Những chuyện ít biết về tranh dân gian Việt Nam (kỳ 3): Làng tranh đã lạc vào dĩ vãng

Tranh Kim Hoàng là cái tên thường gọi của dòng tranh dân gian vốn phát triển khá mạnh từ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Dòng tranh này có những giá trị riêng biệt so với các dòng tranh dân gian, thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người dân Kim Hoàng. Hiện nay tranh Kim Hoàng đã bị thất truyền…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đang phục dựng tranh cùng những nghệ nhân ở làng Vân Canh

Một vùng đỏ rực tranh Kim Hoàng

Tranh dân gian Kim Hoàng ra đời từ thế kỉ XVIII, phát triển sau tranh dân gian Hàng Trống và tranh dân gian Đông Hồ. Theo sách Đồ họa cổ Việt Nam, dân làng Kim Hoàng di cư từ Thanh Hóa ra Bắc, gồm  hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại, tiến tới xây dựng đình chung “Trưởng bảng hội đình” vào ngày mùng 3 tháng 2 năm Chính Hoà thứ 22 (1701). Cái tên Kim Hoàng đã thể hiện rõ sự hợp nhất này.

Vào thời điểm đó, cư dân làng Kim Hoàng nhận thấy nhu cầu sử dụng tranh của người dân ngày càng gia tăng trong khi tranh Đông Hồ chỉ đủ cung ứng cho mạn Hà Bắc, Hải Dương, Nam Định, còn tranh Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho Hà Nội lại không phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ và túi tiền của người nông dân. Vì thế, họ đã sáng tạo ra dòng tranh Kim Hoàng – một dòng tranh có sự kết hợp cả hai kỹ thuật của tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Hai dòng họ đi đầu trong việc vẽ và in tranh Kim Hoàng là dòng họ Nguyễn Sĩ và Nguyễn Thế.

Cũng như nhiều dòng tranh dân gian khác, tranh Kim Hoàng được sử dụng nhiều trong lễ Tết. Đây là dịp người dân có nhu cầu mua tranh để trang trí nhà cửa và thờ cúng tổ tiên nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Vì thế, từ rằm tháng 11, làng bắt đầu làm tranh.

Thoạt đầu, tranh được vẽ và in để cúng tổ nghề. Các ván in do một ông chủ phường có tài vẽ và khắc tranh thực hiện. Sau ngày giỗ tổ mới phát cho các gia đình. Trong quá trình in họ trao đổi ván cho nhau. Sau Tết, hết mùa tranh họ lại giao ván cho các chủ phường khác cất giữ.

Không khí cả làng vô cùng sôi nổi, tấp nập. Mỗi người một công việc khác nhau. Đây cũng là thời điểm nông nhàn nên hầu hết các gia đình đều tập trung vào công việc làm tranh đầy thú vị này. Không chỉ có người lớn, trẻ em cũng tham gia làm tranh. Vào mỗi mùa như vậy, trong làng đâu đâu cũng gặp tranh. Tranh được in, vẽ ở mọi nhà, phơi ở khắp nơi: mái hiên, sân nhà, bờ rào, bờ dậu… đỏ rực cả một vùng. Các lái buôn từ xa đến làng mua tranh cũng làm cho không khí nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Cứ như vậy, trong hơn một thế kỉ, nghề làm tranh Kim Hoàng được truyền từ đời nọ qua đời kia, đưa làng Kim Hoàng trở thành một trung tâm lớn về tranh ở phía Bắc, sánh ngang với hai trung tâm lớn khác về tranh là Đông Hồ và Hàng Trống.

Tranh Kim Hoàng sau khi được phục dựng

Bức tranh “Lợn” nổi tiếng của tranh Kim Hoàng

Tranh đã thất truyền

Đề tài trong tranh Kim Hoàng cũng tương tự như tranh Đông Hồ. Những bức tranh tái hiện lại các hình ảnh quen thuộc trong đời sống của những người nông dân ở vùng thôn quê Việt Nam như, trâu, bò, gà, lợn, cảnh chợ Tết, cảnh trẻ em vui chơi, ông Công ông Táo,…

Trong bài tham luận tại Tọa đàm Tranh dân gian Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị, GS.TS Trương Quốc Bình trong bài phát biểu về… đã nhận định: “Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế , nó tạo cho dòng tranh này những giá trị riêng biệt”.

