Những cổ phiếu kích cầu thị trường trong năm nay

Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến kinh tế và hoạt động doanh nghiệp, nhưng cổ phiếu nhiều nhóm ngành lại liên tục ghi điểm, dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng.

Ngân hàng

Đà tăng của nhóm này bắt đầu từ cuối tháng 1 và kéo dài cho tới giữa năm. Ở mức đỉnh vào giữa tháng 6 và mã được chú ý như VPB, SHB, MBB, TCB, ACB, STB, HDB đều tăng mạnh. Nếu tính chung cho cả năm 2021, thị giá của nhóm này tăng trên 30%.

Tuy nhiên, các mã ngân hàng quốc doanh tăng chậm hơn. CTG tăng mạnh nhất nhưng chỉ đạt 16% tính từ đầu năm; VCB gần như không đổi; BID giảm hơn 9%.

Tính từ mức đỉnh vào giữa tháng 6, hầu hết mã ngân hàng chỉ đi ngang hoặc giảm.

Chứng khoán

Chứng khoán trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư 2 năm qua. Số nhà đầu tư mới tăng liên tục, thể hiện qua số tài khoản mở mới mỗi tháng cao kỷ lục. VN-Index lần đầu vượt ngưỡng 1.500 điểm trong tháng 11. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Nửa đầu năm trước, giá trị giao dịch mỗi phiên trên HoSE dưới 10.000 tỷ đồng, đến cuối năm tăng lên 15.000-20.000 tỷ đồng. Năm 2021, mức cao nhất ghi nhận trong một phiên hơn gấp đôi con số này, giá trị trung bình những phiên trong tháng 11 và 12 vượt trên 1 tỷ USD.

Diễn biến này một phần nhờ sự sôi động của thị trường, khi các nhóm cổ phiếu thay phiên nhau dẫn dắt xu hướng.

Thép

Giá thép thế giới và Việt Nam tăng phi mã đã khiến mã chứng khoán của các đơn vị ngành thép cũng tăng hạng liên tục.

Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất thị trường, báo lãi ròng trong nửa đầu năm hơn 16.700 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Doanh thu của công ty này cũng tăng gần 70% lên gần 66.900 tỷ đồng.

Doanh thu của Thép Nam Kim trong 6 tháng đầu năm gấp 2,5 lần năm trước, đạt trên 11.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.166 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ và bốn lần so với cả năm ngoái. Tương tự với Hoa Sen, khi lợi nhuận trong niên độ tài chính 2020-2021 cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Các mã này tăng khoảng 60-70% trong quý III khi giá thép tăng phi mã. Chững lại vào tháng 6 rồi tăng vọt trong hai tháng tiếp theo khi công bố kết quả 6 tháng tăng đột biến.

Bất động sản

Ngành này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ đại dịch, liên quan đến sức cầu của thị trường và việc triển khai các dự án. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản cũng không quá nổi trội. Nhưng mức giá thấp trong bối cảnh dòng tiền lớn đổ vào thị trường khiến cổ phiếu bất động sản trở nên hấp dẫn.

Nhóm cổ phiếu họ Sông Đà tăng tính bằng lần chỉ trong vài tháng. Cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản nhóm đầu khí cũng bật cao dù thị giá trước đó chỉ ngang "trà đá, mớ rau". Một số doanh nghiệp ít được chú ý, giao dịch dưới 10.000 đồng cũng lần đầu trở lại mệnh giá sau nhiều năm.

Phân phối hàng điện tử

Nhóm này, cùng với chứng khoán, được xem là hưởng lợi từ "bình thường mới". Nhu cầu học tập, làm việc từ xa giúp doanh số bán hàng các doanh nghiệp này tăng vọt, thậm chí "cháy hàng" trong thời gian dài. Yếu tố này khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào những con số tăng trưởng đột biến.

Bốn cổ phiếu trong nhóm này là DGW, MWG, FRT và PSD đều ghi nhận mức tăng mạnh từ giữa năm, khi diễn biến dịch phức tạp làm tăng nhu cầu mua các thiết bị điện tử. Tính chung cả năm, thị giá DGW và FRT gấp gần ba lần, PSD tăng trên 100% còn MWG có thêm gần 70%.

Theo Đời sống
back to top