở 3 quận, huyện

Với việc đạt mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19 theo tiêu chí của Bộ Y tế, Quận 7 và huyện Cần Giờ, Củ Chi được lựa chọn là khu vực để TPHCM thực hiện thí điểm từng bước mở lại các dịch vụ. Việc mở cửa trở lại ở các địa phương này dựa trên thử nghiệm áp dụng "thẻ xanh Covid" của thành phố.

Tại Quận 7, khi dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, chính quyền địa phương đã khởi động quá trình trở lại trạng thái "bình thường mới" thông qua việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế - Xã hội, để sẵn sàng phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới? - 5

Quận 7 tính toán các phương án mở lại các dịch vụ khi chủ hộ kinh doanh tiêm đủ 2 mũi.

Theo phương án từng bước mở lại các hoạt động, Quận 7 đề xuất UBND TPHCM bắt đầu giai đoạn một từ ngày 20/9 đến ngày 20/10. Trong quãng thời gian trên, địa phương sẽ ưu tiên mở cửa lại đối với các ngành nghề như lương thực, thực phẩm, các dịch vụ ăn uống nếu chủ hộ kinh doanh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Sau khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, huyện Cần Giờ cũng lên kế hoạch xây dựng tour du lịch với lộ trình khép kín. Dự kiến từ nay đến ngày 30/9, tour du lịch đầu tiên của huyện sẽ được khởi động với điều kiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn.

Tại buổi làm việc với huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch trên. Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc mở tour du lịch an toàn vừa giúp địa phương tận dụng, phục hồi kinh tế, vừa chia sẻ khó khăn với các địa phương, giúp người dân thành phố giảm bớt áp lực tâm lý sau quãng thời gian giãn cách kéo dài.

Những hoạt động nào ở TPHCM dự kiến được mở dần thời gian tới? - 6

Huyện Cần Giờ dự kiến mở tour du lịch an toàn trong tháng 9.

Khi đạt được những tiêu chí là vùng xanh của thành phố, huyện Củ Chi cũng đặt mục tiêu khôi phục lại các hoạt động theo tiêu chí "mở cửa tới đâu chắc tới đó". Hiện nay, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch khung, từ đó các xã, thị trấn tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng địa bàn để tiến tới mở cửa, trở lại trạng thái "bình thường mới".

Với những kịch bản, kế hoạch chi tiết, Quận 7 và huyện Củ Chi, Cần Giờ sẽ là tiền đề và thử nghiệm quan trọng của TPHCM trong việc phân tích, xem xét những bước mở cửa lại các hoạt động đã đủ an toàn hay chưa. 

Đối với tổng thể TPHCM, chính quyền thành phố cam kết sẽ cân nhắc, đánh giá từng ngày giữa việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát, phục hồi các hoạt động với việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Cụ thể, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè và Quận 5, 7, 11, Phú Nhuận có thể nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội từ nay đến cuối tháng 9.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch TPHCM cho biết thành phố đang từng bước xây dựng 8 tiêu chí của 8 ngành là công thương, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, lao động, thương binh, xã hội.

"Các tiêu chí sẽ được thí điểm ở những nơi kiểm soát được dịch bệnh. Khu vực nào đảm bảo an toàn, thành phố không ngại để tạo điều kiện mở cửa", Phó Chủ tịch UBND TPHCM cam kết.

Theo dantri.com.vn
Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm Đại tá Lê Anh Hưng - Trưởng phòng, Phòng Điều tra các tội phạm khác, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.
back to top