Những chuyện ít biết về tranh dân gian Việt Nam (kỳ 5): Dòng tranh hễ cúng xong là… đốt

Tranh dân gian làng Sình cúng xong đều mang đốt ở Huế là một dòng tranh thờ độc đáo. Dòng tranh này đã thể hiện được những nét đẹp trong nghệ thuật hội họa dân gian cổ xưa và phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người dân xứ Huế.

Bản vẽ màu tranh làng Sình

Cúng xong là đốt

Tranh làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế dùng đề thờ cúng. Tranh làng Sình khác với tranh Hàng Trống hay tranh Đông Hồ ở chức năng – loại tranh này chỉ phục vụ cho việc thờ cúng. Cứ làm lễ cúng xong, các bức tranh này sẽ được mang đi đốt. Nghi thức này phần nào giống với việc hóa vàng mã sau khi cúng tế ở nhiều địa phương khác trong cả nước.

Bởi cúng xong là đốt nên việc lưu giữ lại các bức tranh là vô cùng khó khăn. Vì thế, đến nay chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn được lưu giữ ở nhà ông Kỳ Hữu Phước – một nghệ nhân làm nghề tranh lâu năm ở làng Sình.

Làng Sình, cái tên nôm nổi tiếng trong cộng đồng cư dân Huế là ngôi làng được hình thành từ khá sớm trong ở Đàng Trong, ven sông Hương. Tên gốc của ngôi làng này là làng Lại Ân. Từ trung tâm thành phố Huế, xuôi theo dòng sông Hương khoảng 9km, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang ôm gọn 7 ngôi làng với vị thế đắc địa, trù phú. Phía Đông và Bắc tựa lưng vào làng Phổ Lợi (xã Phú Dương) và làng Vĩnh Đại (xã Phú Thanh), Phía Tây và Nam quay mặt ra sông Hương, nơi có làng Lại Ân với nghề làm tranh dân gian nổi tiếng. Ở ngôi làng này, người dân có nghề làm hương, làm hạt bỏng để cúng. Có lẽ xuất phát từ những truyền thống này mà nghề in tranh mộc bản ở Sình, ngay từ khi ra đời đã không thuần túy là dòng tranh phục vụ cho các thú chơi tao nhã, mà chủ yếu là nhu cầu tín ngưỡng dùng để thờ, cúng rồi mang hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.

Với khoảng hơn 50 đề tài phục vụ tín ngưỡng cổ sơ, người dân thờ tranh để cầu mong người yên, vật tịnh, cuộc sống sung túc. Có thể chia tranh làng Sình thành ba nhóm chính: Tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật.

Tranh nhân vật: Gồm các loại tượng Bà, tượng Bếp, con ảnh, ông Điệu, ông Đốc. Các bộ tranh thờ thần để cầu an cho người như tiên sư, ông Điệu, ông Đốc, bà Thủy, tam vị Phạm Tinh…

Tranh súc vật: Đây là những bức tranh in hình 12 con vật cầm tinh cho thập nhị địa chi trong âm lịch gồm: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Tranh đồ vật: Là những bức tranh in hình các loại áo quần; khí dụng; cung tên;… hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí.

Ngày nay, đi cùng với việc bảo tồn và phát triền tranh làng Sình, ngoài dòng tranh thờ cúng người ta cũng rất quan tâm đến tranh trang trí, treo tường. Tranh Sình giờ đã có thêm các nội dung khác ngoài thờ cúng. Những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú thêm cho tranh làng Sình. Dòng sản phẩm này rất được khách du lịch ưa chuộng. Những đề tài mới xuất hiện trong tranh làng Sình như: Hội vật với các thế vật ngồi, nằm, đứng, các trò chơi kéo co nam, nữ, bịt mắt bắt dê, hình ảnh bát âm gồm nhị, nguyệt, trống, sáo, đàn bầu, tỳ bà, đàn tranh.

