Những đồn thổi lạ về cây duối thời Lý

Một cây duối cổ thụ được cho là trồng từ thời nhà Lý hiện vẫn tồn tại ở xóm làng Đông xã Đông Dương (Đông Hưng – Thái Bình) đã từng lan truyền những câu chuyện lạ lùng mang tính thần thánh hoá nhưng cũng khiến không ít người kinh ngạc.

Cây duối có đường lính 1,6m.

Được trồng từ thời Lý?

Con đường dẫn vào xóm làng Đông ngoằn ngoèo nhưng từ xa đã có thể nhìn thấy cây duối cổ thụ bởi độ cao và các tán lá xanh mướt. Nơi cây duối toạ lạc là một con ngõ nhỏ có tên là Đình Xóm. Gạn hỏi mãi mới biết, cây duối chẳng thuộc quyền sở hữu của riêng ai, đó là báu vật chung của cả làng đã tồn tại thành hương ước cả nghìn năm nay.

Một người làm hương trầm tên là Nguyễn Văn Phúc có ngôi nhà “chiếu tướng” với cây duối ra tiếp chuyện. Anh Phúc cũng là người tự tay xây ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây để thờ tự sau nhiều chuyện đã xảy ra với mình. Nhưng anh bảo, không thể biết cây duối có từ bao giờ, người biết chuyện chỉ có cụ Bột.

Chúng tôi tìm đến cụ Phạm Văn Bột (84 tuổi), cụ Bột hiện đang là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đông Dương và là người am hiểu lịch sử cây duối nhất vì cụ có gia phả để lại, nói rõ thời kỳ Thái Bình được hình thành từ Bài Cát Trang (phần đất hình thành do bãi biển bồi đắp – PV).

Cụ Bột lần giở những trang gia phả bằng chữ nho và cho biết: “Tướng quân Lê Ngọ từ thời nhà Lý khởi binh từ Thanh Hoá đánh giặc Lương (năm 545), đến Thái Bình nhận thấy là vùng đất đẹp bèn khai phá giúp dân lập nghiệp. Cây duối cổ thụ được trồng từ thời đó, cách cây duối không xa là miếu Chàng thờ Tướng quân Lê Ngọ và 4 người con là những danh tướng chống giặc Lương. Hiện, ở miếu Chàng còn lưu giữ văn bia: “Cửu ấp – cửu đồn lương tặc phá/Tứ nam tứ tướng – Lý thần tôn”.

Cụ Bột cho biết thêm: “Nếu tính sát với gia phả thì cây duối phải ở mức gần 1500 tuổi chứ không kém. Loài cây này rất chậm lớn, thời tôi còn nhỏ đã thấy cây duối to lớn như thế, đó còn là “nhân chứng” của địa phương qua bao nhiêu biến cố thăng trầm lịch sử. Ngày trước, các cụ coi đó là “thần duối”, là biểu trưng của sức mạnh thiên nhiên nên không một ai dám mạo phạm đến cây”.

Theo gia phả, cây duối có tuổi thọ 1500 năm.

Liêu trai chí dị… duối

Với người dân địa phương, cây duối cổ thụ này không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn là biểu tượng tâm linh, không ít câu chuyện lạ nửa thực nửa hư được đồn thổi khiến nhiều người kinh ngạc lẫn sợ sệt. Anh Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Trước đây, cạnh gốc duối là một ngôi đền thờ Bạch Hoa công chúa rất thiêng, người dân cho rằng, cây duối được linh hồn của công chúa Bạch Hoa nhập vào nên ai mạo phạm đến cây thì sẽ bị trừng phạt”.

Anh Phúc kể về câu chuyện có thật ở trong thôn, vì cây bị rỗng phía bên trong nên mấy chục năm liền ong mật đến làm tổ. Có người làm nghề cắt tóc vì háu ăn mới thò tay vào lấy chút mật nếm thử. Chẳng ngờ, về nhà bị phát điên phát dại, chữa trị khắp các bệnh viện mà không khỏi. Gạn hỏi mãi mới biết người ấy mạo phạm đến “thần duối” nên bị trừng phạt. Gia đình phải làm lễ, khấn bái mới khỏi bệnh.

Cây từng bị gẫy một nửa do đạn pháo bắn trúng.

Cũng có một số người, không biết vô tình hay cố ý “thử phép thiêng” của cây nên đi qua nói vài câu tục tĩu, chẳng ngờ người thì bị hoá điên, người thì bị cấm khẩu, có người lại gặp những tai ương bất ngờ. Chẳng biết đó là do thần thánh quở phạt hay do ngẫu nhiên, nhưng những sự việc không lý giải nổi một thời trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Sự ám ảnh ấy truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thế nên, trẻ em địa phương và cả người lớn không ai dám trèo lên “thần duối”, ngoại trừ anh Phúc là người hương nến thờ tự cây duối. Sở dĩ, anh Phúc phải xây miếu thờ dưới gốc cây vì sau nhiều chuyện chẳng lành xảy đến với mình, anh nghĩ do mình không hương khói cho “thần duối” nên hay gặp xui xẻo. Từ ngày xây miếu, công việc làm hương trầm và buôn bán của anh và gia đình bỗng khởi sắc, cuộc sống an lành hơn.

Lo “thần duối” chết

Theo cụ Phạm Văn Bột, khu vực cây duối trước đây có một ngôi đền nhưng đã bị phá. Từ khi phá ngôi đền đi, nhiều chuyện mang tính tâm linh xảy ra với dân làng. Cũng theo cụ Bột, ngày trước trong thân cây duối có 2 con báo, người làng bảo đó là linh vật bảo vệ cây. Nhưng không phải, bằng chứng là cụ Bột đã bắn chết một trong hai con báo ấy rồi xẻ thịt chia cho dân làng mà không bị trừng phạt.

Người dân tôn cây là “thần duối”.

Vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cây duối này từng là “viễn tiêu” của bộ đội và lực lượng du kích địa phương để quan sát đồn bốt cũng như đường đi của quân giặc. Cây cao hàng trăm mét nên khi leo lên ngọn cây có thể nhìn bao quát cả tỉnh Thái Bình. Tiếc là, vào tháng 2/1950 quân Pháp nã pháo đánh gẫy đôi “thần duối”.

Chúng tôi cùng cụ Bột và anh Phúc đo đạc thân cây, đường kính chỗ lớn nhất lên tới 1,6m. Tuy nhiên, thân cây bên trong đã bị rục muỗng và rỗng hoàn toàn. Vả lại, cơn bão số 8 năm 2012 cũng quật gẫy một số cành lớn. Theo cụ Bột và những người dân địa phương, nếu không có một phương án chăm sóc bảo tồn, thì rất có thể cây duối sẽ chết. Đó cũng là nỗi lo lắng của dân làng và chính quyền địa phương, bởi biết đâu đến một ngày nào đấy cây duối nghìn năm tuổi này sẽ được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

“Cây duối ở xóm làng Đông không chỉ là “nhân chứng” lịch sử mà còn mang tính chất tâm linh đối với người dân địa phương. Từ xưa tới nay, người dân vẫn thắp hương tại đó để cầu an. Tôi có được nghe một số câu chuyện tâm linh về cây duối cổ thụ này, sự thật thế nào thì chưa có ai kiểm chứng. Hiện, có nhiều ý kiến về việc bảo tồn, chăm sóc cây duối. Tuy nhiên, địa phương cũng chưa bao giờ làm hồ sơ gửi cấp thẩm quyền để xét duyệt là cây di sản”, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban văn hoá xã Đông Dương.

Trần Hoà

Theo Đời sống
back to top