Kỳ thực, tranh Kim Hoàng đã kết hợp được ưu điểm của tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ trong nghệ thuật in, vẽ của mình. Tranh Kim Hoàng sử dụng mực tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên. Màu trắng từ thạch cao, phấn, màu vàng lấy từ hoa dành dành, màu đỏ từ son, màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu chàm từ mực tàu hòa với nước chàm…

Giấy được sử dụng để in, vẽ tranh Kim Hoàng cũng là loại giấy đặc biệt. Đó không phải là giấy dó của tranh Hàng Trống hay giấy điệp của tranh Đông Hồ. Người làng Kim Hoàng dùng giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Ví dụ, tranh lợn bột in hình con lợn mình đen, viền trắng cách điệu rất ngộ nghĩnh giống như những con lợn đất bán ở chợ, trên nền giấy đỏ tạo một vẻ đẹp riêng gây ấn tượng mạnh mẽ của tranh Kim Hoàng.

Trên tranh Kim Hoàng, không chỉ có hình ảnh về các con vật, sự vật hoặc con người mà luôn kèm theo những dòng chữ phụ họa cho bức tranh ấy. Những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình ảnh đã tạo nên cho bức tranh một chỉnh thể chặt chẽ, cân đối. Người ngắm tranh có thể cảm nhận được ý tình, hồn điệu của câu chuyện hay thông điệp trên mỗi bức tranh.

Tranh của những em nhỏ thì trong sáng, hồn nhiên. Tranh của nhiều người lớn thì nồng thắm, sâu sắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất của tranh Kim Hoàng, khiến dòng tranh này phù hợp được với thị hiếu thẩm mĩ, sở thích của nhiều người quanh vùng Bắc Bộ.

Thật không may, do những yếu tố tác động của tự nhiên và lịch sử mà làng tranh Kim Hoàng hiện nay đã không còn được duy trì nữa. Năm 1915, một trận lụt lớn làm ngập các làng mạc từ Phùng đến Cầu Giấy đã cuốn trôi biết bao nhà cửa, đồ đạc, trâu bò… Làng Kim Hoàng cũng không tránh khỏi nạn lụt ấy, nhiều ván in quý giá đã bị nước cuốn trôi. Sau đó, do cuộc sống đói kém, mất mùa, chiến tranh liên tiếp đã khiến dòng tranh này dần mai một và hoàn toàn biến mất vào năm 1945. Vì thế, tài liệu về tranh Kim Hoàng không nhiều, hiện chỉ còn vài tranh như Đức lưu quang, Phúc mãn đường, Gà, Lợn (2 tranh sau này còn ván in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Một số tranh khác in trong tài liệu xuất bản của người Pháp.

Nhà sưu tầm tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa đau đáu với vấn đề phục dựng dòng tranh này:  “Trong quá trình đi tìm lại bản khắc của tranh Kim Hoàng, tôi đã may mắn mua được một ván áo quan có đầy đủ 10 bức tranh Kim Hoàng, trong khi bản khắc chỉ có nhiều nhất là 6 bức”.

Với mong muốn gìn giữ và phát triển dòng tranh Kim Hoàng vốn đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua, bà Nguyễn Thị Thu Hòa đã cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa thực hiện phục dựng các bản khắc. Những bản khắc và những bức tranh Kim Hoàng đầu tiên đã được công bố và trưng bày tại triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà nghiên cứu.

Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa thể hiện quyết tâm: “Chúng tôi mong muốn tranh Kim Hoàng sớm hồi sinh, không chỉ thông qua các cuộc trưng bày hay triển lãm, mà xa hơn nữa, ở chính làng Kim Hoàng sẽ có những nghệ nhân mới, được đào tạo bài bản để làm nghề” .

Lăng Dương

Theo Đời sống
back to top