Song song với sự phát triển của văn hóa cung đình Huế, có rất nhiều ý kiến đặt ra về sự tác động của văn hóa cung đình vào dòng tranh dân gian này. Phát biểu trong buổi tọa đàm Tranh dân gian Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị mới đây, PGS.TS Phan Thanh Bình, hiệu trưởng trường Đaị học Nghệ thuật Huế nhận định: Văn hóa cung đình mới xuất hiện cách đây 150 năm trong khi văn hóa dân gian đã tồn tại hơn 400 năm. Vì thế, những yếu tố văn hóa dân gian của tranh làng Sình có thể đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới dòng tranh cung đình.

PGS.TS Phan Thanh Bình giới thiệu về mộc bản của tranh làng Sình

Tạo tác kỳ công, vẻ đẹp nguyên bản

Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn như: xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn.

Tranh làng Sình có nhiều kích cỡ khác nhau, ứng với nó là kiểu in vẽ cũng khác nhau. In tranh khổ lớn phải đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết làm bằng mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in, sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với những bức tranh khổ nhỏ, người ta sẽ đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lất ván in dập lên. Bản in đen chờ cho khô thì đem tô màu.

Tranh làng Sình có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen… đều được làm từ cây cỏ vô cùng công phu. Màu đỏ được làm từ rễ cây vang lấy từ rừng sâu, mang về sắc trên nồi đất nung lửa đỏ bốn năm ngày. Màu xanh lại chế từ hỗn hợp hoa dành dành hái dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm và lá mối. Đến mùa nắng người dân lại đi hái lá đung về, trộn cùng hoa hòe cô đặc lên cho ra màu vàng. Chỉ riêng màu tím làm ra khá dễ dàng bởi nguyên liệu hạt mồng có khá nhiều. Cứ tầm tháng 5, tháng 6 người dân đi hái trái mồng tơi đem về giã nhỏ, vắt thành nước pha với phèn chua cho giữ màu. Màu chàm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rữa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại. Màu cam (gạch) làm từ gạch non mài ra trộn thành bột. Còn màu đen là hỗn hợp của tro bếp trộn với lá bàng ngâm ủ trong một tháng.

Các vật liệu khác cũng được làm rất kỳ công. Giấy in tranh là giấy dó được quét điệp cho dai, giữ màu. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang rồi người làm tranh phải tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy. Chiếc bút dùng tô màu tranh được làm từ rễ cây dứa hoang, phơi khô, lột vỏ chừa phần ruột trong để chổi. Loại bút này vừa giữ màu lại không bị lem. Tùy từng kích cỡ vật liệu khác nhau sẽ cho ra các loại bút to nhỏ.

Màu sắc của tranh làng Sình khá nguyên bản, không được tỉa tót và vờn đậm như tranh Hàng Trống hay tranh Đông Hồ nhưng mỗi màu đều có chỗ cố định trên tranh, tạo nên sự hòa sắc phù hợp với ý nghĩa của từng tranh. Chính màu sắc tự nhiên như vậy lại rất phù hợp với đường nét và bố cục trên tranh còn mang tính thô sơ, chất phác một cách hồn nhiên. Đây là những đặc điểm làm nên nét độc đáo riêng của dòng tranh dân gian làng Sình trong hệ thống các dòng tranh dân gian Việt Nam.

Một số bản mộc và in của tranh làng Sình

Bản in tranh làng Sình

Hiện nay, để thuận tiện và đỡ tốn kém, người ta đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp và tô bằng phẩm màu công nghiệp. Chỉ riêng nghệ nhân Kỳ Hữu Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và màu tự nhiên. Vì thế, việc gìn giữ những nét đẹp nguyên bản của tranh làng Sình là cả một thách thức lớn.

PGS.TS Phan Thanh Bình cho biết: “Tranh Sình in suốt cả năm, nhưng mật độ in nhiều, đa sắc và nhộn nhịp nhất là vào gần Tết. Trong điều kiện đó, những bức tranh đa màu sắc của làng Sình đã gợi lên nét vẽ vui tươi lắng đọng hồn quê của ngày Tết, những sắc màu rực rỡ của tranh thờ cúng đã đem lại một dư vị ấm áp, gần ngũi và thiêng liêng cho ngày Tết cổ truyền”.

Lăng Dương

Theo Đời sống
back to top