Những hiểu lầm khi F0 điều trị tại nhà

Trong thời gian dài tham gia tuyến đầu chống dịch trong TPHCM, là Trạm trưởng Trạm Y tế Quân y lưu động quận 6, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, tôi nhận thấy có một số hiểu lầm phổ biến đối với những F0 điều trị tại nhà.

Phải có triệu chứng

Covid-19 là bệnh lý do virus gây ra. Virus này tác động vào hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, cơ quan thần kinh... với các mức độ khác nhau.

Phân loại mức độ triệu chứng gồm 4 loại: F0 không triệu chứng; F0 có triệu chứng nhẹ với những biểu hiện như ho, rát họng, sốt, sổ mũi; F0 có triệu chứng vừa như khó thở, tức ngực nhưng chưa suy hô hấp, SpO2 trên 93%; và F0 có triệu chứng nặng khi bệnh nhân viêm đường hô hấp, tần số thở cao, SpO2 dưới 93%.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 90 - 95% ca F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Do đó, quan niệm rằng F0 là phải có triệu chứng, phải mất vị giác, khứu giác là không đúng.

Ở nhà là không được điều trị

Tất cả F0 đều được theo dõi và chăm sóc bởi nhân viên y tế. Với bệnh nhân mắc Covid-19 ở thể nhẹ, hoặc không triệu chứng sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, dưới sự theo dõi và hướng dẫn, hỗ trợ của nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động.

Tùy theo thể trạng từng F0, bác sĩ và nhân viên y tế sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp, hướng dẫn và có phác đồ điều trị cụ thể. Hoàn toàn không có chuyện F0 ở nhà là không được điều trị.

dieu-tri-f0-tai-nha.jpg
Những hiểu lầm khi F0 điều trị tại nhà.

Dùng thuốc theo đơn thuốc của bệnh nhân khác

Có những F0 sau khi được điều trị khỏi bệnh đã lưu lại đơn thuốc và truyền lại cho các F0 khác như một phương thức điều trị Covid-19 duy nhất. Nhiều bệnh nhân không triệu chứng hoặc thể nhẹ vẫn tự ý áp dụng đơn thuốc của bệnh nhân khác để lại, với những thuốc giãn phổi, giảm ho, long đờm, hạ sốt, kháng sinh, kháng viêm liều cao... mà không hề có chỉ định của bác sĩ.

Điều này rất nguy hiểm, gây nhiều tác dụng phụ và kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, dùng thuốc không đúng cách có thể gây ngộ độc thuốc, nguy hiểm tới tính mạng.

Tự mua thuốc kháng virus

Nhiều F0 điều trị tại nhà tự ý mua thuốc kháng virus Molnupiravir ngoài “chợ đen”, không rõ xuất xứ với giá cao hàng triệu đồng/vỉ, có khi còn sử dụng không đúng liều lượng.

Hiện Molnupiravir do Bộ Y tế quản lý, chỉ được cấp và phát bởi các trung tâm y tế, các trạm y tế lưu động nhằm phục vụ điều trị F0. Việc sử dụng Molnupiravir phải được theo dõi chặt chẽ từ phía nhân viên y tế. Thuốc này không dùng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi, phụ nữ đang cho con bú, có thai hoặc dự định có thai... Tự ý dùng thuốc có thể có tác dụng phụ kéo dài mà không biết, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả, sử dụng thuốc sai cách.

Xông mũi, họng càng nhiều càng nhanh khỏi

Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng, nhưng không phải là phương pháp điều trị Covid-19.

Việc lạm dụng xông nhiều lần trong ngày, với nhiệt độ cao sẽ gây những phản ứng ngược như khó chịu, bỏng niêm mạc mũi, họng. Chưa kể, một số người có thể bị kích ứng với những chất có trong nguyên liệu xông. Đặc biệt, người đang sốt thì không được xông nóng.

Uống rượu, bia để sát khuẩn

Nhiều người quan niệm rượu, bia là đồ uống có cồn, có tác dụng sát khuẩn. Đây là quan niệm hoàn toàn sai và gây nguy hiểm khi ngộ độc rượu. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, đồ uống có cồn không bảo vệ được người bệnh, cũng không phòng chống được nguy cơ nhiễm bệnh. Thay vì uống rượu, mọi người có thể súc miệng bằng nước muối mỗi ngày.

Rửa mũi liên tục

Rửa mũi là thói quen có lợi, nhưng chỉ hỗ trợ trong việc vệ sinh mũi, không phải là phương pháp điều trị Covid-19. Hơn nữa, rửa mũi nhiều lần trong ngày có thể làm khô và bào mỏng niêm mạc mũi.

Nín thở để test Covid-19

Nhiều người bày nhau cách tự test Covid-19 là nín thở quá 10 giây. Nếu sau đó thấy khó chịu, ho, khó thở có nghĩa đã mắc Covid-19. Điều này không có cơ sở khoa học.

Thực tế, có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong tình trạng thiếu oxy thầm lặng, tức là không có biểu hiện lâm sàng nhưng SpO2 giảm đột ngột, dưới 93%. Chỉ khi họ gắng sức hoạt động mới có biểu hiện khó thở, suy hô hấp. Nên có lẽ một số người đã hiểu lầm quan niệm này để test Covid-19.

Các phương pháp xét nghiệm Covid-19 hiện nay là: Phương pháp Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

F0 khỏi bệnh sẽ miễn nhiễm với Covid-19

Covid-19 có rất nhiều chủng virus khác nhau. Bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh cũng có thể tái nhiễm các chủng virus khác. Do đó, F0 khỏi bệnh vẫn phải tuân thủ tốt 5K.

Không được tắm gội

Việc tắm gội là vệ sinh cá nhân hằng ngày. F0 cũng cần được vệ sinh tốt hằng ngày. Ngoài ra, có quan điểm nếu tắm phải tắm nước thật nóng để diệt virus. Điều này chưa đúng. Trong thời tiết lạnh, mọi người nên tắm nước ấm và làm ấm phòng để tránh nhiễm lạnh. Còn việc tắm nước nóng quá không giúp diệt virus mà có thể gây khó chịu, bỏng rát da.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top